Đảo Hòn Dấu. Ảnh: Internet

Sau những vận động của thềm lục địa, một phần dãy núi đã tách khỏi bán đảo Đồ Sơn trôi dần ra biển, hình thành nên đảo có tên Hòn Dấu. Trong con mắt người xưa, non sông luôn mang hình tượng, và đảo Hòn Dấu (tiếng địa phương gọi là Hòn Dáu) có chín con rồng chầu về viên ngọc. Đó là tài sản quý giá thiên nhiên ban tặng Đồ Sơn.

Xuất phát từ bến Nghiêng-di tích minh chứng cho thắng lợi hoàn toàn sau 9 năm  kháng chiến chống Pháp của quân và dân ta, chỉ 20 phút ngồi trên tàu, hay 10 phút ngồi ca-nô du khách đã có thể bắt gặp một màu xanh ngút ngát của cây cỏ, núi rừng hoang sơ, khoe vẻ đẹp thanh khiết giữa mặt biển-đó là đảo Hòn Dấu.

Bước chân khỏi khoang tàu đang dập dềnh trên mặt nước, trước khi du ngoạn trong khu rừng yên tĩnh, du khách được chiêm ngưỡng công trình kiến trúc độc đáo của Đền thờ Nam Hải Thần Vương ngự ngay cạnh bến tàu, vẻ đẹp linh thiêng được tôn lên nhờ bãi sỏi uốn lượn như muôn ngàn nốt nhạc vô thanh thả xuống rì rào sóng biển. Truyền thuyết kể rằng sau một trận thủy chiến đánh tan giặc Nguyên Mông trên sông Bạch Đằng, người dân trên đảo thấy một tử thi cụt đầu trôi vào đảo. Nhìn quần áo của ngài, biết là tướng nhà Trần tử trận, bà con bèn lập đền thờ. Tương truyền thần Nam Hải rất linh thiêng, nếu ai lấy đi bất cứ thứ gì trên đảo, kể cả một lá cây, sẽ bị ngài phạt, phải đem trả lại mới yên. Chính vì thế đảo luôn vẹn nguyên, cống hiến cho du khách cảnh quan thiên nhiên kỳ thú.

Đường lên đảo len lỏi giữa rừng đa nguyên sinh. Đi dưới mái vòm “lợp” bằng lớp lớp tán cây cổ thụ, dây leo chằng chịt, những chùm rễ si buông xuống như tơ liễu, cảm giác vô cùng thơ mộng, thú vị. Rừng còn vẹn nguyên cả ba tầng thực vật, cơ man những gốc cây cổ thụ to lớn, điểm xuyết những loài thân thảo, thân bò, thân leo gieo vào lòng du khách cảm giác hoang vu.

Công trình kỳ vĩ nhất, tâm điểm của khu du lịch Hòn Dấu chính là ngọn Hải Đăng. Đèn Hòn Dấu được người Pháp thiết kế và xây dựng từ năm 1892 đến 1896, tháp đèn cao năm tầng, đỉnh đèn cao 140m so với mặt nước biển, ánh sáng được phát ra từ độ cao 65m so với chân tháp. Đèn Hòn Dấu cao như một tháp pháo đài cổ vút lên giữa đảo, trên cùng là ngọn hải đăng chiếu xa tới 24 hải lý (khoảng 40km). Lối lên đỉnh tháp theo hình xoáy trôn ốc với 125 bậc gỗ. Ban đầu, tháp đèn được xây dựng hoàn toàn bằng đá khối với các hoa văn rất đẹp. Do chiến tranh tàn phá và qua nhiều lần sửa chữa, đèn gần như được xây dựng lại hoàn toàn. Đứng trên đỉnh cao hàng chục mét đón cơn gió căng tràn sức sống của biển sẽ thấy cuối trời, nước mây lộn sắc. Những con tàu trên biển xa khi bắt được ánh sáng hải đăng Hòn Dấu là sắp trở về bến đậu. Ngọn đèn không ngừng sáng trong đêm, với khẩu hiệu một thời oanh liệt: “Còn đảo, còn người, hải đăng còn nháy sáng”, bởi trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, bến Nghiêng trở thành bến tàu phục vụ vận tải tiếp tế hàng hóa cho cuộc chiến đấu bảo vệ đảo đèn Hòn Dấu, nơi được coi là “mắt ngọc” của Tổ quốc có nhiệm vụ soi sáng, dẫn đường cho các chuyến tàu biển ra vào, cập bến cảng  Hải Phòng.

Đảo Hòn Dấu nổi tiếng với lễ hội truyền thống vào ngày mồng 8, 9, 10 tháng 2 âm lịch hằng năm, thu hút hàng vạn lượt du khách đến tham dự. Nhưng sức hút của hòn đảo không chỉ đến từ các hoạt động của lễ hội này mà còn chính từ truyền thống tín ngưỡng của ngư dân miền biển được bảo tồn qua ngôi đền thờ Nam Hải thần vương, một trong những điểm linh thiêng theo quan niệm của người Đồ Sơn, nhất là với những ngư dân. Trước mỗi lần đi biển, ngư dân nơi đây không quên đến thắp hương. Tập tục lâu đời ấy đã trở thành nét đẹp văn hóa tâm linh nơi cửa biển này.

Mùa du lịch Hải Phòng 2009, bến Nghiêng, đảo Hòn Dấu đã đón nhận Bằng Chứng nhận Di tích lịch sử quốc gia.

Bài và ảnh: CHÂU XUYÊN