 |
Đảo Phú Quốc. Ảnh: Internet |
Vấn đề phát triển kinh tế biển gắn với bảo đảm môi trường phát triển bền vững đã đặt ra nhiệm vụ rất quan trọng là đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng được nhu cầu. Chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với PGS.TS KH Nguyễn Văn Cư-Phó tổng Cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam-Bộ Tài nguyên và Môi trường để tìm hiểu về nhu cầu nhân lực cho lĩnh vực này, hướng đào tạo và phát triển...
Còn nhiều bất cập về nhân lực
- Thưa đồng chí, công tác đào tạo nguồn nhân lực phục vụ quản lý nhà nước về biển và hải đảo ở nước ta hiện nay được triển khai ra sao?
Có thể thấy rằng tuy có nhiều cố gắng và đạt được những tiến bộ trong đào tạo nhân lực phục vụ nghiên cứu và quản lý biển đảo, nhưng công tác đào tạo cán bộ nghiên cứu và quản lý biển đảo của nước ta còn bộc lộ nhiều bất cập. Việc đào tạo hiện mới chỉ tập trung chủ yếu vào lĩnh vực nuôi trồng, khai thác, chế biến thủy hải sản, khí tượng thủy văn biển, kỹ thuật tàu thủy, kỹ thuật xây dựng trên biển và giao thông vận tải trên biển. Liên quan tới môi trường biển, sinh thái biển, địa chất, địa vật lý và khoáng sản biển, quản lý biển, quy hoạch phát triển kinh tế biển và đặc biệt là ngành Hải dương học thì chưa có chương trình đào tạo riêng. Đội ngũ cán bộ tham gia đào tạo nguồn nhân lực biển còn thiếu về số lượng và trong một số trường hợp chưa đáp ứng yêu cầu về chất lượng. Cơ sở đào tạo dàn trải, bậc đào tạo chỉ tập trung ở trình độ đại học, chưa chú trọng đào tạo nghề và đào tạo chuyên sâu.
Một trong những vấn đề có ảnh hưởng tới số lượng, chất lượng đào tạo nguồn nhân lực phục vụ quản lý nhà nước về biển và hải đảo là công ăn việc làm. Thực tế cho thấy số lượng công việc liên quan tới các lĩnh vực khoa học, kinh tế và quản lý biển còn nhiều hạn chế nên ít thu hút được sinh viên theo học.
-Việc đầu tư cho đào tạo nguồn nhân lực ngành như thế nào?
Hiện nay, sự đầu tư cho công tác đào tạo nhân lực biển còn quá ít, máy móc thiết bị lạc hậu, kỹ năng thực hành chưa nhiều. Vì thế, sinh viên ra trường chưa đáp ứng được yêu cầu công việc, đặc biệt là trình độ ngoại ngữ, tác phong hàng hải quốc tế. Bên cạnh đó, các chính sách lương thưởng, chế độ đãi ngộ cho lĩnh vực kinh tế đặc thù này còn kém hấp dẫn, khiến tình trạng chảy máu chất xám nhân lực sang các lĩnh vực, thành phần kinh tế khác khá cao. Với tình hình đó, rất có thể trong vài năm tới, sự thiếu hụt nhân lực sẽ tiếp tục, thậm chí ngày càng trầm trọng nếu không hành động sớm.
Cần đào tạo toàn diện các lĩnh vực
- Thưa đồng chí, tiêu chí cần để có nguồn nhân lực chất lượng cao là gì?
Phải là nguồn nhân lực được đào tạo một cách bài bản, có khả năng điều tra, nghiên cứu để tìm ra các quy luật tự nhiên, xã hội tại các vùng biển, hải đảo và áp dụng có hiệu quả các kiến thức nắm được vào việc quản lý khai thác bền vững các nguồn tài nguyên và bảo vệ môi trường biển. Biết tổ chức phòng tránh và khắc phục hậu quả thiên tai trên biển, hoạch định các chính sách, phân vùng quy hoạch phát triển bền vững các vùng biển, đảo, bảo vệ chủ quyền quốc gia và an ninh quốc phòng trên biển.
Công tác đào tạo hiện nay nên tập trung vào các lĩnh vực như: Hải dương học; trắc địa bản đồ và môi trường biển; sinh vật biển; địa chất và khoáng sản biển; kỹ thuật khai thác dầu khí và các khoáng sản biển; kỹ thuật công trình biển; kỹ thuật tàu biển, hàng hải; du lịch biển; phát triển kinh tế biển; quản lý tổng hợp biển, đảo và đới ven bờ.
- Đồng chí có thể cho biết hình thức đào tạo nào là phù hợp?
Đào tạo nguồn nhân lực về biển rất quan trọng nhưng là một quá trình lâu dài cần được xây dựng thành một chương trình hay kế hoạch dài hạn. Đồng thời cần chú trọng đào tạo ngắn hạn cho cán bộ (tập huấn ngắn hạn, theo chuyên đề); đào tạo kỹ thuật viên, kỹ sư và cán bộ quản lý biển; đào tạo trên đại học về biển (đây là nguồn nhân lực có chất lượng cao, có khả năng giữ các vai trò lãnh đạo chủ chốt trong nghiên cứu khoa học và quản lý biển, hải đảo). Cần tận dụng tối đa các nguồn nhân lực trong nước, trước hết là các cơ sở nghiên cứu, các trường đại học trong nước. Tăng cường năng lực đào tạo cũng như cơ sở vật chất, thiết bị giảng dạy và nghiên cứu khoa học…
- Xin đồng chí cho biết đôi nét về công tác đào tạo nguồn nhân lực biển và hải đảo ở nước ngoài?
Ở các nước có biển, đặc biệt là các nước phát triển như Nhật, Mỹ, Nga, Hàn Quốc, Anh, Pháp, Hà Lan… và một số nước trong khu vực như Trung Quốc, Xin-ga-po, công tác đào tạo nguồn nhân lực phục vụ quản lý nhà nước tổng hợp về biển đảo được chú trọng đặc biệt. Việc đào tạo chủ yếu được thực hiện tại các trường đại học và theo hai ngành chính là khoa học và kỹ thuật. Chuyên ngành kỹ thuật được phân chia thành hai nhánh chính là kỹ thuật ven bờ và kỹ thuật ngoài khơi. Ngành kỹ thuật ven bờ chủ yếu đào tạo cán bộ phục vụ các vấn đề quản lý đới bờ, quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội, phòng tránh thiên tai vùng ven bờ. Chuyên ngành kỹ thuật ngoài khơi bao gồm vấn đề xây dựng các công trình phục vụ phát triển kinh tế-xã hội trên biển và ven các đảo ngoài khơi. Chuyên ngành khoa học rất phong phú, bao gồm các vấn đề về khí tượng thủy văn biển, địa chất, địa vật lý biển, hệ sinh thái biển... Sau khi tốt nghiệp, cá nhân được tuyển dụng vào làm công tác quản lý nhà nước thường được đào tạo kỹ năng quản lý nhà nước tại chính cơ sở làm việc thông qua sự hướng dẫn của các đồng nghiệp có kinh nghiệm, năng lực và trao đổi học hỏi kinh nghiệm của các chuyên gia nước ngoài.
HỒNG MINH (thực hiện)