QĐND - Sau 9 ngày làm việc khẩn trương Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương khóa XI đã kết thúc thành công tốt đẹp.

Hội nghị Trung ương lần này thảo luận, quyết định nhiều nội dung quan trọng, trong đó có việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992. Đây là nội dung rất lớn, nhạy cảm nên sau khi nghe Báo cáo tổng kết việc thi hành Hiến pháp năm 1992 và một số nội dung cơ bản cần sửa đổi, bổ sung; nghe Tờ trình của Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương đã dành nhiều thời gian, tập trung xem xét, thảo luận với tinh thần trách nhiệm rất cao và thống nhất cho rằng, Hiến pháp năm 1992 với vai trò là Hiến pháp của thời kỳ đầu đổi mới là văn kiện chính trị - pháp lý quan trọng, thể hiện bản chất của Nhà nước ta là Nhà nước pháp quyền XHCN của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Tất cả quyền lực Nhà nước thuộc về nhân dân mà nền tảng là liên minh giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức, do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo. Hiến pháp năm 1992 đã đóng góp quan trọng để công cuộc đổi mới đất nước do Đảng khởi xướng và lãnh đạo đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử.

Các đại biểu dự Hội nghị.  Ảnh: Internet

Tuy nhiên, sau hơn 20 năm phát triển đất nước, nhiều vấn đề của thực tiễn đã không còn phù hợp với một số quy định của Hiến pháp năm 1992 nên việc sửa đổi, bổ sung là cần thiết, nhưng những nội dung sửa đổi phải trên quan điểm và phương pháp tư tưởng đúng đắn, khoa học, biện chứng trên cơ sở tiếp tục kế thừa những quy định của Hiến pháp năm 1992 và các bản Hiến pháp trước đây còn phù hợp.

Hội nghị cơ bản tán thành nhiều nội dung của Ủy ban dự thảo sửa đổi, bổ sung Hiến pháp; tờ trình của Bộ Chính trị; đồng thời tiếp tục nhấn mạnh các nội dung sửa đổi, bổ sung Hiến pháp phải quán triệt đầy đủ các nghị quyết, chỉ thị của Đảng; quán triệt được yêu cầu cụ thể hóa trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH (bổ sung, phát triển năm 2011). 

Hiến pháp bổ sung, sửa đổi phải bám sát những tư tưởng chỉ đạo của Nghị quyết Trung ương 2 (khóa XI) và Điều 147 của Hiến pháp hiện hành, tiếp tục khẳng định chế độ dân chủ ở nước ta là dân chủ XHCN; dân chủ gắn liền với kỷ luật, kỷ cương. Nhà nước tôn trọng và bảo đảm các quyền con người, quyền công dân, chăm lo hạnh phúc và sự phát triển tự do của mỗi người. Quyền công dân phải gắn liền với nghĩa vụ công dân. Tổ chức hoạt động của bộ máy nhà nước theo nguyên tắc tập trung dân chủ, bảo đảm sự chỉ đạo thống nhất của Trung ương. Các tổ chức của Đảng, đảng viên chịu sự giám sát của nhân dân và hoạt động trong khuôn khổ của Hiến pháp và pháp luật; nền kinh tế phát triển theo kinh tế thị trường định hướng XHCN với nhiều thành phần kinh tế và kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo, cùng với kinh tế tập thể ngày càng trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân; đất đai, tài nguyên, vùng trời, vùng biển thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước là đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý. 

Trung ương cũng đã cho nhiều ý kiến quan trọng, yêu cầu sửa đổi, bổ sung Hiến pháp phải dưới sự lãnh đạo của Đảng. Đồng thời có cơ chế, khuyến khích sự tham gia của các chuyên gia, các nhà khoa học và tổ chức lấy ý kiến rộng rãi của nhân dân về những nội dung sửa đổi, góp phần xây dựng, hoàn thiện Hiến pháp nước ta vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Quân đội ta đặt dưới sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng. Tự hào là đội quân sinh ra từ nhân dân, vì nhân dân mà phục vụ, trong mọi điều kiện, hoàn cảnh Quân đội luôn thể hiện là những "công dân mẫu mực" nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật Nhà nước, kỷ luật của Quân đội, tiếp tục phát huy phẩm chất, truyền thống Bộ đội Cụ Hồ ra sức học tập, nghiên cứu, thực hiện Nghị quyết của Đảng, nhất là các văn kiện của Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 (khóa XI) để cùng với toàn Đảng, toàn dân đóng góp được nhiều ý kiến sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992.

QĐND