Thị xã Đồ Sơn nằm ở chính giữa 125km bờ biển của thành phố Hải Phòng; là một bán đảo gồm 10 ngọn núi nối liền nhau kéo dài hơn 9km, có đỉnh cao nhất 125m. Ưu thế về cấu trúc tự nhiên đã tạo cho Đồ Sơn một vị trí địa lý-quân sự quan trọng: Không chỉ án ngữ lối vào, ra cảng Hải Phòng mà còn khống chế toàn bộ vùng đồng bằng ven biển phía đông vùng đồng bằng Bắc Bộ. Thật đúng với nhận định cách đây 300 năm của Danh nhân văn hóa Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm: “Một cột đá giữa dòng chắn trăm con sóng ở phía đông”.
 |
Bãi biển Đồ Sơn (ảnh minh họa) |
Đồ Sơn không chỉ là một khu nghỉ mát nổi tiếng với những bãi tắm đẹp, với Hội chọi trâu mỗi độ xuân về, mà còn là một vùng đất có bề dày lịch sử rất đỗi tự hào. Năm 1419, nhà sư Phạm Ngọc đã xây dựng căn cứ khởi nghĩa chống quân Minh xâm lược trên mảnh đất này. Cũng tại đây, vào thế kỷ 18, Nguyễn Hữu Cầu-người Anh hùng nông dân kiệt xuất đã giương cao ngọn cờ “Đông đạo thống quốc Bảo dân Đại tướng quân” lãnh đạo cuộc khởi nghĩa nông dân lớn nhất Đàng ngoài kéo dài trong suôt 10 năm (1741-1751) chống lại chế độ phong kiến thối nát đương thời. Trong kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược (1945-1954), Đồ Sơn là địa phương phát triển du kích chiến tranh nhất của Hải Phòng với nhiều trận tập kích nổi tiếng: Vào Hòn Dấu, vào sân bay Đồ Sơn… Đồ Sơn cũng là địa phương có phong trào đấu tranh chính trị nổi tiếng khắp vùng tả ngạn sông Hồng chống lại âm mưu “Lấy chiến tranh nuôi chiến tranh. Dùng người Việt đánh người Việt của thực dân Pháp”. Trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Đồ Sơn vinh dự được Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng và Quân ủy Trung ương chọn làm điểm xuất phát (km số 0) của đường mòn Hồ Chí Minh trên biển.
Ngày 11-10-1962, chiếc tàu vỏ gỗ đầu tiên chở 30 tấn vũ khí mang mật danh “Phương Đông 1” do đồng chí Lê Văn Một làm thuyền trưởng, đồng chí Bông Văn Dĩa làm Bí thư chi bộ rời Bến Nghiêng lên đường vào Nam Bộ. Do tính chất quan trọng của chuyến đi, cán bộ, chiến sĩ tàu Phương Đông 1 được các đồng chí: Phạm Hùng, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ; Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, Uỷ viên Bộ Chính trị, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, Trung tướng, Phó Tổng Tham mưu trưởng Trần Văn Trà trực tiếp đến động viên và đưa tiễn. Năm ngày sau (16-10), tàu Phương Đông 1 vào cửa Bồ Đề ( Cà Mau) và cập bến Vàn Lũng an toàn… Phát huy thắng lợi, trong các năm 1963, 1964, những con tàu nhỏ bé với những biệt danh khác nhau, chở đầy ắp vũ khí liên tục rời “Thung lũng xanh” và một số bến khác, vượt qua hàng ngàn hải lý sóng gió, mưa bão và hàng rào ngăn chặn phong tỏa gắt gao của máy bay và tàu chiến địch, đưa hàng vào chiến trường Nam Bộ và Nam Trung Bộ. Tính đến tháng 2-1965, tuyến vận chuyển trên biển đã sử dụng 3 tàu vỏ gỗ, 17 tàu vỏ sắt, tổ chức 88 chuyến đi, vận chuyển được 4.919 tấn vũ khí và một số mặt hàng thiết yếu vào chiến trường, trực tiếp góp phần đẩy mạnh cuộc chiến tranh nhân dân ở đồng bằng sông Cửu Long, ở Đông Nam Bộ và Nam Trung Bộ… góp phần làm lên những chiến thắng làm nức lòng quân và dân trên cả nước.
Từ năm 1968 đến 1972, đế quốc Mỹ cho máy bay, tàu chiến thả mìn phong tỏa cảng, các cửa sông và ven biển Hải Phòng, trong đó, vùng biển Đồ Sơn là một trong những khu vực bị địch phong tỏa nặng nhất. Thị ủy Đồ Sơn đã phát động chiến dịch “Mở luồng, vượt sóng ra khơi” và tổ chức ở các xã những đội cảm tử phá bom, mìn. Đảng ủy xã Ngọc Hải (Thị trấn- là Thị xã Đồ Sơn) thành lập một tiểu đội công binh phá bom gồm 7 người, lựa chọn trong số dân quân ưu tú, dũng cảm của xã. Đồng chí Hoàng Đình Lương, Phó Chủ nhiệm hợp tác xã trực tiếp chỉ huy tiểu đội. Tiểu đội sử dụng hai thuyền nan kéo dây buộc tấm nam châm đi qua những điểm đã đánh dấu có thủy lôi địch. Tất cả đều sẵn sàng quyết tử để mở luồng. Nhưng sau hàng chục lần rà đi, quét lại, từ Hàng Xăm đến Hòn Dấu, không một quả thủy lôi nào nổ. Trong khi đó, hai thuyền đánh cá của hợp tác xã bị trúng thủy lôi, gần 10 người bị thương vong.
Không chịu bó tay, đầu tháng 6-1972, nhân dân và dân quân các xã Ngọc Hải, Quyết Tiến (Đồ Sơn) chuyển sang thuyền đóng bằng đinh đồng, trên thuyền không dùng các dụng cụ bằng sắt để vượt qua các bãi bom từ trường, ra khơi đánh cá. Mỗi cân cá đánh bắt được trong những ngày hè năm 1972 ở vùng biển này không chỉ được đổ bằng mồ hôi mà bằng cả máu. Bất chấp mọi thủ đoạn đánh phá, phong tỏa của địch, các chiến sĩ dân quân và nhân dân các hợp tác xã đánh cá Đồ Sơn đã “cầm chắc tay lưới, nắm vững tay súng”, đè lên thủy lôi địch cho thuyền ra khơi, góp phần làm nên chiến công thắng Mỹ của quân và dân Hải Phòng.
Thanh Hà