 |
Bốc dỡ hàng tại cảng Cần Thơ. Ảnh: Internet |
Nhu cầu vận chuyển nông sản, hàng hóa tại các tỉnh khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) ngày một tăng nhanh. Phát triển giao thông vận tải, đặc biệt việc khơi thông luồng Định An (hoặc triển khai Dự án kênh Quan Chánh Bố) để các cảng trong khu vực đón tàu biển có trọng tải lớn vận chuyển hàng hóa vào khu vực ĐBSCL đang trở thành vấn đề “
nóng” hiện nay, thu hút sự quan tâm của đông đảo doanh nghiệp, nhà khoa học và các nhà quản lý trong thời gian gần đây.
Cảng đợi tàu, tàu chờ luồng
Theo con số thống kê, hàng hóa qua cụm cảng ĐBSCL thời gian gần đây tăng rất nhanh, chỉ tính trong tháng 2-2008, cảng Cần Thơ đã đón 148 lượt tàu bốc xếp, tiếp nhận hàng hóa, tăng đột biến hơn 3 lần so với cùng kỳ năm 2007. Hệ thống cảng (13 cảng) ở ĐBSCL năm 2007 đã tiếp nhận khoảng 2.100 lượt tàu với 4,5 triệu tấn hàng hóa thông quan, khối lượng này mới đáp ứng khoảng 30% nhu cầu. Nguyên nhân là do cửa Định An (Trà Vinh), cửa ngõ nối hệ thống cảng của 13 tỉnh, thành phố ĐBSCL với Biển Đông liên tục bị bồi lắng phù sa nên tàu có trọng tải từ 5.000 tấn trở lên không vào cửa Định An được. Hiện nay, khoảng 70% lượng hàng hóa của các tỉnh ĐBSCL vẫn phải trung chuyển lên các cảng khu vực Thành phố Hồ Chí Minh làm phát sinh chi phí vận chuyển, mất lợi thế cạnh tranh của nhiều loại hàng hóa, đặc biệt là nông sản. Tính toán của các chuyên gia về kinh tế, bình quân một tấn hàng hóa từ ĐBSCL trung chuyển lên Thành phố Hồ Chí Minh, doanh nghiệp chi phí thấp nhất từ 7 đến 10 USD. Như vậy, chỉ tính với thời gian khoảng 5 năm, mức trung bình 5 triệu tấn hàng hóa/năm thì số tiền các doanh nghiệp chi phí trung chuyển sẽ lên đến 175 - 250 triệu USD. Dự kiến đến năm 2010, lượng hàng hóa xuất nhập khẩu của vùng ĐBSCL sẽ tăng lên 12,5 triệu tấn/năm và đến năm 2020 là 22 triệu tấn/năm.
Ông Lê Minh Hoàng, Chủ doanh nghiệp tại thành phố Cần Thơ bức xúc: Luồng Định An bị cạn, chúng tôi vận chuyển hàng hóa bằng đường bộ lên Thành phố Hồ Chí Minh, phải chịu thêm phí trung chuyển, giá thành đội lên, vì thế sức cạnh tranh trên thị trường cũng bị suy giảm. Luồng Định An được cải tạo, nạo vét sớm sẽ góp phần giảm nhẹ gánh nặng, chính là điều kiện tốt để các doanh nghiệp tại ĐBSCL phát triển.
Dự án đào kênh Quan Chánh Bố xây dựng luồng cho tàu biển trọng tải lớn từ 10.000 đến 20.000 tấn vào sông Hậu, chiều dài 40 km tại huyện Duyên Hải (Trà Vinh) đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt với tổng vốn hơn 3.100 tỉ đồng. Tuy nhiên, dự án này vẫn còn gây nhiều tranh luận trong giới chuyên môn, chuyên ngành cảng biển và một số nhà khoa học. Theo dự kiến, tháng 10- 2008 mới khởi công và phải mất khoảng 6 - 8 năm công trình mới có thể hoàn thành. Trong khi đó, luồng Định An vẫn tiếp tục bị nghẽn vì mắc cạn, vận tải hàng hóa bằng đường bộ giữa Thành phố Hồ Chí Minh, các tỉnh miền Đông Nam Bộ và nhiều địa phương khác trong nước với vùng ĐBSCL hiện vẫn phải phụ thuộc vào tuyến Quốc lộ 1A. Hệ thống các cảng tại khu vực ĐBSCL rơi vào tình cảnh “ăn chực, nằm chờ” luồng tàu, đón tàu có tải trọng lớn vào vận chuyển hàng hóa, nông sản.
Cần khẩn trương khơi thông luồng Định An
Theo đánh giá, nhận xét của các chuyên gia kinh tế tại Hội thảo khoa học “Giải pháp cho tàu trọng tải lớn vào luồng Định An, giai đoạn 2008 - 2015” được tổ chức mới đây tại thành phố Cần Thơ: với nhu cầu hiện tại thì việc nạo vét cửa Định An trong giai đoạn hiện nay và duy tu để sử dụng lâu dài là rất cần thiết. Thậm chí, một số ý kiến còn cảnh báo: Nếu hệ thống cảng ở ĐBSCL tiếp tục phải chờ đợi công trình kênh Quan Chánh Bố thì thiệt hại về kinh tế cho các tỉnh trong khu vực là khó tránh khỏi. Ngoài ra, hệ thống cảng còn mất đi cơ hội phát triển và làm giảm khả năng thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước tới khu vực này. Hơn nữa, khi luồng tàu qua công trình kênh tắt Quan Chánh Bố hoàn thành thì cũng không đáp ứng được yêu cầu tăng trưởng của khu vực (chiều rộng kênh tắt Quan Chánh Bố theo dự án chỉ có 85m, đáp ứng luồng tàu một chiều trong khi lưu lượng tàu bè và hàng hóa rất lớn).
Giám đốc Cảng vụ Hàng hải Cần Thơ, ông Lê Minh Kháng cho biết: Để bảo đảm khơi thông luồng cho tàu chạy, chúng ta phải thực hiện nạo vét quy mô lớn tại đoạn thường xuyên bị bồi lắng ở cửa biển Định An. Tiến hành nạo vét bề ngang đáy luồng cộng với mái dốc khoảng 300m cho luồng tàu hai chiều và duy trì độ sâu khoảng 5m cộng với biên độ thủy triều 3,8 - 4m, khối lượng khoảng 1 triệu m3/năm thì có thể bảo đảm cho tàu trọng tải 10.000 tấn ra vào an toàn. Bên cạnh đó, về mặt kinh tế theo đánh giá, nhận xét của các chuyên gia kinh tế, nguồn kinh phí đầu tư cho việc cải tạo, nạo vét luồng Định An hoàn toàn có khả năng thực hiện theo phương thức hạch toán tự thu tự chi. Vấn đề quan trọng nhất là chủ trương của Chính phủ và tổ chức thực hiện của các đơn vị liên quan. Kinh phí đầu tư nạo vét sẽ được bù đắp từ nguồn thu hoa tiêu, luồng lạch và tiền bán cát. Hiện tại, một đối tác của Nhật Bản đang khảo sát, đặt vấn đề mua cát ở luồng Định An với khối lượng khoảng 1 triệu m3/năm.
Được biết, Công ty TNHH Xây dựng và Thương mại Quang Vinh (nhà đầu tư theo hình thức BOT) đưa ra thiết kế luồng tàu nạo vét với các thông số kỹ thuật: chiều rộng luồng tàu là 200m, cao độ đáy -5,50m. Tuyến luồng mới sẽ được nạo vét, mở rộng sát tuyến luồng cũ. Khi hoàn thành, cửa Định An có khả năng cho tàu trọng tải 10.000 - 20.000 tấn ra, vào. Tổng vốn đầu tư đề án hơn 245 tỷ đồng. Nếu được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận phê duyệt việc nạo vét mở thông cửa Định An theo cách thức mới, có giám sát chặt chẽ, dự kiến tháng 3-2009 công ty sẽ bắt tay triển khai thực hiện.
Như vậy, việc tiến hành, cải tạo, nạo vét luồng Định An không chỉ sớm giải quyết ách tắc luồng tàu, đón tàu có trọng tải lớn vào bốc xếp hàng hóa tại các cảng khu vực ĐBSCL (cảng Cần Thơ và Cái Cui, thành phố Cần Thơ), tạo điều kiện hàng hóa nông sản lưu thông, giảm giá thành, giúp cho doanh nghiệp, người nông dân phát triển sản xuất. Về lâu dài, luồng Định An và công trình kênh Quan Chánh Bố sẽ là cánh cửa mở ra thế giới, tạo điều kiện, cơ hội để cho vùng Đất Chín Rồng cất cánh. Vì vậy, những ách tắc nêu trên rất cần sớm được khơi thông.
NGUYỄN KIỂM