
|
Bản đồ Việt Nam trong “Đại Nam Nhất thống toàn đồ” đã chứng minh Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam. (Theo sách họ Đỗ ở Việt Nam) |
Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
(Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Dũng tuyên bố ngày 9-12-2007)
Đầu tháng 4-1975 thành phố Huế vừa giải phóng, đồng chí Trưởng đoàn tiếp quản Bộ tư lệnh Pháo binh phân công tôi (hạ sĩ quan duy nhất trong đoàn) quản lý hướng dẫn nhóm học sinh lớp 11, 12 Trường Đồng Khánh-Huế đi thu gom, tiêu hủy văn hóa phẩm đồi trụy của những kẻ tháo chạy vứt lại ngổn ngang trong, ngoài Viện đại học Huế và khu vực lân cận. Lẫn trong đống sách báo khiêu dâm bạo lực, chống cộng, một nhóm nữ sinh tìm đưa cho tôi cuốn Tập san Sử Địa của Trường đại học Sư phạm Sài Gòn, trong đó đăng loạt bài nói về quần đảo Hoàng Sa -Trường Sa.
Tôi ngấu nghiến đọc hết các bài về quần đảo Hoàng Sa - Trường Sa đăng trong Tập san ấy, và đặc biệt chú ý bài viết của học giả Hoàng Xuân Hãn, người xứ Nghệ, sống và làm việc tại Pháp. Ông viết: Quần đảo Hoàng Sa là đất của Việt Nam. Bút chứng cũ nhất và đầy đủ nhất thấy trong sách Phủ biên tạp lục của Lê Quý Đôn soạn năm 1776 với những tư liệu của các chúa Nguyễn!
Tập san này còn cho biết: Sách Hải ngoại ký sự (quyển 3) của nhà sư Trung Quốc Thích Đại Sán soạn năm 1696 ghi: Chúa Nguyễn sai thuyền ra khai thác các sản vật từ các tàu trên quần đảo Vạn lý Trường Sa (tức Hoàng Sa).
Năm 2002 (tức 27 năm sau), tình cờ anh bạn Đào Tam Tĩnh, Phó giám đốc Thư viện Nghệ An cho tôi mượn cuốn Tạp chí Hán Nôm số 6 (56)-2002, trong đó đăng bài Người vẽ bản đồ quần đảo Hoàng Sa thế kỷ XVII-Đỗ Bá Công Đạo với Bản đồ bãi cát vàng (Hoàng Sa), tác giả là PGS-TS Trần Bá Chí (ĐHQG Hà Nội).
Nghiên cứu của PGS-TS Trần Bá Chí cho biết, sách Hồng Đức bản đồ, phần trình bày 13 bản đồ vẽ hình thế 13 xứ thừa tuyên đời Vua Lê Thánh Tông (1460-1497), và tờ bản đồ nước ta (không có tiêu đề và niên đại lập) còn có phần Mục lục tổng quát bản đồ nước ta tổng hợp các phủ, huyện, châu, xã, thôn thuộc 13 xứ thừa tuyên. Tác giả Mục lục tổng quát bản đồ nước ta là “Nho sinh họ Đỗ Bá tự Công Đạo, quê xã Bích Triều, huyện Thanh Giang” (xã Thanh Mai, huyện Thanh Chương-Nghệ An hiện nay). Trong lời mở đầu Toàn tập Thiên Nam tứ chi lộ đồ thư (vẽ 4 tuyến đường từ Thăng Long tỏa ra 4 phía) cũng ghi:“Nho sinh họ Đỗ Bá tự Công Đạo, người xã Bích Triều, huyện Thanh Giang phủ soạn”. Phần Thiên Nam tứ chi lộ đồ (bản đồ đường đi 4 phía), thể hiện tuyến đường từ Thăng Long đến Chiêm Thành, đoạn vẽ địa hình địa mạo phủ Quảng Ngãi (Quảng Nghĩa phủ) có chú giải Bãi Cát Vàng tức là quần đảo Hoàng Sa-Trường Sa ngày nay. |
Trong gia phả họ Đậu (Đỗ) ở Thanh Chương chép, năm Giáp Tuất niên hiệu Đức Long thứ 6 (1634), hậu duệ Đậu Hoằng Văn dời nhà sang xứ Núi Xú thuộc xã Bích Triều, huyện Thanh Chương cùng người họ Trần, họ Phạm, họ Nguyễn khai phá vùng đất đầy cây cỏ, mở ra khu chợ gọi là chợ Phuống, lập thành thôn Bàng Thị (thôn Phuống), sau đổi là Bích Thị. Gia phả họ Đậu (Đỗ) vùng này chép: “Đậu Bá Công Luận (Đỗ Bá Công Đạo) thi trúng Giám sinh vào năm đầu niên hiệu Dương Đức đời Lê Gia Tông (1672), làm tri huyện Thạch Hà được phong tước Đoan triều nam...”.
Cuối gia phả có phần Phụ lục chép các kỳ tích của tổ tiên nói rõ hơn về Đỗ Bá Công Đạo:
“Họ ta xưa có Đỗ Bá tự Công Luận hoặc Công Đạo tuổi trẻ đã đậu Hương giải, Triều đình gia ơn cho làm Giám sinh, nhưng ông không lấy làm mừng. Ông lại là ấm tử được bổ làm Tri huyện Thạch Hà, ông cũng không muốn làm quan. Ông thường than rằng: Nước ta liền cõi Chiêm Thành, trước kia hằng năm bị xâm lấn, có lần giặc giã vào chợ Phuống giết người cướp của thậm khổ. Vào khoảng thời Chính Hòa (1680-1705) ông từ quan, giả dạng người buôn sông Lam, vượt vùng biển Thuận Quảng (nay là dải đất từ Quảng Bình đến Phú Yên), qua các nước Chiêm Thành, Chân Lạp, xem xét núi sông, đường biển xa gần, vẽ bản đồ mang ra Bắc, hiến kế Nam chinh mở rộng biên cương. Chúa Trịnh (Trịnh Cán) rất mừng, mang bản đồ cất đi. Lại trưng dụng ông soạn vẽ cho Tứ chi lộ đồ”.
Theo huyện chí, gia phả và truyền văn, Đỗ Bá Công Đạo thích giao du nên không học trong khuôn khổ của trường Giám, mà tìm thầy giỏi học tư, rồi đi thi Hội lọt được hai trường. Tuy chưa đậu Tiến sĩ song người đời vẫn khen ông là người hay chữ, lại có khiếu cầm kỳ thi hoạ, tinh thông địa lý phong thủy và truyền dạy cho thân nhân. Tương truyền, dòng dõi Đỗ Bá Công Đạo có Giám sinh Đỗ Công Bàn rất giỏi địa lý phong thủy, được bố của Nguyễn Hữu Chỉnh (người làng Cổ Đan, xã Đông Hải, huyện Chân Phúc, nay là xã Phúc Thọ, huyện Nghi Lộc) mời chọn lấy huyệt đất. Công Bàn đã điểm cho huyệt đất “phát tướng” ở núi Côn Bằng, về sau Nguyễn Hữu Chỉnh thành tướng giỏi lừng lẫy Bắc Hà, được Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ tiếp đãi hàng thượng khách. Chuyện này cũng được Phạm Đình Hổ nói trong sách Tang thương ngẫu lục. |
GIAO HƯỞNG