Cách bãi tắm Cửa Lò về phía Đông Nam khoảng 5 hải lý, cách cảng quân sự Cửa Hội khoảng 30 phút đi tàu thuỷ có 2 mỏm núi nổi lên giữa biển, nằm liền kề nhau, được người dân bản xứ từ lâu đặt tên là Song Ngư đảo (đảo Hòn Ngư). Suốt hàng trăm năm qua, Song Ngư đảo là tiền tiêu canh giữ một vùng đất thiêng liêng của Tổ quốc. Trải qua các cuộc chiến đấu chống giặc ngoại xâm, Song Ngư đảo luôn được các triều đại coi trọng. Tương truyền, cuối thế kỷ 13, Đô đốc Hoàng Tạ Thốn, một tướng tài của thuỷ quân nhà Trần quê ở Quỳnh Lưu-Nghệ An, đã chiến đấu hy sinh vì nước. Quân và dân nơi đây đã lập đến thờ ông tại Song Ngư đảo. Chính đền thờ đó đã làm cho Song Ngư đảo bây giờ được tôn nghiêm, khơi dậy vẻ đẹp tiềm ẩn của một vùng đất Việt. Trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp, Song Ngư đảo còn hoang sơ, yên bình, là nơi sinh sống của các loài chim, thú và là nơi trú ngụ khi thiên tai, nơi khai thác hải sản của người dân Ngư Nghệ.

Trong kháng chiến chống giặc Mỹ xâm lược, nơi đây là một trọng điểm đánh phá của các loại máy bay, tàu chiến, vì nơi đây là cánh cửa bảo vệ Thành phố Vinh. Ngày 10-8-1963, Bộ Quốc phòng đã quyết định điều động đại đội 33 của một sư đoàn chủ lực cơ động ra trấn giữ Song Ngư đảo. Trải qua những năm tháng chống chiến tranh phá hoại miền Bắc của giặc Mỹ, Song Ngư đảo đã chịu đựng hàng ngàn tấn bom, đạn, pháo hạm, rốc két và đã trở thành một vùng đất trắng, đá biến thành vôi, nhưng những người chiến sỹ giữ đảo vẫn đứng vững. Cán bộ, chiến sỹ đại đội 33 là con em xứ Nghệ đã chiến đấu dũng cảm hàng ngàn ngày đêm, bắn rơi một máy bay, bắn chìm, bắn cháy 7 tàu chiến của địch. Năm 1968, cán bộ chiến sỹ Song Ngư đảo được Bác Hồ tặng thưởng lá cờ thêu 6 chữ vàng “Đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”, được Nhà nước tặng 1 Huân chương Quân công, 6 Huân chương Chiến công và nhiều Bằng khen, giấy khen cho tập thể và cá nhân trên đảo. Đặc biệt là ngày 31-12-1972, cán bộ, chiến sỹ Song Ngư đảo được Nhà nước tuyên dương Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Đóng góp cho chiến công và thành tích trên đã có nhiều cán bộ, chiến sỹ hy sinh xương máu của mình, trong đó có 14 cán bộ, chiến sỹ vĩnh viễn năm xuống trên mảnh đất có diện tích 2,2km2 giữa biển khơi

.

Đã lâu lắm, cứ nghe đến Đảo Ngư có chiến công hiển hách, có vẻ đẹp tiềm ẩn nhưng chưa một lần được ghé thăm, may mắn trong chuyến công tác vừa rồi, Trung tướng Đoàn Sinh Hưởng-Tư lệnh Quân khu 4 tổ chức cho chúng tôi vượt biển ra thăm. Chuyến đi được chuẩn bị khá chóng vánh. Có thể nói công tác tổ chức hành quân khá suôn sẻ, mặc dù kế hoạch được thực hiện trong hành tiến! Sau bữa ăn sáng trên bờ, đồng chí Tư lệnh tiễn chúng tôi ra đến cầu tàu. Hôm đó biển động vì đất liền sau đợt nắng nóng đã chuyển thời tiết, có bổ sung gió mùa. Chia tay chúng tôi, anh Hưởng dặn: hôm nay biển động, sóng to, anh em cũng ngại các anh vất vả; nhưng tôi bảo anh em nếu sóng to thì đi tàu to, kế hoạch không thay đổi. Thay mặt anh em trong đoàn tôi cảm ơn Tư lệnh Quân khu 4 và hứa với anh là chúng tôi sẽ thực hiện kế hoạch của chuyến đi đúng như dự kiến.

Cùng đi với chúng tôi có Đại tá Thái Hữu Hồng-Phó Chỉ huy trưởng TMT Bộ CHQS tỉnh Nghệ An cùng 2 sỹ quan tham mưu, chính trị và Đại tá Võ Văn Khoa-Trưởng phòng Quân huấn Quân khu 4. Quãng đường không xa nên trên tàu chúng tôi chưa có dịp trao đổi, tìm hiểu kỹ về một địa danh sẽ đến, nhưng trong tâm trí tôi cứ mường tượng một phong cảnh đẹp, một vùng đất đã một thời oanh liệt và bây giờ đang là nơi trú đậu của ngư dân trong vùng khi gặp sự cố thiên tai. Đón chúng tôi ở cầu tàu trên đảo là Đảo trưởng-Trung tá Vương Kiên Cường và chính trị viên đảo-Đại uý Nguyễn Ngọc Hùng. Sau những thủ tục ban đầu theo phong cách lính, các anh đưa chúng tôi vào dâng hương nơi tôn thờ danh tướng Hoàng Tạ Thốn đời Trần, cùng các tướng lĩnh, đức Phật và các đấng thần trời, biển. Ngôi đền toạ lạc trên một địa thế có một, không hai của đảo. Lưng đền tựa vào núi, nhìn ra biển hướng về đất liền. Trước sân đền có một giếng nước ngọt quanh năm không bao giờ cạn. Cũng chính nguồn nước đó đã nuôi tạo cho 2 cây lộc vừng cổ thụ có tuổi đời trên 600 năm vẫn xanh tốt, lá xum xuê bốn mùa. Bên trái sân đền được dựng bia đá đề bài thơ Hán có bản dịch ra chữ Quốc ngữ ghi danh công chức của tiền nhân. Bên trong, các ban thờ thật trang nghiêm, hoành tráng, tôn vinh sự linh thiêng huyền ảo. Trước ban thờ chính, có bức hoành phi chữ nho đề “Thiền từ hộ độ” được anh em dịch nghĩa: “Con thuyền cứu hộ muôn dân”. Hai bên là 2 câu đối cũng bằng chữ nho được anh em dịch nghĩa: “Giữa biển khơi có một hòn ngọc; hòn ngọc đó cứu hộ muôn dân”, vì không rành chữ Hán nên tất cả lời dịch của bộ đội trên đảo tôi đều tạm tin. Anh em còn cho biết thêm, ngôi đền thiêng này cũng là nơi cầu nguyện của ngư dân mỗi khi muốn mưa thuận, gió hoà, cá tôm đầy thuyền. Cũng là nơi cầu lộc, cầu phúc, cầu danh của các vị quan thanh liêm mỗi khi muốn thăng tiến. Sau thủ tục dâng hương và chiêm ngưỡng cảnh đẹp, chúng tôi qua cổng gác để vào doanh trại đơn vị, vượt lên 300 bậc thang khác nhau với chiều dài khoảng 180m, ở độ cao trên 100m so với mặt nước biển để dâng hương tại đài liệt sỹ, nơi thờ 14 hương hồn đã hy sinh trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Trong buổi làm việc, Trung tá Vương Kiên Cường cho biết: hiện nay trên đảo có khoảng 200 con lợn do 10 mẹ sinh sản ra và khoảng 200 con dê cũng do bộ đội thả nuôi đã nhiều năm. Một con lợn khoảng 20kg thịt phải có tuổi đời 2-3 năm, con dê 40 đến 50 kg cũng phải có thời gian tương tự. Trên đảo ngoài dê, lợn là thực phẩm chủ yếu cho bộ đội thì còn có các loài động vật khác như hươu, khỉ, rắn. Loài khỉ ở đây khôn và tinh quái, sống hòa bình với người, nhưng nếu chẳng may bị anh em bắt nhốt để thuần hoá thì chúng không chịu. Có lần một con khỉ vào nhà bị anh em bắt nhốt lại, thế là đêm hôm đó cả đàn khỉ kéo về phá hết tất cả vườn rau anh em trồng. Dưới biển có cá mú, ốc móng rồng-một loại ốc quý hiếm mà biển Việt Nam chỉ ở đây mới có. Bề ngoài của ốc giống như mào gà, thịt ăn thơm, ngon bổ. Nếu dùng ngâm rượu uống có thể chữa được bệnh loãng xương và tăng cường sinh lực cho nam giới tuổi cao. Nhưng khai thác loài này cũng phải có mùa và phải biết nghề mới có thể thu hoạch được.

Hiện tại nhiệm vụ của cán bộ, chiến sỹ trên đảo, ngoài huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu bảo vệ chủ quyền, anh em còn được giao làm nhiệm vụ cơ động, cứu hộ, cứu nạn trên biển. Nhờ được trang bị đội tàu cao tốc nên năm 2007, lực lượng cứu hộ trên đảo đã cứu được 5 người dân. Với địa thế được thiên nhiên ưu ái ban tặng, Song Ngư đảo đang được Bộ Quốc phòng và UBND tỉnh Nghệ An cho phép đầu tư, khai thác tiềm năng du lịch. Hy vọng rằng với nhiệm vụ quốc phòng-kinh tế, đảo Ngư sẽ là một điểm đến cho muôn khách. Một tiền tiêu bất khả xâm phạm của Tổ quốc được giao cho người lính Quân đội nhân dân Việt Nam trên quê Bác canh giữ và khai thác tiềm năng./.

Quỳnh Như