Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Ảnh Internet

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã rời Hà Nội đi thăm Xin-ga-po, Mi-an-ma và Bru-nây theo lời mời của Thủ tướng Xin-ga-po Lý Hiển Long, Thủ tướng Mi-an-ma Xô Uyn và Quốc vương Bru-nây Bôn-ki-a. Đây là chuyến thăm lần đầu tiên của Thủ tướng đến ba nước trên kể từ khi nhậm chức, đồng thời cũng là chuyến thăm xã giao theo thông lệ của lãnh đạo mới các nước thành viên ASEAN.

Diễn ra sau Đại hội Đảng X và cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XII, chuyến thăm là sự khẳng định chính sách đối ngoại của Việt Nam coi trọng phát triển quan hệ hợp tác với các nước láng giềng và khu vực, trong đó có Xin-ga-po, Mi-an-ma và Bru-nây. Đây cũng là cơ hội để các bên tiếp xúc, trao đổi, tìm phương hướng mở rộng quan hệ hợp tác, nhất là về kinh tế, thương mại và đầu tư.

Xin-ga-po hầu như không có tài nguyên; nguyên liệu, lương thực và thực phẩm đều phải nhập từ bên ngoài. Thế nhưng, hòn đảo nhỏ bé chỉ có 4,5 triệu dân này lại làm cả thế giới phải khâm phục vì có cơ sở hạ tầng và một số ngành công nghiệp phát triển thuộc loại hàng đầu châu Á và thế giới như cảng biển, đóng tàu, lọc dầu, chế biến, điện tử và lắp ráp máy móc tinh vi. Thu nhập bình quân đầu người của Xin-ga-po ở mức cao, gần 33 nghìn USD/năm. Hiện nay, Xin-ga-po đang hướng tới mục tiêu biến hòn đảo này thành nền kinh tế tri thức vào năm 2018 với một thành phố hàng đầu thế giới, một đầu mối trong mạng kinh tế toàn cầu và một nền kinh tế đa dạng và năng động.

Mi-an-ma đất đai rộng lớn, phì nhiêu với tổng diện tích trồng trọt khoảng 23 triệu héc-ta và rất giàu tài nguyên thiên nhiên. Điểm nổi bật của kinh tế Mi-an-ma là ngành nông nghiệp, chiếm hơn 50% thu nhập quốc dân, phát triển với tốc độ cao và là nguồn thu ngoại tệ quan trọng nhất cho đất nước. Mấy năm gần đây, kinh tế Mi-an-ma phát triển với tốc độ cao, năm 2006 là 7,5%. Chính phủ Mi-an-ma đang phấn đấu xây dựng nền kinh tế theo hướng thị trường, trong đó lấy nông nghiệp là nền tảng để phát triển các ngành khác.

Bru-nây, hay còn gọi là “Xứ sở hòa bình”, rộng 5.769km2 với dân số hơn 370 nghìn người. Kể từ khi tuyên bố độc lập vào năm 1984, Bru-nây đã có bước nhảy vọt về kinh tế nhờ nguồn tài nguyên dầu mỏ dồi dào. Với sản lượng khoảng 200.000 thùng dầu/ngày, Bru-nây là nước sản xuất dầu mỏ lớn thứ ba ở Đông Nam Á và là nước sản xuất khí đốt hóa lỏng lớn thứ tư thế giới. Thu nhập bình quân tính theo đầu người của Bru-nây thuộc nhóm dẫn đầu khu vực và hiện khoảng 25 nghìn USD/năm. Nhờ nguồn thu nhập lớn từ dầu lửa và dân số ít, Chính phủ Bru-nây đã thực hiện một số phúc lợi xã hội như: công dân không phải đóng thuế thu nhập; giáo dục, chữa bệnh, ma chay không mất tiền; học sinh giỏi được cấp học bổng đi học ở nước ngoài; người dân được vay tiền với lãi suất thấp để kinh doanh, sản xuất hay mua nhà với giá rẻ.

Đều là những nước thành viên ASEAN, Việt Nam, Xin-ga-po, Mi-an-ma và Bru-nây chia sẻ nhiều giá trị cũng như mục tiêu chung hướng tới một cộng đồng hòa bình, thịnh vượng và phát triển thông qua hợp tác và đối thoại. Chúng ta vui mừng nhận thấy quan hệ song phương cũng như hợp tác đa phương trong ASEAN giữa Việt Nam với Xin-ga-po, Mi-an-ma và Bru-nây phát triển tốt đẹp và ngày càng có nhiều triển vọng. Lãnh đạo cấp cao của các bên thường xuyên có các cuộc thăm viếng lẫn nhau, thể hiện tình hữu nghị tốt đẹp cũng như mong muốn mở rộng quan hệ.

Hiện nay, Xin-ga-po là một trong những đối tác thương mại và đầu tư lớn nhất của Việt Nam. Nền kinh tế hai nước đang hướng tới mục tiêu lớn mà lãnh đạo Việt Nam và Xin-ga-po đã thỏa thuận là kết nối chặt chẽ với nhau, gắn kết các khâu sản xuất, thương mại, đầu tư, tiêu dùng để phát huy cao nhất hiệu quả các mối quan hệ hợp tác song phương cũng như với nước thứ ba. Hợp tác Việt Nam – Mi-an-ma tuy còn ở mức khiêm tốn nhưng có nhiều tiềm năng, nhất là trong lĩnh vực khai thác gỗ, thủy sản, hàng không. Với Bru-nây, một loạt các lĩnh vực như khai thác dầu khí, thủy sản, nông nghiệp, chăn nuôi và xuất khẩu lao động cũng đang được các doanh nghiệp hai nước quan tâm và tích cực tìm hướng đầu tư.

Trên cơ sở của mối quan hệ tốt đẹp, tiềm năng và mong muốn của lãnh đạo cũng như người dân Việt Nam, Xin-ga-po, Mi-an-ma và Bru-nây, chúng ta tin tưởng chuyến thăm của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sẽ thành công tốt đẹp. Chuyến thăm chẳng những góp phần củng cố tình hữu nghị mà còn là động lực thúc đẩy mạnh mẽ sự hợp tác trên nhiều lĩnh vực giữa Việt Nam với Xin-ga-po, Mi-an-ma và Bru-nây.