Chúng tôi ngược dòng sông Hồng, cùng cán bộ Đồn Biên phòng A Mú Sung, Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh Lào Cai về bản Pho, xã A Mú Sung, huyện Bát Xát để tuyên truyền, PBGDPL. Dù nắng hè oi bức, nhưng khi nghe tin cán bộ biên phòng xuống bản, đồng bào đã tập trung đông đủ tại nhà trưởng bản Vàng A Sử.

Buổi tuyên truyền hôm ấy, Trung tá Bùi Thanh Hải, Chính trị viên phó Đồn Biên phòng A Mú Sung dành nhiều thời gian nói kỹ về quyền và nghĩa vụ của cử tri, hướng tới ngày bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp, kết hợp với tuyên truyền nghị định thư phân giới, cắm mốc biên giới trên đất liền Việt Nam-Trung Quốc. Ngồi chăm chú lắng nghe cán bộ biên phòng phổ biến pháp luật, anh Thào A Cở ở bản Pho chia sẻ: “Cán bộ của xã và đồn thường xuyên đến tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho đồng bào, nhất là những ngày họp bản. Nhờ vậy, tôi và nhiều bà con dân bản hiểu rõ hơn về đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, đặc biệt là những quy định về quy chế quản lý biên giới đất liền, quy chế khu vực biên giới đất liền...”.

Cán bộ Đồn Biên phòng A Mú Sung (Lào Cai) trực tiếp xuống địa bàn tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho đồng bào. 

Theo Thượng tá Trần Văn Khoa, Chính trị viên đồn: Đơn vị đư­ợc giao nhiệm vụ quản lý, bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới với đường biên dài gần 27km; địa bàn đơn vị phụ trách 2 xã biên giới là A Mú Sung và Nậm Chạc, với 22 thôn, trong đó có 8 thôn giáp biên giới. Đồn đã phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương và các lực lượng đóng quân trên địa bàn đẩy mạnh tuyên truyền trên hệ thống truyền thanh và qua các buổi họp thôn, bản với hàng nghìn lượt người nghe.

Qua khảo sát của chúng tôi trên một số địa bàn các huyện biên giới tỉnh Lào Cai, hiệu quả công tác tuyên truyền, PBGDPL không chỉ dừng lại ở việc giúp cán bộ, nhân dân nắm được các văn bản pháp luật, mà còn kết hợp tuyên truyền nâng cao trình độ nhận thức, ý thức của nhân dân, thay đổi một số nếp sống, suy nghĩ lạc hậu không phù hợp, thay đổi phương thức làm ăn, sản xuất để nâng cao năng suất lao động, tích cực cho con em đến trường, tham gia tiêm chủng… Tuy nhiên, quá trình thực hiện vẫn còn bộc lộ những hạn chế như: Một số đơn vị phối hợp với chính quyền địa phương trên địa bàn triển khai thực hiện đề án còn chậm tiến độ so với kế hoạch đề ra; nội dung tuyên truyền của một số đơn vị, địa phương còn dàn trải, chưa sát với nội dung tuyên truyền của đề án, chưa gắn sát với tình hình thực tế đơn vị và địa bàn...

Là cơ quan thường trực Ban chỉ đạo của tỉnh trong thực hiện đề án, Đại tá Lương Văn Sơn, Chính ủy Bộ chỉ huy BĐBP tỉnh Lào Cai cho rằng: “Nguyên nhân của thực trạng trên là do nhận thức của cán bộ một số đơn vị và chính quyền địa phương cấp xã thời gian đầu thực hiện đề án chưa đầy đủ, dẫn đến công tác chỉ đạo, phối hợp thực hiện còn hạn chế. Bên cạnh đó, năng lực tuyên truyền pháp luật của đội ngũ cán bộ cơ sở còn yếu, chưa có phương pháp tuyên truyền cụ thể, sát với các đối tượng và các dân tộc, nên hiệu quả chưa cao”.

Để khắc phục tình trạng trên, thời gian tới, Bộ chỉ huy BĐBP tỉnh Lào Cai thường xuyên theo dõi, chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc các đơn vị trong thực hiện đề án. Điều chỉnh các nội dung, phương pháp chưa phù hợp, nhằm nâng cao chất lượng tuyên truyền, PBGDPL cho cán bộ, nhân dân. Phối hợp với Sở Tư pháp cử cán bộ đi tập huấn báo cáo viên tuyên truyền pháp luật; phối hợp với Sở Ngoại vụ tổ chức hội nghị tập huấn về Luật Biên giới quốc gia cho các đồng chí báo cáo viên pháp luật trong toàn tỉnh...

Gần 3 năm qua, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh Lào Cai đã phối hợp với Sở Tư pháp tỉnh biên soạn, phát hành hơn 300 cuốn tài liệu tuyên truyền hỏi đáp tìm hiểu pháp luật về biên giới và Đề án “Tăng cường PBGDPL cho cán bộ, nhân dân vùng biên giới, hải đảo” cho 11 đồn biên phòng và 26 xã, phường, thị trấn biên giới. Tiếp nhận, bổ sung in tờ rơi, tờ gấp pháp luật, cấp 3.500 đĩa, 40.200 tờ rơi thuộc đề án cho các đồn biên phòng và các xã, phường, thị trấn biên giới. Chỉ đạo xây dựng 1 tủ sách pháp luật tại Cơ quan Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh, xây dựng 12 tủ sách pháp luật tại 12 đơn vị cơ sở; củng cố nâng cao chất lượng Câu lạc bộ trợ giúp pháp lý ở các xã...

Tuy nhiên, theo đồng chí Lầu A Páo, Bí thư Đảng ủy xã Nậm Chạc, huyện Bát Xát: Đặc điểm đồng bào ở phân tán, trình độ nhận thức còn nhiều hạn chế, nên công tác tuyên truyền cần được đa dạng hóa. Trong đó, đặc biệt chú trọng hình thức cử cán bộ địa bàn trực tiếp xuống tuyên truyền cho đồng bào thông qua các buổi họp bản; đồng thời phát huy vai trò trưởng bản, những người có uy tín, hiểu phong tục, tập quán, ngôn ngữ của đồng bào để PBGDPL cho nhân dân.

Về vấn đề này, Đại tá Lương Văn Sơn cho biết thêm: “Hiện tại, 100% các xã vùng biên của tỉnh đang duy trì hiệu quả tổ tuyên truyền pháp luật. Mỗi thành viên trong tổ sẽ trực tiếp xuống địa bàn được phân công, phối hợp với trưởng bản và người có uy tín trong bản để tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho đồng bào. Mặt khác, công tác tuyên truyền qua hệ thống truyền thanh, tủ sách pháp luật, tờ rơi... tiếp tục được duy trì, nhằm nâng cao kiến thức cho đội ngũ cán bộ và một bộ phận đồng bào vùng biên giới”.

Khắc phục một số hạn chế, thực hiện hiệu quả Đề án “Tăng cường PBGDPL cho cán bộ, nhân dân vùng biên giới giai đoạn 2013-2016" là góp phần thiết thực giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, củng cố niềm tin của nhân dân với tổ chức đảng, chính quyền địa phương và BĐBP. Qua đó cũng nâng cao tinh thần cảnh giác của quần chúng, chủ động đấu tranh làm thất bại âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch hòng lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo, nhân quyền nhằm phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc, chống phá sự nghiệp cách mạng của Đảng, của nhân dân ta.

 Bài và ảnh: DUY THÀNH