 |
Thủ đô Hà Nội. Ảnh LĐ |
Việc Kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XII đang bàn về mở rộng địa giới hành chính Thủ đô Hà Nội đã làm dấy lên sự quan tâm sâu sắc trong các tầng lớp nhân dân. Định đô, thiên đô hay mở rộng địa giới Thủ đô, tăng hay giảm những chức năng của Thủ đô muôn đời vẫn là việc trọng đại, có ý nghĩa quyết định đến sự hưng thịnh hay suy vong của quốc gia không chỉ trong từng thời kỳ mà còn có tác dụng xuyên suốt tiến trình lịch sử của mỗi quốc gia, dân tộc.
Buổi đầu dựng nước, các Vua Hùng chọn đất Châu Phong để đóng đô bởi khu vực này tập trung thế và lực, dân số và kinh tế của nhà nước Văn Lang thuở ấy, là sự thể hiện kết quả bước đầu và tầm nhìn xa về công cuộc chinh phục vùng châu thổ sông Hồng trù phú.
Hàng ngàn năm sau, An Dương Vương, rồi Ngô Quyền chọn Cổ Loa. Tiếp là những sự lựa chọn của các thế lực cầm quyền, các vương triều đối với Tống Bình, Đại La ở phía nam sông Hồng (đều là khu vực Hà Nội ngày nay) khi kinh tế, xã hội vùng đồng bằng sông Hồng đã phát triển, đồng thời thỏa mãn các yếu tố liên thông với cương vực cả nước và quốc phòng, phòng chống những cuộc chiến tranh xâm lược từ phương bắc. Thế kỷ X, nhà Đinh, nhà Lê chọn Hoa Lư (Ninh Bình ngày nay) bởi đấy là vùng quê quán, nơi dấy binh, phát tích các vương triều đó. Đồng thời nội tình đất nước lúc đó mới được thống nhất lại, mới ổn định sau sự cát cứ của 12 sứ quân, đối ngoại lại phải lo chống giặc Tống. Đến triều đại nhà Lý, khi đất nước đã thanh bình, phát triển, thế và lực của vương triều đã mạnh, Lý Công Uẩn đã quyết định dời đô về Đại La cũ, lấy tên là Thăng Long. Trong Chiếu dời đô, nhà vua viết: Đại La “ở giữa khu vực trời đất, có thế rồng cuộn hổ ngồi, ở giữa nam bắc đông tây, tiện hình thế núi sông sau trước, đất rộng mà bằng phẳng, chỗ cao mà sáng sủa, dân cư không khổ vì ngập lụt, muôn vật rất thịnh mà phồn vinh, xem khắp nước Việt, chỗ ấy là nơi hơn cả. Thực là chỗ hội họp của bốn phương, là nơi thượng đô của kinh sư muôn đời…”. Sách Đại Việt sử ký toàn thư chép rằng khi chiếu ban ra, bầy tôi đều nói: “Bệ hạ vì thiên hạ mà lập kế dài lâu, để trên cho cơ nghiệp to lớn được thịnh vượng, dưới cho nhân dân được giàu của nhiều người, việc lợi thế, ai dám không theo”.
Với tầm nhìn về địa lý, lịch sử, văn hóa, sau này, vua Minh Mạng đã thành lập tỉnh Hà Nội bao gồm cả Hà Đông hiện nay. Đến khi thực dân Pháp đô hộ cũng chọn Hà Nội làm nơi đặt Phủ Toàn quyền, mở Hà Nội về phía bắc sông Hồng tiện lợi nối kết với cảng Hải Phòng, Quảng Ninh.
Thế “rồng cuộn hổ ngồi”, “núi sông sau trước” là thế tựa và mở, tiến và lui thuận lợi theo các hướng của Thăng Long-Hà Nội.
Về chính trị, kinh tế, quân sự, chọn Thăng Long-Hà Nội là đắc địa. Thủ đô Hà Nội mở rộng theo phương án 1 trình Quốc hội sẽ có thế tựa lưng vào các dãy núi phía tây, tây bắc và tây-nam, trông về phía đồng bằng và biển cả, liên thông thuận lợi nhiều mặt với vùng Hà Nội, với chùm các đô thị vừa có tính chất thủ phủ các tỉnh vừa có tính chất vệ tinh liên kết với Hà Nội, với các vùng miền Tây Bắc, Việt Bắc, phía nam…
Theo các kết quả nghiên cứu của các chuyên gia thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội và một số cơ quan chuyên môn khác, điều kiện địa chất, địa hình, địa lý của tỉnh Hà Tây nói chung, các huyện, xã trung du, miền núi nói riêng ít chịu tác động của động đất, lún sụt là ổn định nhất cho việc xây dựng những công trình kiến trúc lớn, đường giao thông nói riêng và hạ tầng đô thị nói chung. Xây dựng thêm các khu đô thị trên các vùng đất trung du, Hà Nội mở rộng sẽ bớt được việc vi phạm vào đất trồng lúa của đồng bằng Bắc bộ.
Theo các nhà nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn, lịch sử, văn hóa, người Hà Tây và Hà Nội vốn có sự gắn kết tự nhiên, các làng nghề từ Hà Tây từ lâu đã chọn đất Kẻ Chợ-Thăng Long-Hà Nội làm nơi giao dịch, buôn bán. Về quốc phòng, Hà Tây là “cửa ngõ Thủ đô”, là một địa bàn nằm trong Quân khu Thủ Đô.
Từ những năm 70, 80 của thế kỷ trước, lãnh đạo đất nước, các nhà khoa học Việt Nam và quốc tế, và nhân dân Hà Nội cùng cả nước đều đã thấy sự chật hẹp, quá tải của một Thủ đô Hà Nội được xây dựng từ thời thực dân Pháp đô hộ. Không chỉ một lần trong thế kỷ trước chúng ta đã tính và thực hiện việc mở rộng Thủ đô Hà Nội. Nay thì sự việc đã trở nên quá cấp bách, không chỉ vì thời khắc 1000 năm Thăng Long-Hà Nội đã đến mà trước hết bởi chính sự phát triển của Hà Nội và các vùng lân cận, vì sự phát triển của cả đất nước đang đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, vì cuộc sống của nhân dân, vì sự đàng hoàng hơn, to đẹp hơn của Thủ đô như Bác Hồ mong muốn.
NGUYỄN MẠNH