Long Châu là một quần đảo gồm nhiều núi đá vôi, nằm cách bờ biển Hải Phòng 50km. Trạm hải đăng (đèn biển) Long Châu được xây dựng bằng đá trên một đỉnh núi cao. Đây là điểm chuẩn của đường hàng hải Hải Phòng-Đà Nẵng, Hải Phòng-Hải Nam (Trung Quốc). Từ vùng biển quốc tế, các tàu thuyền nhận được vị trí cảng Hải Phòng qua ánh sáng đèn Long Châu và Hòn Dấu.

Trong cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc (1964-1972) bằng không quân và hải quân, đế quốc Mỹ nhận thấy: muốn làm ngưng trệ mọi hoạt động của cảng Hải Phòng, ngăn chặn các tàu nước ngoài vào cảng thì phải phá cho bằng được cây đèn biển Long Châu, bịt đi “con mắt ngọc” của cảng. Để đạt mục tiêu, chúng liên tục ném bom, bắn tên lửa, đạn rốc- két vào cây đèn, kể cả lúc đèn đang phát sáng. Có ngày chúng đánh tới 6 trận. Những máy bay của hải quân Mỹ, sau khi bay vào đánh phá đất liền, trên đường trở về tàu sân bay, nếu còn thừa bom đạn chúng cũng trút xuống đảo hòng phá hủy cây đèn.

Những công nhân thắp đèn trên đảo Long Châu, tất cả là đảng viên và đoàn viên ưu tú, tổ chức thành một trung đội chiến đấu mang tên “Trung đội đỏ”. Khẩu hiệu hành động của họ là “Tim còn đập thì đèn còn sáng’. Nhiều lần, bom đạn Mỹ đã làm hư hại cây đèn, thấu kính bị vỡ, máy nổ bị hỏng. những người thợ thắp đèn đã vừa đánh trả máy bay địch, vừa sửa chữa, bảo đảm cho đèn bật sáng đúng quy định. Có lần bộ phận chớp sáng của cây đèn bị bắn hỏng, Đảo trưởng Dương Văn Sâm và một chiến sĩ tự vệ đã leo lên đỉnh cột đèn, vừa theo dõi đồng hồ vừa dùng tay tắt, mở mạch điện, duy trì đúng quy định khi sáng, khi tối của cây đèn.

Tính đến khi phải chấm dứt cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc, máy bay Mỹ đã đánh phá đảo đèn Long Châu 283 trận, ném xuống đây hơn 5.000 quả bom và bắn hàng trăm quả đạn tên lửa... Những ngọn núi đá vôi trên đảo nham nhở vết bom, vết đạn, trạm đèn biển mình đầy thương tích, nhưng trong 10 năm ấy, “con mắt ngọc” của cảng Hải Phòng không có lúc nào ngừng phát sáng. Các tàu nước ngoài vẫn theo tín hiệu của đèn biển Long Châu ra vào cảng, ngay vào những thời điểm chiến tranh diễn ra ác liệt nhất. Cán bộ, công nhân thắp đèn trên đảo Long Châu đã được Quốc hội, Nhà nước phong tặng danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân”.

Ngày nay, trong sự nhiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN, khi Việt Nam đã là thành viên chính thức của tổ chức thương mại quốc tế WTO, tàu thuyền khắp nơi ra vào cảng Hải Phòng giao thương nhiều hơn bao giờ hết. Phát huy truyền thống anh hùng trong những năm đánh Mỹ, cán bộ, công nhân trên đảo Long Châu nhận thức sâu sắc giá trị của cây đèn biển, “con mắt ngọc” của cảng trong thời kỳ hội nhập nền kinh tế quốc tế. Họ đoàn kết bên nhau, khắc phục khó khăn gian khổ do điều kiện thới tiết, khí hậu, do mặt trái của cơ chế thị trường... để cây đèn biển luôn tỏa sáng, soi đường cho tàu thuyền năm châu tấp nập vào ra cảng.

Thu Trang