Giữa tháng Tư năm 1945, các đơn vị của Hồng quân Liên Xô đã bắt đầu chiến dịch tấn công chiến lược nhằm đánh chiếm thủ đô của nước Đức phát-xít, Béc-lin, và tiêu diệt quân chủ lực phát-xít tập trung trên hướng Béc-lin. Tại đây có tới 214 sư đoàn và 14 lữ đoàn với tổng số binh lính gấp 4 lần số binh lính Đức khi đó đang chiến đấu chống quân đội Anh và Mỹ tại khu vực phía Tây nước Đức.

Khi tiến hành tấn công Béc-lin, Bộ Tổng tham mưu quân đội Xô-viết đã căn cứ vào các thỏa thuận với các nước trong liên minh chống phát-xít đưa ra, buộc quân Đức đầu hàng vô điều kiện. Lực lượng của quân đội Xô-viết tham gia chiến dịch này có 2,5 triệu người; 41,6 nghìn khẩu pháo và cối; 6,25 nghìn xe tăng và pháo tự hành; 7,5 nghìn máy bay chiến đấu.

Chính quyền phát-xít Đức đã thông qua tất cả các phương án bảo vệ thủ đô của họ và tập trung hơn 1 triệu binh lính; 10,4 nghìn khẩu pháo và cối; 1,5 nghìn xe tăng và các loại vũ khí tấn công để chống lại các cuộc tấn công của đơn vị Hồng quân Liên Xô. Lực lượng này còn nhận được yểm trợ từ trên không với sự tham gia của 3,3 nghìn máy bay chiến đấu thuộc hai đơn vị không quân Đức. Tại Béc-lin có đến 2 nghìn máy bay chiến đấu và gần 600 pháo cao xạ. Tại trung tâm Béc-lin có hơn 200 tiểu đoàn với tổng số hơn 200 nghìn binh lính. Hệ thống phòng ngự Béc-lin bao gồm tuyến ba lớp Ô-đe – Ni-xen (với chiều sâu từ 20 – 40km) và tuyến phòng thủ Béc-lin với vòng bảo vệ bên ngoài, vòng bảo vệ bên trong và vòng bảo vệ trung tâm thành phố.

Cắm cờ trên tòa nhà Quốc hội Đức trưa ngày 30-4-1945. Ảnh tư liệu

Quân đội Xô-viết tham gia chiến dịch tấn công chiến lược Béc-lin có các Tập đoàn quân số 1 và số 2 thuộc phương diện quân Bê-la-rút và Tập đoàn quân số 1 của phương diện quân U-crai-na. Chiến dịch được mở màn vào sáng ngày 16-4 khi các binh đoàn và đơn vị của Tập đoàn quân số 1 phương diện quân U-crai-na và Tập đoàn quân số 1 của phương diện quân Bê-la-rút chọc thủng tuyến phòng thủ Ô-đe – Ni-xen của Đức. Các đơn vị của Tập đoàn quân số 1 Bê-la-rút đã phải trải qua các cuộc chiến khốc liệt nhằm phá vỡ toàn bộ hệ thống phòng thủ Béc-lin – các điểm cao Di-lốp-xki được phòng thủ chắc chắn với chiều sâu tới 20km. Mặc dù quân Đức phản kháng một cách quyết liệt, nhưng vẫn không thể bảo vệ được các tuyến phòng thủ. Cùng lúc đó, các đội quân khác cũng tấn công vào phía nam và phía bắc Béc-lin nhằm bao vây đối phương từ xa.

Ngày 21-4, Quân đội Xô-viết đã bắt đầu tiến vào rìa Thủ đô Béc-lin, bắt đầu trận đánh trong thành phố. Đến ngày 25-4 các binh đoàn của Tập đoàn quân số 1 Bê-la-rút và Tập đoàn quân số 1 U-crai-na đã phối hợp thiết lập được vòng vây quanh toàn bộ quân phát-xít tại thủ đô Béc-lin. Cùng ngày, tại khu vực Tô-gao, đơn vị tiên phong của Hồng quân Liên Xô đã gặp đạo quân số 1 của Mỹ đang trên đường tấn công vào Béc-lin từ phía tây.

Các trận tấn công tiêu diệt các đơn vị quân đội Đức bảo vệ Béc-lin trong thành phố diễn ra liên tục đến ngày 2-5: Hệ thống phòng thủ Béc-lin bị chia cắt, quân  Đức bị chia cắt và bị tiêu diệt từng phần. Trong hệ thống tàu điện ngầm nằm sâu dưới lòng đất và các hệ thống giao thông hào liên hoàn đã diễn ra những trận đánh giáp lá cà. Ngày 29-4, Quân đoàn 79 thuộc phương diện quân Bê-la-rút nhận lệnh đánh chiếm tòa nhà quốc hội Đức. Ngay ngày hôm sau, hai chiến sĩ Xô-viết M.A. Ê-ga-rốp và M. V. Can-ta-ri-a đã cắm Quốc kỳ Liên Xô đỏ thắm trên nóc tòa nhà quốc hội Đức, đánh dấu chiến thắng của nhân dân Xô-viết trong chiến tranh vệ quốc vĩ đại.

Đến ngày 2-5 phát-xít Đức hoàn toàn đầu hàng. Các đội quân phản kháng nhỏ lẻ tiếp tục bị tiêu diệt cho tới ngày 8-5.

Đêm 8-5 rạng sáng 9-5, tại Carlshorstvo (đông nam Thủ đô Béc-lin) đại diện Bộ chỉ huy quân đội Đức đã ký thỏa thuận đầu hàng vô điều kiện Hồng quân Liên Xô.

Trong chiến dịch đánh chiếm Béc-lin, Hồng quân Liên Xô đã tiêu diệt của Đức 70 sư đoàn bộ binh, 23 sư đoàn xe tăng và cơ giới, phần lớn lực lượng không quân quốc xã, bắt giữ làm tù binh gần 480 nghìn người; thu giữ gần 11 nghìn khẩu pháo các loại, hơn 1.500 xe tăng và các loại vũ khí tấn công; 4,5 nghìn máy bay.

Ngày 9-5 trở thành Ngày Chiến thắng, ngày lễ của nhân loại tiến bộ. Sau chiến dịch đánh chiếm Béc-lin, hàng chục binh lính, sĩ quan và tướng lĩnh Xô-viết đã được tặng thưởng huân, huy chương. Hơn 600 người được tặng thưởng danh hiệu Anh hùng Liên Xô. 187 trung đoàn và sư đoàn được nhận danh hiệu danh dự Béc-lin.

Nguyễn Thị Hương Dịu (biên dịch)