Cách đây 160 năm (1848 - 2008), "Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản" do C. Mác và Ph. Ăng-ghen soạn thảo đã được xuất bản lần đầu tiên ở Luân Đôn. Từ đó đến nay, tác phẩm đã nhiêu lần được tái bản, bằng nhiều thứ tiếng khác nhau, trở thành "tác phẩm phổ biến hơn cả, có tính chất quốc tế hơn cả trong tất cả các văn phẩm xã hội chủ nghĩa".
 |
Mác (người ngồi) và Ăng-ghen tại Luân Đôn năm 1867 (ảnh internet) |
Trong lịch sử tư tưởng nhân loại, hiếm có tác phẩm nào mà tầm ảnh hưởng đối với cuộc đấu tranh chống áp bức, bóc lột, bất công lại mạnh mẽ, sâu rộng như Tuyên ngôn. Đây là văn kiện có tính chất cương lĩnh đầu tiên của các Đảng cộng sản và phong trào công nhân quốc tế, đồng thời là dấu son lịch sử khẳng định sự ra đời của chủ nghĩa Mác - nền tảng tư tưởng của các đảng cộng sản và kim chỉ nam cho hành động cách mạng. Trải qua thử thách của thời gian, Tuyên ngôn đã khẳng định được sức sống bền vững, giá trị vĩnh hằng của nó.
Trong Tuyên ngôn, Mác và
Ăng-ghen đã luận giải một cách khoa học về vai trò lịch sử, giới hạn phát triển và tính tất yếu diệt vong của chủ nghĩa tư bản; đồng thời khẳng định vai trò sứ mệnh lịch sử của giai cấp vô sản là thủ tiêu chủ nghĩa tư bản, xây dựng chủ nghĩa cộng sản. Chủ nghĩa tư bản ra đời thay thế chế độ phong kiến là một bước tiến vĩ đại của văn minh nhân loại và giai cấp tư sản đã đóng một vai trò hết sức cách mạng trong lịch sử. Nhưng đó vẫn là một sự phát triển phiến diện do trong lòng nó luôn chứa đựng những mâu thuẫn không thể khắc phục được: về mặt kinh tế là mâu thuẫn giữa lực lượng sản xuất không ngừng phát triển mang tính xã hội hoá ngày càng cao với quan hệ sản xuất tư bản ngày càng trở nên chật hẹp do duy trì chế độ sở hữu tư nhân tư bản về tư liệu sản xuất; về mặt xã hội là sự tồn tại mâu thuẫn đối kháng và cuộc đấu tranh không ngừng giữa giai cấp vô sản và giai cấp tư sản, lao động và bóc lột. Xã hội tư sản hiện đại không xoá bỏ được những đối kháng giai cấp. Trái lại, nó chỉ đem những giai cấp mới, những điều kiện áp bức mới, những hình thức đấu tranh mới thay thế cho những giai cấp, những điều kiện áp bức, những hình thức đấu tranh cũ mà thôi. Bóc lột giá trị thặng dư của người lao động làm thuê một cách "công nhiên, vô sỉ, trực tiếp, tàn nhẫn" là bản chất của chế độ tư bản. Điểm yếu chí mạng đó quy định giới hạn phát triển của chủ nghĩa tư bản, mặc cho giai cấp tư sản cố gắng tìm mọi cách "cách mạng hoá công cụ sản xuất, do đó cách mạng hoá những quan hệ sản xuất, nghĩa là cách mạng hoá toàn bộ những quan hệ xã hội" để kéo dài sự tồn tại của mình. Nghịch lý phát triển của nền sản xuất tư bản chủ nghĩa quy định tính tất yếu diệt vong của nó, như Tuyên ngôn đã chỉ rõ: "Giai cấp tư sản không những đã rèn những vũ khí sẽ giết mình; nó còn tạo ra những người sử dụng vũ khí ấy chống lại nó, đó là những công nhân hiện đại, những người vô sản".
Cùng với sự phát triển không ngừng của sản xuất tư bản, giai cấp vô sản không ngừng trưởng thành có số lượng ngày càng tăng, chất lượng ngày càng cao. "Trong tất cả các giai cấp hiện đang đối lập với giai cấp tư sản thì chỉ có giai cấp vô sản là giai cấp thực sự cách mạng. Tất cả các giai cấp khác đều suy tàn và tiêu vong cùng với sự phát triển của đại công nghiệp, còn giai cấp vô sản lại là sản phẩm của bản thân nền đại công nghiệp". Với những phẩm chất ưu việt, giai cấp vô sản đã trở thành giai cấp duy nhất trong xã hội tư bản đủ sức đảm đương vai trò sứ mệnh lịch sử vẻ vang là tiêu diệt chủ nghĩa tư bản và xây dựng chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản. Nhưng để thực hiện được sứ mệnh vẻ vang đó, nhất thiết giai cấp vô sản phải tổ chức ra chính đảng cộng sản là bộ phận tiên tiến, giác ngộ nhất, trung thành và đại biểu cho lợi ích của toàn bộ phong trào; về mặt thực tiễn, những người cộng sản là bộ phận kiên quyết nhất trong các đảng công nhân ở các nước, là bộ phận luôn luôn thúc đẩy phong trào tiến lên; về mặt lý luận, họ hơn bộ phận còn lại của giai cấp vô sản ở chỗ là họ hiểu rõ những điều kiện, tiến trình và kết quả chung của phong trào vô sản. Có Đảng lãnh đạo, có lý luận tiền phong hướng dẫn, giai cấp vô sản ở mỗi nước và trên thế giới đã từng bước được tổ chức lại và thông qua con đường đấu tranh cách mạng để giành lấy chính quyền và trở thành giai cấp đại biểu cho dân tộc. Sứ mệnh lịch sử của giai cấp vô sản là có tính chất quốc tế nhưng trước hết, giai cấp vô sản mỗi nước phải hoàn thành sự nghiệp cách mạng ở dân tộc mình, đồng thời phải phấn đấu cho sự đoàn kết, liên hiệp phong trào cách mạng ở tất cả các nước - "Vô sản tất cả các nước, đoàn kết lại!". Tuyên ngôn còn chỉ rõ các nhiệm vụ nặng nề mà giai cấp công nhân và lao động phải thực hiện sau khi giành được chính quyền, từng bước cải tạo xã hội cũ, xây dựng xã hội mới trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội vì quyền lợi của đa số nhân dân lao động.
Tuyên ngôn ra
đời, giai cấp vô sản có cương lĩnh cách mạng đúng đắn, tập hợp lực lượng đứng lên đấu tranh ngày càng mạnh mẽ. Sự ra đời của "Hội liên hiệp lao động quốc tế" - Quốc tế I (1861-1872); "Hội quốc tế xã hội chủ nghĩa" - Quốc tế II (1889) đã làm cho phong trào cộng sản và công nhân quốc tế phát triển nhanh chóng, ngày càng tự giác với nhiều hình thức phong phú, gắn đấu tranh chính trị với đấu tranh kinh tế, đấu tranh tư tưởng, lý luận. Chủ nghĩa cộng sản từ chỗ bị coi là "bóng ma cộng sản" ám ảnh châu Âu, đã trở thành hiện thực sinh động khẳng định sứ mệnh lịch sử toàn thế giới của giai cấp công nhân: Công xã Pa-ri (1871) đã mở ra một trang sử mới trong lịch sử đấu tranh giải phóng vĩ đại của giai cấp công nhân và lao động quốc tế; Cách mạng xã hội chủ nghĩa Tháng Mười Nga (1917) thắng lợi đã mở ra một thời đại mới, thời đại quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản; sự ra đời của hệ thống xã hội chủ nghĩa sau cuộc Chiến tranh Thế giới lần thứ hai (1945) đối trọng với chủ nghĩa tư bản và sự lớn mạnh của ba dòng thác cách mạng đấu tranh cho những mục tiêu cơ bản vì hoà bình, độc lập dân tộc, dân chủ, chủ nghĩa xã hội và tiến bộ xã hội trong nhiều thập kỷ sau đó là sự kiểm nghiệm, chứng minh cho tính cách mạng và khoa học của Tuyên ngôn. Có thể nói, thế kỷ XX là thế kỷ của chủ nghĩa Mác hiện thực và lý tưởng bất diệt của Tuyên ngôn.
Hiện nay, mặc dù hệ thống xã hội chủ nghĩa không còn tồn tại, nhưng không vì thế mà nói rằng tính chất của thời
đại đã thay đổi như nhiều nhà tư tưởng tư sản, cơ hội, xét lại vẫn thường rêu rao về sự "cáo chung của chủ nghĩa xã hội", "vĩnh hằng của chủ nghĩa tư bản". Trên thực tế, những khó khăn mà chủ nghĩa xã hội hiện thực đang gặp phải chỉ là nhất thời. Sự vận động, phát triển của thời đại hiện nay dù có phức tạp đến đâu chăng nữa, song vẫn tuân theo quy luật khách quan của đời sống xã hội đã được Mác và Ăng-ghen phát hiện và trình bày khái quát trong Tuyên ngôn. Chừng nào xã hội còn áp bức, bóc lột, bất công, chừng đó cuộc đấu tranh của nhân loại cần lao cho một xã hội công bằng, bình đẳng, tự do, dân chủ, không còn áp bức, bóc lột, bất công vẫn tồn tại. Thắng lợi của sự nghiệp cải cách, đổi mới của các nước xã hội chủ nghĩa còn lại (như Trung Quốc, Việt Nam,...) cùng với thắng lợi của các phong trào cánh tả trên thế giới và quyết tâm xây dựng "chủ nghĩa xã hội thế kỷ XXI" của nhiều chính phủ cánh tả ở châu Mỹ latinh hiện nay, đã nói lên sức sống và giá trị vĩnh hằng của Tuyên ngôn.
Trung thành và vận dụng sáng tạo tư tưởng của Tuyên ngôn với niềm tin vững chắc vào lý tưởng cộng sản,
Đảng ta đã khẳng định: "Chủ nghĩa xã hội trên thế giới, từ những bài học thành công và thất bại cũng như từ khát vọng và sự thức tỉnh của các dân tộc, có điều kiện và khả năng tạo ra bước phát triển mới. Theo quy luật tiến hoá của lịch sử, loài người nhất định sẽ tiến tới chủ nghĩa xã hội". Hiện nay, nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng kiên trì sự nghiệp đổi mới, quyết tâm thực hiện thắng lợi hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa theo mục tiêu: "Dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh" là thể hiện tập trung nhất sự quán triệt sâu sắc và vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác – Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh nhằm làm cho lý tưởng cao cả mà Tuyên ngôn đã vạch ra từng bước trở thành hiện thực.
Đại tá, PGS, TS Phạm Văn Nhuận
-Viện KHXHNVQS - BQP