Trong một xã hội, sự tồn tại nhiều đảng và chế độ đa đảng tuy có những điểm giống nhau song không phải là một.

Về mặt hình thức, sự tồn tại nhiều đảng và chế độ đa đảng giống nhau ở chỗ đều là “số nhiều”. Tuy nhiên, đa đảng chỉ với nội dung phân công, phối hợp nhằm phát huy sức mạnh đoàn kết dân tộc do một đảng lãnh đạo, cầm quyền thì đó không phải là chế độ đa đảng, mà đơn giản chỉ là sự đa đạng của các tổ chức xã hội. Về bản chất, đó vẫn là chế độ một đảng lãnh đạo cầm quyền.

Chế độ đa đảng là một hình thái chính trị nhà nước trong đó lý do tồn tại của các đảng là sự cạnh tranh về quyền lực. Mỗi đảng thường là đại diện cho các lực lượng chính trị khác nhau, các nhóm lợi ích khác nhau… theo đuổi những lý tưởng, mục tiêu khác nhau, thường là đối lập với nhau về nhiều mặt, từ chính sách đối nội, đối ngoại, đến quan điểm, hệ tư tưởng - chế độ xã hội và ngày nay còn là thái độ, ứng xử đối với môi trường (như các đảng xanh chẳng hạn).

Thực tế cho thấy, trong một xã hội, chế độ đa đảng với sự đối lập, cạnh tranh, đấu tranh giữa các đảng không phải bao giờ cũng đem lại dân chủ và phát triển cho xã hội. Có nơi, có lúc sau sự thay đổi đảng cầm quyền cái gọi là dân chủ sau sự đảo lộn chính trị được mệnh danh vì dân chủ đã trở thành cái độc quyền của những lực lượng chính trị thắng thế. Ví dụ như, khi giành được thắng lợi, người ta có thể chiếm giữ hoặc mua các đài phát thanh, truyền hình, biến những phương tiện truyền thông của xã hội thành tài sản của một người hoặc của một đảng thắng thế, và đương nhiên nó sẽ phục vụ cho những người sở hữu nó. Ở Liên Xô, Đông Âu những năm 1989 - 1991, trong chế độ đa đảng mới được thiết lập, khi Đảng Cộng sản mất quyền lãnh đạo thì lập tức xã hội đã chuyển sang con đường khác, hệ lụy là vô cùng to lớn. Không phủ nhận rằng trong chế độ đa đảng, sự thay đổi đảng cầm quyền không phải bao giờ cũng dẫn đến bạo lực hoặc đảo lộn xã hội, mà còn có nhiều kịch bản khác nhau. Ở khu vực Bắc Âu, thường do các đảng Dân chủ xã hội cầm quyền, sự chuyển giao quyền lực giữa các đảng diễn ra khá êm ả. Ở Hoa Kỳ, sự đổi vai giữa hai đảng: Đảng Cộng hòa và Đảng Dân chủ có thể dẫn đến những thay đổi quan trọng trong chính sách đối nội, đối ngoại, như vừa qua, khi đảng Dân chủ thắng lợi, Ba-rắc Ô-ba-ma lên cầm quyền. Ở châu Phi, sự thay đổi đảng cầm quyền thường dẫn đến xung đột dân tộc, sắc tộc, tôn giáo…

Trên đây là phác thảo chế độ đa đảng và sự vận hành của chế độ đó trên thế giới.

Ở Việt Nam chế độ đa đảng được đặt ra từ bao giờ và trong bối cảnh nào?

- Ai cũng biết, trước khi Liên Xô tan rã, chế độ XHCN ở Đông Âu sụp đổ chưa có ai đặt ra vấn đề chế độ đa đảng ở Việt Nam (với đúng ý nghĩa của khái niệm đó). Ngay sau khi ra đời (1930), Đảng Cộng sản Việt Nam đã trở thành lực lượng chính trị tiến hành cuộc vận động cách mạng giải phóng dân tộc. Trước khi cách mạng giành được thắng lợi, trong các vùng giải phóng, hệ thống chính trị Việt Nam (bao gồm các đoàn thể xã hội, mặt trận, Chính phủ lâm thời…) đã hình thành do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo. Sau cách mạng, vai trò lãnh đạo, cầm quyền của Đảng càng được củng cố. Sự tham gia của một số đảng như Việt Nam Quốc dân đảng - “Việt Quốc”, Việt Nam cách mạng đồng minh hội - “Việt Cách”, trong những năm 1945, 1946 là do tình thế “như ngàn cân treo sợi tóc” của cách mạng mà có.

Việc Chính phủ Hồ Chí Minh chấp nhận dành 72 ghế tại Quốc hội (Khóa I) không qua bầu cử, về thực chất là sách lược nhân nhượng với kẻ thù của Đảng Cộng sản Việt Nam, khi cách mạng còn đang trong thời kỳ trứng nước. Vụ án bắt cóc, cướp của, giết người ở phố Ôn Như  Hầu, mà thủ phạm là Việt Nam quốc dân đảng gây ra, cũng như sự tan rã của Việt Nam cách mạng đồng minh hội, khi âm mưu “Hoa quân nhập Việt” (lực lượng Tưởng Giới Thạch kéo vào chiếm giữ miền Bắc) bị thất bại đã chứng minh rằng - Việt Quốc, Việt Cách ở vào thời kỳ lịch sử 1945 - 1946 là những tổ chức khủng bố, bán nước hại dân. Thế mà có người nhân danh là tiến sĩ, luật sư viết bài và tung lên mạng, rằng ở Việt Nam đã từng có chế độ đa đảng, với minh chứng là sự tồn tại của hai đảng trên. Thử hỏi:

- Phải chăng Việt Quốc, Việt Cách là những người yêu nước, đại diện cho đồng bào ta? Nếu không thì vì lý do gì mà người ta lại nhiều lần dẫn ra sự kiện đó? 

- Phải chăng chế độ đa đảng có thể dung nạp những đại diện không cần phải thông qua bầu cử? Thử hỏi có nơi nào trên trái đất này có chế độ đa đảng kiểu như vậy không?

Thực tế cho thấy, không có một đảng cầm quyền nào, một chính phủ nào lại dại dột tạo cơ hội cho các thế lực chính trị đối lập trong nước câu kết với ngoại bang tìm chỗ đứng trong chính trường quốc gia cả.

Còn sự ra đời và hoạt động của hai đảng là đảng Xã hội và đảng Dân chủ trong những năm 60 – 80, thế kỷ XX cũng không thể cho rằng đó là thời kỳ đa đảng, đơn giản vì hai đảng này đều do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo. Hơn nữa, trước sau Đảng Dân chủ và Đảng Xã hội đều không hề có ý tưởng cạnh tranh với vai trò lãnh đạo, cầm quyền của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Như vậy là ở Việt Nam chưa bao giờ có chế độ đa đảng theo đúng nghĩa của nó. Vấn đề đa đảng mới chỉ đặt ra ở Việt Nam từ khi xuất hiện cái gọi là “tư duy chính trị mới”, mà nội dung cơ bản của nó là đòi “đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập” trong thời kỳ cải tổ ở Liên Xô, Đông Âu.

  Về khách quan, việc tuyệt đối hóa, áp đặt chế độ đa đảng, bất chấp các điều kiện lịch sử cụ thể là một sai lầm về khoa học, nguy hại về chính trị. 

Nếu như “tất cả đều có thể” - một châm ngôn được nhiều người ngưỡng mộ, thì vì sao một đảng lãnh đạo, cầm quyền lại không có thể mà nhất thiết phải là đa đảng? Vấn đề là ở chỗ - chỉ những cái có thể mới có thể. Còn những cái không thể thì không thể chuyển thành cái có thể được. Đời sống đã chỉ ra như vậy. Ví dụ như người ta “không thể” hy sinh thành quả của cách mạng mà nhân dân ta đã giành được bằng bao nhiêu mồ hôi, xương máu để đổi lấy cái gọi là dân chủ, nhân quyền mơ hồ, trìu tượng, phi lịch sử cụ thể…

Trong lịch sử Việt Nam, dân chủ, nhân quyền do nhân dân ta tự đứng lên mà giành lấy, chẳng có “mẫu quốc” hoặc quốc gia “đồng minh” nào chia sẻ cho chúng ta những giá trị đó cả. Nếu như ngày nay xã hội ta vẫn còn nhiều vấn đề nhức nhối, như tình trạng quan liêu, tham nhũng, vi phạm dân chủ, nhân quyền, thì đó là điều Đảng và Nhà nước ta không mong muốn và chúng ta đang nỗ lực xóa bỏ tình trạng đó. Nhưng để giải quyết những vấn đề trên, nhất thiết không thể trông cậy vào những lực lượng chính trị đối lập dưới bất cứ hình thức nào. Chúng ta phải tự giải quyết lấy công việc của mình, cho dù đó là một công việc vô cùng khó khăn, phức tạp./.

Lệ Chi