Tại hội nghị, Thầy thuốc nhân dân, PGS, TS Trần Quốc Bình, Giám đốc Bệnh viện Y học cổ truyền Trung ương cho biết, năm 2015, Qũy Phòng, chống tác hại thuốc lá (Bộ Y tế) đã giao nhiệm vụ cho bệnh viện triển khai công tác tư vấn và hỗ trợ cai nghiện thuốc lá. Ngay sau đó, bệnh viện đã thành lập Phòng tư vấn cai nghiện thuốc lá tại bệnh viện.
Sau một năm hoạt động, các bác sĩ của Phòng tư vấn đã tư vấn và hỗ trợ cai nghiện thuốc lá cho khoảng 80 bệnh nhân đến trực tiếp điều trị tại bệnh viện và khoảng hơn 200 bệnh nhân được tư vấn qua điện thoại. Các biện pháp thường dùng để hỗ trợ người nghiện thuốc lá vượt qua hội chứng cai đó là nhĩ áp (dán cao thuốc vào huyệt trên loa tai), dùng các bài thuốc bổ trợ nhằm nâng cao sức khỏe, tăng sức đề kháng, bổ khí, bổ huyết, hướng dẫn một số bài tập khí công luyện thở… Thời gian tới, bệnh viện và phòng tư vấn cai nghiện thuốc lá tích cực tuyên truyền những tác hại của thuốc lá gây ra và những lợi ích mà việc bỏ thuốc lá đem lại cho sức khỏe và kinh tế cho bệnh nhân và người nhà bệnh nhân. Đồng thời, bệnh viện cũng sẽ triển khai 2 đề tài nghiên cứu có tính ứng dụng thực tế cao để góp phần tư vấn và hỗ trợ cai nghiện thuốc lá thành công. Đó là nghiên cứu ứng dụng các phương pháp tư vấn cai nghiện thuốc lá (dùng thuốc y học cổ truyền) để tư vấn và hỗ trợ cho các bệnh nhân cai nghiện thuốc lá; Nghiên cứu xây dựng phác đồ tư vấn cai nghiện thuốc lá (không dùng thuốc, châm cứu, xoa bóp, bấm huyệt…) của y học cổ truyền hỗ trợ bệnh nhân cai nghiện thuốc lá.
PGS, TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) chụp ảnh lưu niệm cùng Phòng tư vấn cai nghiện thuốc lá Bệnh viện Y học cổ truyền Trung ương.
Phát biểu tại hội nghị, PGS, TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế), Chánh Văn phòng Chương trình Phòng, chống tác hại thuốc lá, Giám đốc Quỹ Phòng chống tác hại của thuốc lá đã ghi nhận và biểu dương những thành tích mà bệnh viện đã đạt được. PGS, TS Lương Ngọc Khuê nhấn mạnh, phòng, chống tác hại thuốc lá và phơi nhiễm khói thuốc là một công việc cực kỳ khó khăn và phức tạp. Bởi vì ngành công nghiệp thuốc lá đóng góp một phần không nhỏ vào thu nhập thuế của mỗi quốc gia. Trong khi đó, nhận thức của người dân trong việc phòng, chống tác hại thuốc lá và phơi nhiễm khói thuốc chưa cao, tình trạng mua bán thuốc lá còn rất phổ biến và thanh thiếu niên rất dễ tiếp cận vì chưa có chế tài xử phạt đặc biệt đối với những hành vi buôn bán thuốc lá cho trẻ em vị thành niên.
Theo nghiên cứu của Bộ Y tế, thuốc lá là nguyên nhân thứ hai trong số các nguy cơ gây tử vong, sau dinh dưỡng và trên huyết áp, rượu bia. Thuốc lá gây ra 11 loại ung thư khác nhau, nhiều nhất là ung thư phổi, khí quản, phế quản; 75-95% ca ung thư phổi, phế quản là do thuốc lá. Ung thư phổi đứng hàng đầu trong ung thư ở nam giới nước ta với 20.000 ca tử vong mỗi năm. Thuốc lá còn là nguyên nhân của các bệnh tim mạch, bệnh phổi, viêm đường hô hấp, sức khỏe sinh sản -sinh dục… Ngoài ra, từ miệng, họng, hầu, thực quản xuống đến dạ dày, tụy, thân, niệu quản, buồng trứng, bàng quang, máu… từng cơ quan đều bị ảnh hưởng bởi khói thuốc.
Tin, ảnh: THU HƯƠNG