Phương tiện của bộ đội biên phòng và lực lượng kiểm ngư tỉnh Thừa Thiên-Huế sẵn sàng tham gia tìm kiếm cứu nạn.

Trong phòng, chống thiên tai, tìm kiếm-cứu nạn trên biển, việc quản lý tàu thuyền, giữ vững thông tin liên lạc góp phần quan trọng giảm thiệt hại về người, tài sản, giúp ngư dân yên tâm làm ăn. Bộ đội Biên phòng đã có nhiều cách làm sáng tạo, hiệu quả trong công tác này, nhất là đối với tàu đánh bắt xa bờ.

“Bài học” phòng, tránh bão biển

Cơn bão số 1 năm 2008 hình thành và mạnh lên rất nhanh với sức gió giật trên cấp 12 ngay trên vùng biển có hàng trăm tàu cá với hàng nghìn ngư dân của ta đang hoạt động. Tuy có một số thiệt hại do tàu đắm, ngư dân mất tích do bão, nhưng so với con số 135 tàu 2.387 ngư dân đã tránh bão an toàn ở khu vực quần đảo Hoàng Sa, có thể nói, chúng ta đã tổ chức chỉ đạo phòng, tránh hiệu quả, đặc biệt với tàu thuyền hoạt động ở vùng biển xa, tránh được hậu quả thảm khốc như trong cơn bão Chan Chu cách đây tròn hai năm, làm hàng trăm ngư dân chết và mất tích.

Theo Đại tá Bùi Song Nhâm, Phó tham mưu trưởng BTL Bộ đội Biên phòng (BĐBP): Trước hết, công tác dự báo, thông tin, thông báo, hướng dẫn di chuyển phòng tránh bão của các cơ quan, lực lượng chức năng đã đến được với ngư dân trên biển xa. Nhiều thuyền trưởng tàu đánh cá cho biết, các tàu đều nhận được thông tin về cơn bão từ các phương tiện thông tin đại chúng, từ các đài vô tuyến điện (VTĐ) của BĐBP, đài thông tin duyên hải và thông báo của các tàu bạn về vị trí, hướng di chuyển của bão để chủ động đưa phương tiện ra khỏi vùng nguy hiểm. Điển hình, 19 tàu cá với hơn 500 ngư dân tỉnh Quảng Nam đã kịp thời rời khỏi khu vực đảo Đá Bắc, chạy về phía đông quần đảo Hoàng Sa tránh bão an toàn... Đối với vùng chỉ bị ảnh hưởng của bão, không thực sự nguy hiểm, các lực lượng thường xuyên kiểm soát, cảnh báo, tạo điều kiện để ngư dân tiếp tục sản xuất. Điều này đã khắc phục được tình trạng “cấm biển” toàn tuyến không phù hợp, áp dụng từ sau cơn bão Chan Chu và các cơn bão đầu năm 2007, góp phần giảm thiệt hại, lãng phí, tăng niềm tin cho ngư dân về công tác cảnh báo, phòng tránh bão.

Nắm chắc số người, tàu thuyền hoạt động trên biển, nhất là ở khu vực nguy hiểm của bão còn giúp công tác chỉ đạo, điều hành xử lý các tình huống cứu hộ, cứu nạn ở vùng biển xa của các cơ quan chức năng kịp thời, hiệu quả. Việc điều tàu lớn từ đất liền đi tìm kiếm-cứu nạn thường rất tốn kém và không thể kịp thời bằng lực lượng tại chỗ. Trong cơn bão số 1, BĐBP Đà Nẵng sử dụng máy thông tin, huy động 3 tàu cá của ngư dân Đà Nẵng quay lại cứu được 19 ngư dân gặp nạn trên tàu ĐNa 0467 bị bão đánh trôi dạt, mắc cạn tại khu vực đảo Đá Bắc (quần đảo Hoàng Sa). Các cơ quan chức năng ở đất liền đã hướng dẫn thuyền trưởng tàu ĐNa 90115 tiến hành các thủ tục bàn giao ngay trên biển 4 ngư dân Trung Quốc bị nạn được ngư dân Việt Nam cứu giúp, bảo đảm đúng các quy định của pháp luật, góp phần tăng cường quan hệ hữu nghị giữa hai nước.

Phát huy cao nhất “4 tại chỗ” trên biển

Thời gian qua, BĐBP các tỉnh, thành phố ven biển đã tập trung đổi mới công tác quản lý, kiểm soát tàu thuyền ra vào, hoạt động ở khu vực biên giới biển, nắm chắc số lượng người và phương tiện, trang bị máy thông tin, phao áo cứu sinh của ngư dân, nhất là số tàu cá hoạt động xa bờ. Đại tá Phan Văn Quang, Trưởng phòng Cứu hộ-cứu nạn Bộ tư lệnh BĐBP cho biết: Cán bộ, chiến sĩ các đồn, trạm biên phòng sử dụng tổng hợp các biện pháp công tác nghiệp vụ biên phòng, nắm chắc tình hình tàu thuyền, ngư dân từ thuyền trưởng, chủ phương tiện, từ thôn xóm, phường, xã... BĐBP tham mưu, phối hợp chặt chẽ với chính quyền các cấp và ngành thủy sản đẩy mạnh xây dựng các tổ, đội tàu thuyền đoàn kết, tự quản, gọi tắt là tổ đoàn kết (TĐK) nhằm tương trợ giúp đỡ nhau trong khai thác, tiêu thụ sản phẩm, phòng chống thiên tai, cứu hộ, cứu nạn (nhất là trong tình huống thiên tai nguy hiểm) đồng thời giúp BĐBP nắm chắc, xử lý hiệu quả các tình huống trên biển, phát huy cao nhất phương châm “4 tại chỗ”.

Đến nay, hơn 500 TĐK của ngư dân nhiều địa phương tuyến biển đã được chính quyền cấp phường, xã ra quyết định thành lập và duy trì hoạt động hiệu quả, điển hình như tại TP Đà Nẵng, tỉnh Quảng Nam... TĐK được thành lập và hoạt động theo tiêu chí “4 cùng” (cùng nghề, cùng ngư trường, cùng địa bàn cư trú, cùng dòng họ, bà con thân thích). Đặc biệt, nhờ quy chế hoạt động của TĐK, quy ước mật danh thông tin và cách báo tọa độ tàu cá giữa tổ trưởng tổ đoàn kết với đồn biên phòng, hiệp đồng bảo đảm thông tin liên lạc giữa đồn biên phòng với thuyền trưởng tàu cá... giúp BĐBP nắm chắc địa bàn hoạt động của tàu và các thông tin liên quan, nhưng vẫn giữ được bí mật ngư trường của ngư dân.

Để nâng cao hiệu quả hoạt động, chính quyền, ngành chức năng cần ưu tiên hỗ trợ cho TĐK vay vốn nâng cấp, cải hoán tàu thuyền, trang bị máy thông tin VTĐ, thiết bị cứu sinh, hỗ trợ khi gặp rủi ro; tập huấn, bồi dưỡng kiến thức KHKT trong khai thác, nuôi trồng hải sản, dịch vụ về nghề cá, sử dụng các trang thiết bị an toàn, máy thông tin trên tàu... Yêu cầu cấp bách là sớm trang bị máy thông tin liên lạc tương thích giữa lực lượng trên bờ và ngư dân hoạt động trên biển, tiến tới xây dựng chế tài xử lý đối với việc bắt buộc thực hiện chế độ thông tin báo cáo giữa ngư dân hoạt động trên biển với chính quyền địa phương, lực lượng chức năng trên bờ... phục vụ thiết thực phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn, góp phần bảo đảm an ninh trật tự và chủ quyền biển, đảo.

Bài và ảnh: ANH QUANG