Chết vì sợ soi dạ dày

Ai đã từng nội soi sống về dạ dày, tá tràng thì luôn luôn bị ám ảnh với ống nội soi được đưa từ miệng xuống dạ dày, vô cùng khó chịu, đau và buồn nôn. Đó cũng là lý do mà nhiều người sau nội soi lần đầu đều cương quyết: Chết thì thôi chứ không làm lần thứ hai. Tâm lý bị ảnh hưởng không chỉ ở người đã soi mà sang cả người chưa soi khiến cho không ít người phải trả giá bằng chính mạng sống của mình.

Nội soi dạ dày cho bệnh nhân tại Bệnh viện 354. 
Ông Nguyễn Huy Hùng 56 tuổi (Hà Nội) được cấp cứu đến viện trong tình trạng hoa mắt chóng mặt, da tái, đi không vững, huyết áp tụt… Kết quả nội soi, các ổ loét dạ dày đang chảy nhiều máu, phải kẹp clip, tiêm thuốc cầm máu, điều trị tích cực và truyền 5 đơn vị máu, ông mới qua cơn nguy kịch. Nguyên nhân là do ông vốn có tiền sử bệnh viêm loét dạ dày, tá tràng, khi đau bụng ông chỉ kiêng ăn, uống nghệ mà không đi khám vì sợ nội soi, nào ngờ bệnh nặng khiến ông suýt mất mạng.

Tương tự, bà Đỗ Thị K. (40 tuổi) bị đau dạ dày cả chục năm nay, mấy năm đầu lên cơn đau hoặc một năm một lần bà đi nội soi kiểm tra bệnh. Nhưng sau 3 năm kiên trì bệnh vẫn không có tiến triển trong khi mỗi lần nội soi làm bà sợ hãi, suy sụp cả người nên bà bỏ luôn nội soi, chỉ ăn uống kiêng khem và uống thuốc mỗi khi đau. Mới đây, bà bị đau dữ dội, ăn kiêng, uống thuốc cũng không đỡ, đi viện cấp cứu thì mới hay bệnh của bà đã tiến triển thành ung thư di căn không còn khả năng cứu sống.

Bác sĩ CKII Vũ Đức Chung, Chủ nhiệm Khoa Nội tiêu hóa Bệnh viện Quân y 354, trường hợp như của ông Hùng, bà K. không phải là hiếm gặp, hầu như ngày nào các bác sĩ cũng gặp ít thì vài ba ca, nhiều cả vài chục ca vì tâm lý lo sợ nội soi dạ dày khiến bệnh nặng hơn. Tâm lý này không chỉ gặp ở người mới nội soi lần đầu mà cả ở những người đã nội soi nhiều lần. Tâm lý này cần phải được loại bỏ bởi nếu không định kỳ kiểm tra khi bị bệnh hoặc khi bệnh mới phát hay khi bệnh có diễn biến bất thường thì không thể chẩn đoán sớm và điều trị hiệu quả được, người bệnh đôi khi phải trả giá cả mạng sống của mình. Bởi cả ổ loét non hay ổ loét cũ đã xơ chai đều có thể biến chứng chảy máu hoặc thủng dạ dày. Nếu bị thủng nước và hơi tràn vào ổ bụng. Nước trong ổ bụng thường lẫn thức ăn nát hay còn nguyên mảnh (hạt cơm, mẩu hành...) dễ gây nhiễm khuẩn và gây mủ, gây viêm phúc mạc, bệnh nhân dễ tử vong do mất máu, sốc hoặc hoại tử viêm.  Thực tế, không chỉ loét, thủng dạ dày, đã có nhiều người bị ung thư di căn, thậm chí tử vong vì tâm lý này.

Nội soi chẩn đoán chính xác nhất ung thư dạ dày

Theo bác sĩ CKII Vũ Đức Chung, ung thư dạ dày là bệnh phổ biến ở Việt Nam, mỗi năm có 15.000 ca được chẩn đoán và có khoảng 11.000 ca tử vong. Nguyên nhân là do hơn 75% đến khám ở giai đoạn muộn. Nguyên nhân một phần do là triệu chứng giai đoạn sớm của ung thư dạ dày là mơ hồ, không đặc hiệu, gây tâm lý chủ quan của người bệnh, còn chủ yếu là người rất ít đi thăm khám định kỳ, người bệnh lo ngại nội soi dạ dày trong khi đây là phương pháp chủ yếu chẩn đoán ngay cả trong giai đoạn sớm. Do triệu chứng có vẻ "không có gì" nên người bệnh có tâm lý muốn lướt qua nỗi "ám ảnh nội soi". Họ đã không hiểu rằng, chỉ có nội soi là phương pháp chẩn đoán bệnh dạ dày chính xác nhất. Nội soi kèm sinh thiết từ 3 mảnh trở lên mới hy vọng chẩn đoán sớm, chẩn đoán chính xác ung thư dạ dày.

Gây mê nội soi không đau và an toàn

Bác sĩ CKII Vũ Đức Chung cho biết, nội soi dạ dày qua đường miệng không đau nhưng khó chịu. Cảm giác khó chịu chủ yếu là buồn nôn, nôn ói và cảm giác chặn ở cổ nên là nỗi ám ảnh của hầu hết mọi người. Thực ra thì về phương diện kỹ thuật là một thủ thuật an toàn và đơn giản. Các máy nội soi ngày càng "tí hon hóa" tạo sự dễ chịu trong khi soi. Đặc biệt hiện nay có thể tiến hành gây mê nội soi nhẹ nhàng tránh được tâm lý lo sợ cho bệnh nhân. Nội soi gây mê đã giúp bệnh nhân mất cảm giác đau, khó chịu, giúp bác sĩ tiến hành thủ thuật dễ dàng. Phương pháp gây mê đơn giản. Thuốc mới trong gây mê tĩnh mạch, ít có biến chứng. Sau khi tiêm thuốc 30-60 giây bệnh nhân ngủ, bác sĩ tiến hành nội soi và sau nội soi 7-10 phút bệnh nhân tỉnh. Thời gian gây mê ngắn, lượng thuốc mê ít nên thường không hại đến sức khỏe. Tuy nhiên, gây mê và nội soi là một thủ thuật y khoa nên ít nhiều cũng có rủi ro và biến chứng. Để hạn chế tối đa các biến chứng, những người mắc bệnh tim mạch, bệnh phổi, bệnh huyết áp, tiểu đường... cần được khám kỹ và làm thêm một số xét nghiệm cần thiết trước khi tiến hành nội soi. Bệnh nhân cần được theo dõi tiếp khoảng một giờ sau gây mê, bệnh nhân không được điều khiển xe trong 2 giờ.

Bài và ảnh: THÙY LINH