QĐND Online - Nửa cuối tháng 2 năm 2012, đoàn phóng viên của các cơ quan thông tấn, báo chí đã có chuyến đi thực tế, tìm hiểu hậu quả của bom, mìn, vật nổ còn sót lại sau chiến tranh, tại các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế, Quảng Ngãi...
37 năm đã trôi qua, kể từ ngày đất nước hoàn toàn giải phóng, song bom, mìn vẫn nổ và nước mắt vẫn rơi trên nhiều vùng đất từng là chiến trường

Hiện có khoảng 800.000 tấn bom, mìn, vật nổ đang nằm rải rác trên khắp lãnh thổ nước ta sau chiến tranh. Trong ảnh: Khu vực tập kết bom, mìn, vật nổ được bộ đội Công binh triển khai tại xã Hương Hóa (huyện Nam Đông, tỉnh Thừa Thiên-Huế)

Ước tính mỗi năm nước ta có gần 4.000 người chết và bị thương do bom, mìn, vật nổ. Anh Võ Đức Quốc, 50 tuổi, xóm Phú Hạ, xã Bình Chương (huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) là nạn nhân của vật nổ kể từ năm 1986, trong khi làm vườn. Hậu quả của vụ nổ khiến anh cụt chân phải, tay trái, mù mắt phải và bị thần kinh từ đó đến nay.

Tháng 11-2011, gia đình thuê xe chở đất về đổ nền sân. Trong khi san nền, chị Ngô Thị Mộng, nay 41 tuổi, ở thôn 5, xã Thủy Phù (huyện Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên-Huế) va phải mìn, dẫn đến cụt ống chân phải và bị thương chân trái.

Khi kể về người con trai bị chết đúng 29 Tết năm 2009, do cuốc phải đạn cối trong khi làm rẫy, ông Hồ Văn Mờng (74 tuổi) và bà Hồ Thị Trầm (78 tuổi), ở khóm 1, thị trấn Krông Klang (huyện Dakrong, Quảng Trị) lại khóc nấc. Con trai ông bà tử nạn, để lại vợ cùng 5 con và cha mẹ già, trong khi gia đình thuộc diện hộ nghèo.

Để làm sạch những "vùng đất chết", bộ đội Công binh đã có mặt tại nhiều trọng điểm bom, mìn, vật nổ sót lại sau chiến tranh.

Mặc dù hiểm nguy luôn rình rập, ranh giới giữa cái sống và cái chết rất mong manh, song các chiến sĩ công binh vẫn cần mẫn, thận trọng trên từng mét đất...

... để thu gom bom, mìn, vật nổ

Hoa mầu đã lên xanh trên những thửa ruộng ở xã Bình Thanh Đông, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi...

...và cây trái cũng tốt tươi trong vườn gia đình anh Lê Xuân Dương, xã Hương Hóa, huyện An Đông, tỉnh Thừa Thiên-Huế. Trước khi được "làm sạch", đây đều là những nơi bị ô nhiễm bom, mìn, vật nổ rất nặng nề.

Được sự quan tâm, hỗ trợ của Nhà nước và chính quyền các địa phương, nhiều nạn nhân của bom, mìn, vật nổ đang nỗ lực vượt lên số phận. Đó là ông Nguyễn Tài, sinh năm 1946, ở xã Tịnh Phong (huyện Sơn Tịnh, Quảng Ngãi) vẫn ngày ngày miệt mài với ruộng vườn, nuôi các con ăn học...

...là em Lê Văn Hồng, 19 tuổi, bị tai nạn do bom, mìn, vật nổ tháng 11-2005, cụt tay trái, song vẫn thi đỗ vào trường Trung cấp Văn hóa Nghệ thuật tỉnh Thừa Thiên-Huế và có học lực luôn đứng ở "tốp" đầu của lớp. Hồng đang ấp ủ dự định, năm nay, sẽ tiếp tục thi vào Đại học Văn hóa Nghệ thuật Huế.

Với sự chung tay, góp sức của toàn xã hội, nỗi đau mang tên "bom mìn, vật nổ"
sẽ dần nguôi ngoai, giúp các nạn nhân vươn lên làm chủ cuộc sống. Trong ảnh: Đoàn công tác tặng quà cho anh Nguyễn Xu, nạn nhân của bom mìn, vật nổ, ở thôn Ca Tư, xã Hương Phú (huyện Nam Đông, Thừa Thiên-Huế).