 |
Quần đảo An Thới. Ảnh: Internet |
Là một quần đảo của Việt Nam, nằm ở phía Nam đảo Phú Quốc, tại tọa độ khoảng 9°50′ vĩ bắc, 104°05′ kinh đông. Quần đảo An Thới này bao gồm 15 đảo, trong đó ba đảo có người ở là Hòn Thơm, Hòn Rọi, Hòn Mây Rút. Tổng diện tích đất nổi là 7,2km2, thuộc xã Hòn Thơm (thành lập năm 2003), thuộc huyện Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang. Cư dân của quần đảo khoảng 2.410 người, sống chủ yếu bằng nghề biển.
Ơ Kiên Giang, rùa biển xuất hiện quanh các đảo Nam Du, An Thới, Thổ Châu...Theo thống kê, trung bình mỗi tàu hiện chỉ còn khai thác được rùa biển trung bình 3-4 con/năm, chủ yếu là vích. Khi mắc lưới, hầu hết chúng bị xẻ thịt làm thực phẩm, bán, rất ít con có cơ may được thả lại biển. Ngay cả bãi đẻ của rùa trước đây nhiều là thế, giờ chỉ còn thấy ở quần đảo Thổ Châu và rùa lên đẻ cũng hiếm hoi, bởi chúng bị săn bắt ngay cả trong thời điểm sinh sản.
Việc thành lập Khu bảo tồn biển (KBTB) An Thới đã được Bộ Thủy sản trước đây, nay là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và UBND tỉnh Kiên Giang xác định là một giải pháp khả thi nhằm bảo vệ nơi sinh cư của các loài, bảo vệ sự đa dạng sinh học và quản lý tốt hơn nguồn tài nguyên biển của vùng đảo này; tăng cường nhận thức về môi trường và cải thiện sinh kế cho các cộng đồng dân cư bên trong và chung quanh KBTB theo hướng khai thác tiềm năng thủy sản và du lịch sinh thái của Phú Quốc một cách bền vững. KBTB được đề xuất có tổng diện tích 10 nghìn ha, trong đó, có 13 đảo vừa và nhỏ. Có 8.000 ha được đề xuất làm khu phát triển kinh tế có kiểm soát, chủ yếu là du lịch sinh thái; 2.000 ha làm vùng lõi bảo vệ nghiêm ngặt (hoạt động du lịch hạn chế) gồm sáu đảo chưa hoặc có rất ít dân cư: hòn Vàng, hòn Xương (hòn Móng Tay), hòn Buồm, hòn Mây Rút, hòn Gầm Gì và hòn Ðụn.
* * *
Ngày 21-12-2007 Ban quản lý dự án biển Đông (Bộ GTVT) và tỉnh Kiên Giang đã khởi công xây dựng cảng quốc tế An Thới - Phú Quốc.
Cảng An Thới được xây dựng với tổng vốn đầu tư khoảng 150 tỉ đồng, có khả năng phục vụ lượng hàng hóa 280.000 tấn/năm và 440.000 hành khách/năm. Cầu cảng có thể đón tàu biển trọng tải cỡ 3.000 DWT, bến phao phục vụ tốt cho các loại tàu biển trọng tải cỡ 30.000 DWT và tàu chở khách quốc tế từ 1.000-2.000 khách cập cảng an toàn. Dự kiến cảng sẽ hoàn thành đưa vào sử dụng năm 2009.
Thiên nhiên đã ban tặng cho đảo Phú Quốc các yếu tố thuận lợi nhất để phát triển du lịch nghỉ dưỡng và du lịch sinh thái vào loại tốt nhất Việt Nam. Phú Quốc là huyện đảo nằm trong vịnh Thái Lan, thuộc tỉnh Kiên Giang. Đảo Phú Quốc cách Rạch Giá 120 km, cách Hà Tiên 45 km, cách đường lãnh hải Việt Nam - Campuchia 4,5 km. Đảo có diện tích 593 km2 với tuyến bờ biển dài 145 km. Đảo hình con cá nằm hướng bắc - nam và đang đớp mồi ở hướng tây bắc.
So với các tuyến du lịch khác, toàn bộ tuyến bờ biển: đông, tây, nam, bắc của đảo đều có thể khai thác cho mục tiêu du lịch nghỉ dưỡng và du lịch sinh thái. Với du lịch nghỉ dưỡng, do điều kiện thiên nhiên thuận lợi nên du khách hoàn toàn có thể tắm biển cả 365 ngày trong năm. Với du lịch sinh thái, du khách có thể leo núi, thăm các khu rừng nguyên sinh trên đảo quanh năm. Bờ biển Phú Quốc xa các mỏ dầu và các khu công nghiệp nên chất lượng nước biển và bãi cát dành cho tắm biển không có nơi nào ở Việt Nam sánh được.
Từ bờ biển Phú Quốc đến các trung tâm đô thị các nước Đông Nam Á là rất gần so với bất kỳ vị trí nào ở Việt Nam. Với các thế mạnh trên, chúng ta cần đẩy nhanh các bước cần thiết để phát triển kinh tế Phú Quốc.
* * *
Như đã nói ở trên, mô hình cầu cảng là không đáp ứng được việc tiếp nhận tàu khách lớn siêu hạng vào Phú Quốc. Vậy mô hình hệ thống cầu cảng Phú Quốc như thế nào?
Theo KS. Đoàn Mạnh Dũng (Hội khoa học kỹ thuật biển TP.HCM) Đó là hệ thống cầu hình chữ nhật chạy dọc theo hướng bắc - nam dài 1.000 m ở bờ phía đông hải đăng An Thới. Dãy cầu tàu ở phía bắc có thể tiếp nhận tàu khách có mớn nước thấp 3,5 - 4,0 m. Dãy cầu tàu ở phía nam có thể đạt mớn nước sâu trên 10 m để tiếp nhận tàu khách loại lớn và tàu container đến 3 vạn tấn.(Tàu khách lớn trên thế giới hiện nay dài 290 m, có mớn nước 8,5 m, tĩnh không 54 m.)
Toàn bộ hệ thống cầu tàu như đề xuất sẽ kín gió quanh năm. Việc quay trở tàu khi ra vào cầu sẽ thuận lợi. Với 1.000 m cầu tàu trên, ngoài việc đón tàu khách, chúng ta hoàn toàn có thể đón tàu container cung ứng vật tư xây dựng cho đảo Phú Quốc.
Về mùa gió đông bắc, có thể khai thác hệ thống cầu nhìn về hướng tây
Hơn nữa, do hệ thống bờ biển Rạch Giá - Hà Tiên bị bồi lấp mạnh nên khó có thể xây dựng hệ thống cảng hàng hóa lớn ở bờ biển Rạch Giá, Kiên Lương hay Hà Tiên. Vì vậy, nên tính đến khả năng chuyển tải container từ Phú Quốc về Rạch Giá, Hòn Chông bằng tàu tự hành hay tàu kéo với sà lan có mớn nước từ 4 - 5 m. Như vậy, tuyến đường chuyển tải sẽ ngắn hơn từ TP.Hồ Chí Minh hay từ Cần Thơ về.
Với góc độ là người quan tâm đến hệ thống cảng biển,KS. Đoàn Mạnh Dũng đề nghị tỉnh Kiên Giang nên cân nhắc lại quy hoạch hệ thống cầu cảng tại vịnh An Thới. Vì lợi ích lâu dài của Phú Quốc, chúng ta mong muốn các cơ quan chức năng nên quan tâm đến ý kiến này.
QUANG ANH (TH)