QĐND Online - Bán đảo Sơn Trà (Đà Nẵng), trước kia là một hòn đảo có 3 ngọn núi nhô ra biển gồm hòn Nghê, hòn Mỏ Diều và ngọn Cổ Ngựa. Theo thời gian, nhờ phù sa bồi lắng dần hình thành doi đất chạy từ đất liền ra đảo, lâu dần thành bán đảo như ngày nay. Theo tư liệu khảo sát, bán đảo có chiều dài 15km, chỗ hẹp nhất khoảng 1,5km, đỉnh núi cao nhất 693m, các đỉnh khác cao trên 500m. Trên bán đảo hiện có hơn 400 ha rừng nguyên sinh, 261 ha rừng thứ sinh, là nơi giao lưu tiêu biểu giữa hai hệ động vật của miền Bắc và miền Nam. Đến nay, rừng nguyên sinh Sơn Trà vẫn còn lưu giữ được 289 loài thực vật bậc cao thuộc 217 chi, 90 họ. Về động vật, đây là nơi quần cư của họ hàng nhà khỉ. Hiện nay Sơn Trà còn khoảng 400 con voọc Chà Và chân nâu, khỉ đuôi dài, gà tiền mặt đỏ…

Thời Nguyễn, bán đảo Sơn Trà là địa điểm của những căn cứ hải quân của Triều đình; đặc biệt là hậu cứ tiếp tế lực lượng cùng lương thực, thực phẩm cho lực lượng hải quân bảo vệ chủ quyền của Tổ quốc trên quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa. Đứng trước nguy cơ xâm lược của thực dân Pháp, Triều đình đã cho phòng thủ những nơi cửa biển hiểm yếu và bán đảo Sơn Trà trở thành một "khu vực phòng thủ" trọng điểm. Tháng 8-1840, vua Minh Mạng cho tăng cường 600 quân và 10 chiến thuyền Hải Đạo, bố trí kính Thiên lý ở hai pháo đài Điện Hải và An Hải, đồng thời ráo riết tuần phòng. Sau đó, phái Danh thần Nguyễn Công Trứ đến Sơn Trà xây dựng pháo đài ở núi Mỏ Diều, ở Hồ Cơ và Bảo Thị Nại; bố trí hỏa lực, sửa hơn 100 cỗ thần công và nhiều tàu chiến. Đến thời Thiệu Trị, sau hai vụ tàu chiến của Pháp khiêu khích, bắn chìm 5 tàu bọc đồng của quân Nguyễn đang trên đường tuần dương, sự phòng thủ của Triều đình được tăng cường thêm một bước: lập thêm 7 đồn binh, trích 32 vạn cân đồng đđúc súng đại bác tăng cường cho Đà Nẵng và cửa biển Thi Nại, Cần Giờ.

Năm 1857, sau sự kiện tàu chiến Ca-ti-na của Pháp đến cảng Đà Nẵng khiêu khích thì công tác bố phòng càng được tăng cường gấp rút. Đại bác được tăng 3 lần so với trước. Tại bán đảo Sơn Trà, xung quanh các hải cảng, đồn lũy được tu bổ khá kiên cố và bố trí đại bác chĩa nòng xuống những khu vực tàu chiến Pháp có thể đi qua.

Thời Mỹ- ngụy chiếm đóng miền Nam (1954-1975), địch biến Đà Nẵng thành quân cảng lớn phục vụ cho cuộc chiến tranh xâm lược và cũng biến luôn bán đảo Sơn Trà thành căn cứ đầu não vùng I Duyên Hải của lực lượng hải quân ngụy. Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 lịch sử, vào ngày 26-3, trong khi các cánh quân bộ của ta đang hành quân thần tốc, áp sát Đà Nẵng, thì Hải quân ta đã dùng một biên đội thuyền máy chở một phân đội Đặc công, vượt qua làn đạn bắn chặn của địch, chọc thẳng vào bán đảo Sơn Trà, phối hợp tiến công từ hướng biển. Ngày 27 và 28-3, trước sức tiến công mãnh liệt của pháo binh và hải quân ta, lực lượng tàu, thuyền địch đậu quanh bán đảo Sơn Trà đã phải giãn xa khỏi bờ, hủy bỏ kế hoạch chở quân ngụy rút chạy như đã định. Tối 29-3, phân đội Đặc công đã đến cầu Thủy Tú, kịp thời phối hợp với các lực lượng chiến đấu trên bộ giải phóng hoàn toàn Đà Nẵng, tiếp quản bán đảo Sơn Trà và chiếm căn cứ đầu não của vùng I Duyên Hải của Hải quân ngụy.

Ngày nay, bán đảo Sơn Trà là một địa điểm nghỉ mát tuyệt vời, hấp dẫn du khách bởi làn nước biển xanh màu ngọc bích với những bãi tắm hoang sơ kỳ thú. Phía bắc có bãi Tiên Sa, bãi Bắc; phía nam có bãi Bụt, bãi Xếp, bãi Nam. Không những thế, Sơn Trà ngày nay còn là nơi trú ẩn an toàn cho tàu thuyền mỗi khi biển động, nơi tàu thuyền có thể ghé vào lấy nước ngọt, chất đốt, lương thực… để tiếp tục cuộc hành trình trên đại dương. Và Sơn Trà luôn là con mắt biển khơi, là pháo đài thép tin cậy trong nhiệm vụ bảo vệ vùng biển, vùng trời, đất liền của Tổ quốc nơi dải đất miền Trung Nam Bộ.

Thu Trang