 |
Đảo Phú Quốc. Ảnh internet |
Cách đây đúng một năm, một bài nghĩ ngợi đầu tháng 8 nêu vấn đề con chó Phú Quốc nhân gặp một người Việt kiều sống ở Bỉ quan tâm đến số phận con vật đặc chủng của hòn đảo giàu tiềm năng này. Tuần này, lần đầu tiên tôi mới được ra thăm hòn đảo vùng biển tây nam của đất nước.
Dấu ấn của thời kỳ đổi mới đã phần nào hiện hiện ở thị trấn Dương Đông- thủ phủ của huyện đảo- với một vài con đường và một vài tòa nhà mới xây có phần khang trang hơn hẳn những kiến trúc cũ. Và điểm xuyết vào đó là một vài khu nghỉ dưỡng (Reorts) đã đi vào hoạt động. Nhưng càng đi sâu vào nội địa, nơi có 99 ngọn núi cao thấp khác nhau làm nên vẻ trùng điệp của thiên nhiên, thì lại càng thấy vẻ hoang sơ. Những ngôi làng thấp thoáng những ngọn dừa, vườn điều, hồ tiêu hay những vạn chài ven biển vẫn giữ vẽ mộc mạc của những cư dân chưa khấm khá.
Vài công trình văn hóa được gọi là di tích như Dinh Cậu trên một mỏm đá gần bờ biển, Đình thần Dương Đông, hội quán Hải Nam, Sùng Hưng cổ tự, chùa Sư Muôn hay hội thánh Cao Đài đều đậm nét sinh hoạt tín ngưỡng của một vùng quê nghèo. Riêng di tích lịch sử liên quan đến Chúa Nguyễn Ánh lưu lạc trên đảo đã để lại một giếng nước huyền tích, hay đền thờ người anh hùng áo vải Nguyễn Trung Trực rời đất liền xây dựng căn cứ chống Pháp ngoài đảo xa, hay nhà lao Cây Dừa từng đày ải hơn 40.000 chiến sĩ yêu nước trong đó có một phần mười đã vùi thây nơi đảo cát là được nhân dân và Nhà nước gìn dữ mà vẫn thấy lộ cái nghèo chưa xứng tầm với những giá trị lịch sử.
Từ nhà khách của huyện chỉ đi ngang qua đường nhựa là đến một khu nghỉ dưỡng có thâm niên thuộc loại xưa nhất của Phú Quốc. Đó là “rì-dọt Sài Gòn- Phú Quốc” của Công ty du lịch TP HCM đầu tư, nay đã có đẳng cấp 4 sao. Giám đốc điều hành Phùng Xuân Mai, từng tốt nghiệp khoa Sử, đồng nghiệp với tôi, kể lại những gian truân của 10 năm xây dựng. Cái gian truân không chỉ là những khó khăn của hải đảo, mọi thứ từ vật liệu xây dựng, trang bị nội thất hay cây cảnh đều phải chuyển tù đất liền ra bằng những phương tiện ban đầu hết sức lạc hậu, lại gặp cơn bão rất hiếm hoi năm nào cũng vặt trụi tất cả nên tất cả lại phải xoay trở lại từ đầu, mà khó khăn hơn chính là sự chờ đợi một sự “cất cánh” chung của toàn huyện đảo.
Giờ đây với quy mô một khu nghỉ dưỡng thuộc loại to và đẹp nhất đảo, kiến trúc của nó vừa đạt giải dành cho nhà đầu tư của cuộc tuyển chọn 20 công trình tiêu biểu của kiến trúc Việt Nam 20 năm đổi mới do hội kiến trúc sư trao, khu nghỉ dưỡng um tùm cây xanh, những ngôi nhà đẹp và tiện nghi cùng một dãi bờ biển tuyệt vời này đã đạt tỉ lệ sử dụng lý tưởng. Nhưng chủ nhân của nó vẫn cảm thấy không yên lòng. Cũng như tất cả những người sống và làm ăn trên đảo, từ những người dân đến những người lãnh đạo của hòn đảo này đều mang chung một tâm trạng sốt ruột: Bao giờ Phú Quốc mới “cất cánh”?
Đã từ lâu, không chỉ trên các phương tiện thông tin đại chúng mà chúng ta đã từng hiển hiện trong nhiều quy hoạch dự án cho sự phát triển của Phú Quốc. Từng có một “cơn bão” chia chác đất cát làm rối xáo trộn cả đời sống, dư luận và cả bộ máy nhân sự trên hòn đảo nhỏ này.
Những ngày lưu lại đảo vẫn có lúc chúng tôi phải “sơ tán” từ nhà nghỉ của huyện đến các cơ sở của doanh nghiệp tư nhân vì… cắt điện. Chỉ những nhà hàng lớn mới có máy phát điện nội bộ. Những con đường trên đảo nhỏ hẹp và nhiều nơi chưa rải nhựa, mùa mưa lầy lội bùn đất. Nhiều lô đất đã rào dậu nhưng chưa thể khởi công…. Dường như tâm trạng bao trùm là sự đợi chờ.
Họ chờ đợi cái gì? Một nhà máy nhiệt điện cất trong đất liền sẽ dẫn điện theo cáp ngầm ra đảo. Một sân bay quốc tế nghe đâu cuối năm nay sẽ khởi công thay cho cái sân bay mới được nâng cấp chưa được bao lâu nhưng đã lộ vẻ quá tải. Vào thời điểm ra đảo, một ngày có 7 chuyến bay khứ hồi nối với Rạch Giá và Sài Gòn, nhưng vé đã bán hết trước cả 10 ngày. Đã có chục con tàu ra vào đất liền theo eo biển mỗi ngày, nhưng vào ngày sóng to, nhiều tàu phải ở lại bến, nhu cầu ra vào càng bức xúc.
Giao thông và năng lượng vẫn là những ưu tiên trở thành điều kiện tiên quyết. Nhưng trong câu chuyện với những người trên đảo, cả dân và cả quan chức, thấy ai cũng nói nhiều hơn đến cái vô hình là cơ chế. Khi bàn về tương lai của Phú Quốc, mọi người đều hay nhắc đến hai cái địa danh của những quốc gia lân bang. Đó là Singapo chỉ không đầy nửa thế kỷ đã thành một quốc đảo hoành tráng và làng chài Thâm Khuyến chỉ chưa đầy hai thập kỷ đã lừng lững như một kỳ tích của Trung Hoa. Người Phú Quốc cũng nhẩm đếm thời gian từ ngày giải phóng đến ngày đổi mới rồi đến ngày ai đó nêu ra ý tưởng đầu tiên cho Phú Quốc “cất cánh” thành một đặc khu phát triển… Người ta nói đến cả những dự án của nước này nước nọ đào kênh thông ra biển thì Phú Quốc càng có cơ hội bay cao , bay xa hơn….
Chỉ lúc rời đảo, được ngồi trên chiếc ART bay chậm và thấp khi cất cánh từ sân bay Phú Quốc, nhìn qua ô cửa sổ mới thấy hết cái vẻ đẹp và tài nguyên tiềm ẩn của một hòn đảo rộng ngót 600 ki-lô-mét vuông bốn bề biển xanh trong vịnh Thái Lan lặng sóng, với đường viền trắng xóa của những bãi cát lấp lánh dưới ánh mặt trời…. Còn nhìn lên trên bản đồ thì thấy Phú Quốc chỉ cách đất liền gần nhất là thị xã Hà Tiên 45 ki-lô-mét, xa nhất là là thành phố Rạch Giá 120 ki-lô-mét theo đường chim bay. Từ hòn đảo này khoanh một vòng compa thì thấy nhiều quốc gia trong khu vực Đông Nam Á trở nên rất gần…
Ngắm nhìn cảnh đó mới thấm cái tâm cảm đợi chờ của hòn Đảo Ngọc đang mong đợi đến ngày được lộ ra vẻ đẹp và giá trị ngọc ngà của nó.
Theo Lao động cuối tuần (Dương Trung Quốc)