QĐND Online - Kim Sơn là huyện ven biển, nằm ở phía đông nam tỉnh Ninh Bình, phía bắc và tây giáp với huyện Tam Điệp, một phần giáp với tỉnh Thanh Hóa, phía đông giáp sông Đáy và huyện Nghĩa Hưng (Nam Định), phía nam giáp biển Đông. Vùng đất này nằm ở hạ lưu châu thổ sông Hồng, có đỉnh gần Hưng Yên, đáy trải dài từ Đồ Sơn (Hải Phòng) đến Lạch Trường (Thanh Hóa). Đây là phần đất hoạt động nhất của phù sa lấn ra biển. Do nằm ở vùng bờ biển được bồi tụ, lại có Hòn Nẹ chắn bên ngoài, làm cho nước mặn bên trong khá yên tĩnh nên tốc độ bồi tụ phù sa ở vùng Kim Sơn khá nhanh, trung bình từ năm 1830, cứ 10 năm tiến ra biển được 3km. Bãi bồi Kim Sơn còn nhận được bồi tích từ dòng dọc bờ biển đưa từ các nhánh từ phía bắc của sông Hồng xuống về mùa có gió mùa Đông Bắc thổi và bồi tích từ cửa sông Mã (Lạch Trường) đưa lên về mùa có gió mùa Tây Nam thổi. Nhìn chung, địa hình Kim Sơn tương đối bằng phẳng, cốt đất trung bình so với mặt biển từ 0,8 đến 1m, nơi cao nhất là 2m, nơi thấp nhất 0,5m. Độ pH ở khu vực ven biển này từ 6,4 đến 7,8. Độ mặn trung bình 0,15% - 0,25%. Hàm lượng mùn tăng mặt thuộc loại khá, từ 1,5% đến 2,75%, trung bình là 2,1%. Hàm lượng đạm thuộc loại giàu, trung bình là 1,4%; của lân từ 0,06 đến 0,12%; của ka-li trung bình là 1,4%. Mặc dù vậy, cho đến những năm 30 của thế kỷ XIX, vùng đất này vẫn là một vùng đất hoang vu.
Nguyễn Công Trứ (1778-1858) là một ông quan mẫn cán của triều đình nhà Nguyễn. Trong các cuộc hành binh do ông chỉ huy ở trấn Sơn Nam, Nguyễn Công Trứ thấy các miền duyên hải của trấn này có nhiều đất hoang mênh mông, bát ngát, ông đã dâng sớ lên triều đình: “Xin nhà nước lấy tiền công quỹ cấp cho dân khẩn trị”, “mở đường làm ăn cho dân nghèo”, “xuống chiếu cho quan lại tại trấn chiêu mộ dân phu khai khẩn, cứ 50 người lập thành một làng, 30 người thành một ấp... tính đất cho ở, lại cấp cho “Ngưu canh, điền khí” (trâu và nông cụ) cho dân làm ruộng; qua 3 năm thành điền thì chiếu chước bạ thu thuế. Làm như vậy, thì đất không sót lợi mà dân cũng chăm việc cày bừa, tự nhiên dân phong cơ, xấu cũng hóa ra tốt”.
Năm 1827, vua Minh Mệnh chuẩn y và phong cho Nguyễn Công Trứ - một ông tướng chuyên lo việc “đánh dẹp” sang làm “tướng kinh tế”- chức Doanh điền sứ. Bằng tài năng tổ chức chỉ đạo của mình, Nguyễn Công Trứ đã thực hiện thành công chủ trương khai hoang, lập làng theo quy mô cấp huyện (lấy huyện làm cơ sở ngay từ khi bắt đầu khai hoang); lập làng để quy định điểm cư trú cho các làng, ấp trong huyện. Bởi vậy, đến đầu năm 1829, có đến 60 làng, ấp ở huyện Kim Sơn được thành lập. Cứ xem bản đồ huyện Kim Sơn thì thấy rõ tài năng của Nguyễn Công Trứ. Ông quả là một “vị tướng kinh tế” nhìn rộng, thấy xa. Một cánh đồng bát ngát, bốn bề là ruộng, dưới là sông, trên là đường, cứ cách một quãng thì đào một con sông hay con ngòi thẳng tuột từ đầu đến cuối, cho đến biển. Dọc mỗi con sông lại đắp một con đường để dân cư đi cày cấy làm ăn, muốn đi đò thì có sông, muốn đi bộ thì có đường ngang, đường dọc chia mặt đất thành từng khu, y theo phép “tỉnh điền” của nhà Chu (Trung Quốc). Cứ mỗi khu là địa phận một làng hay một ấp,
Quy hoạch đất đai như vậy là nhằm mục đích lâu dài, vừa giải quyết được vấn đề đất cao ráo cho nhân dân mỗi làng làm nhà ở, vừa dùng được sức của nhân dân mỗi làng mà đấu tranh với thiên nhiên, cụ thể là chống mặn và chống sóng biển. Để đạt được mục đích đó, Nguyễn Công Trứ đã hạn chế chiều ngang của mỗi làng không quá 1km, còn chiều dọc thì địa phận làng nào, làng ấy cứ việc phát triển mãi ra biển theo sự bồi lấn của phù sa. Hiện nay, huyện Kim Sơn có những làng dài từ 12 đến 15km. Để củng cố diện tích mới được bồi đắp lên, dân làng nào cũng lo đắp đê ngăn sóng biển và tiếp tục khai ngòi để rửa mặn mà trồng cói, trồng lúa. Nếu buổi ban đầu, Nguyễn Công Trứ cho những làng mới lập chiếm hết vùng đất cao thì các làng lập sau gần biển sẽ gặp khó khăn trong việc dựng nhà, dựng cửa, lại không đủ sức khai khẩn những đất phù sa hằng năm bồi lấn mãi ra biển.
Sách Đại Nam nhất thống chí chép rằng: “Cửa Thần Phù (tức huyện Kim Sơn ngày nay) đến đời Hậu Lê mới bồi lấp hết”. Vậy nếu, không chia địa phận các làng theo một quy hoạch mà Doanh điền sứ Nguyễn Công Trứ đã chủ trương thì khó lòng có được những cánh đồng phì nhiêu, tươi tốt như tại vùng Phát Diệm ngày nay./.
Thu Trang