 |
Xã đảo Nghi Sơn. Ảnh: Internet |
Đã chớm khuya, cả bãi biển Hải Hòa (huyện Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa) lung linh trong ánh trăng giữa tháng. Núi đồi, biển cả, làng mạc xen nhau, mở ra sự giao hòa của trời đất trên nền sóng dập dờn. Câu chuyện của chúng tôi từ huyền thoại này đến huyền thoại khác, tưởng như bất tận. Anh Hoàng Bá Bộ, người từng 10 năm giữ các chức vụ Phó chủ tịch rồi Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Tĩnh Gia, nay là Phó ban quản lý Khu kinh tế Nghi Sơn, tự hào kể về mảnh đất cực nam xứ Thanh này.
- Mỗi ngọn núi gần như đều gắn với huyền thoại xa xưa, mỗi huyền thoại đều sống mãi cùng địa chỉ cụ thể, nhìn thấy được-anh Bộ khẳng định như vậy. Đây nhé, phía tây bắc huyện là núi Bợm với “hòn ngọc mái, hòn ngọc trống”, núi Thề là sự tích "dấu bàn chân ông khổng lồ”, núi Long Cương là câu chuyện Đào Duy Từ làm ra khúc Long Phi Ngâm trước khi vào Nam; phía đông nam có hòn Biểu, núi có hình cái biểu treo cùng lố nhố học trò, hòn Biện Sơn cùng sự tích An Dương Vương-Mỵ Châu-Trọng Thủy, nối với hòn Mê (cồn Bầu) bằng các đảo nhỏ: hòn Bung, hòn Sổ, hòn Bảng, hòn Sập, hòn Sảnh, hòn Lưỡi Hái… các đảo nhỏ này đều có sự tích kèm theo.
Bao năm qua, Tĩnh Gia vẫn sống cùng những huyền thoại, truyền thuyết trong suốt chiều dài các cuộc kháng chiến cũng như xây dựng hòa bình. Thế rồi, cách đây hơn 2 năm, bằng một quyết định của Thủ tướng
Khu kinh tế Nghi Sơn bao gồm 12 xã: Hải Bình, Xuân Lâm, Tĩnh Hải, Hải Yến, Mai Lâm, Hải Thượng, Hải Hà, Nghi Sơn, Trúc Lâm, Trường Lâm, Tùng Lâm, Tân Trường thuộc huyện Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa với tổng diện tích 18.611,8ha.
Ranh giới địa lý được xác định như sau: phía Bắc giáp xã Nguyên Bình và Bình Minh (huyện Tĩnh Gia); phía Nam giáp huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An); phía Đông giáp biển Đông; phía Tây giáp huyện Như Thanh.
Xây dựng và phát triển Nghi Sơn thành một khu kinh tế tổng hợp đa ngành, đa lĩnh vực với trọng tâm là công nghiệp nặng và công nghiệp cơ bản như: công nghiệp lọc - hóa dầu, công nghiệp luyện cán thép cao cấp, cơ khí chế tạo, sửa chữa và đóng mới tàu biển, công nghiệp điện, công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng, sản xuất hàng tiêu dùng, chế biến và xuất khẩu... gắn với việc xây dựng và khai thác có hiệu quả cảng biển Nghi Sơn. Hình thành các sản phẩm mũi nhọn, có chất lượng và khả năng cạnh tranh cao, các loại hình dịch vụ cao cấp; đẩy mạnh xuất khẩu; mở rộng ra thị trường khu vực và thế giới. Tạo nhiều việc làm, thúc đẩy đào tạo và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; từng bước hình thành Trung tâm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong khu vực. |
Chính phủ, Đảng và Nhà nước ta đã mở ra thế phát triển mới cho vùng nam Thanh-bắc Nghệ này. Mục tiêu số 1 được đề ra là: Xây dựng Khu kinh tế Nghi Sơn thành khu vực phát triển năng động, một trọng điểm phía nam của vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, đồng thời là cầu nối giữa vùng Bắc Bộ với Trung Bộ và Nam Bộ, với thị trường Nam Lào và Đông Bắc Thái Lan, tạo động lực mạnh thúc đẩy, lôi kéo kinh tế-xã hội tỉnh Thanh Hóa và các tỉnh lân cận phát triển nhanh.
Đó sẽ là một huyền thoại mới trong tương lai. Bởi vì điểm xuất phát lúc này chưa thể gọi là cao, tác động với tỉnh và vùng lân cận chưa thể coi là lớn, cái nghèo vẫn cận kề 10% số hộ, cơ cấu kinh tế chưa rõ nét công nghiệp hóa, cả sản xuất và đời sống chưa hiện đại hóa… Còn khi đó, khác một trời một vực. Dự án khu liên hợp lọc hóa dầu là một điểm nhấn của cả vùng, không riêng với khu kinh tế này. Nó là dự án trọng điểm quốc gia, cả về quy mô, đầu tư và tầm ảnh hưởng, kéo theo cả Khu kinh tế chuyển động. Kèm theo là hàng loạt dự án khác, như sản xuất thép cao cấp, sửa chữa và đóng mới tàu biển, nhiệt điện... Các bến cảng số 1 và 2 Nghi Sơn có khả năng đón tàu tải trọng từ 1 đến 3 vạn tấn hiện đã hoạt động hết công suất. Tại đây còn có cảng xuất xi măng rời của dự án xi măng Nghi Sơn công suất 2,3 triệu tấn/năm đi vào hoạt động từ mấy năm nay. Các dự án hạ tầng kỹ thuật như đường Đông Tây, đường Bắc-Nam, đê chắn sóng cảng Nghi Sơn... đang đẩy nhanh tiến độ.
Nhiều người nói rằng Nghi Sơn hội tụ đủ cả thiên thời, địa lợi và nhân hòa. Chúng tôi cảm nhận được điều đó ở mỗi đoạn đường đi qua, các cuộc gặp gỡ cán bộ và nhân dân nơi đây. Tên Khu kinh tế lấy theo tên của xã đảo-Nghi Sơn, còn 11 xã khác có những cái tên khác nhau, đều hay. Họ cùng đứng trong Khu kinh tế theo một tên gọi. Gần 1.000 hộ đồng bào các xã Mai Lâm, Hải Yến, Tĩnh Hải, Hải Hà, Hải Thượng rời khỏi quê hương bản quán, dành đất cho dự án lọc hóa dầu. Các xã khác, bà con di chuyển cho các dự án khác, mà dự án nào cũng không thể thiếu, không thể chậm tiến độ. Ai cũng biết giải phóng mặt bằng là việc rất khó, ở đây cũng không là ngoại lệ. Song khi cả hệ thống chính trị vào cuộc, bà con nhận rõ rằng phải dành đất đai cho dự án vì lợi ích chung, trong đó có tương lai của mình thì mọi việc trở nên thuận chiều hơn. Đành rằng còn những vướng mắc phải giải quyết, song nhìn chung mặt bằng cho các dự án được bàn giao đúng tiến độ. Đã có 12 dự án được cấp phép đầu tư, với tổng vốn đầu tư gần 8,2 tỷ USD. Hàng chục dự án khác đang được thỏa thuận địa điểm hoặc chuẩn bị hồ sơ xin cấp phép, với vốn đầu tư dự kiến hơn 2 tỷ USD.
Những con người gắn bó với một vùng đồng bằng ven biển, sống bằng nghề trồng lúa, nuôi rừng và đánh bắt cá biển sẽ trở thành chủ nhân của khu công nghiệp hiện đại. Họ đang từng ngày gom góp nguồn lực, nhất là đất đai và lao động cho cuộc trường chinh mới, bước vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trên mảnh đất này.
VIỆT ÂN