Kỳ 6: Hồ Đức Thắng - người anh hùng thầm lặng

QĐND - Quê ông ở huyện Duyên Hải (Trà Vinh) – một địa danh thoạt nghe đã hình dung cuộc sống của con người gắn liền với biển. Vùng biển Trà Vinh dù còn nghèo khó nhưng con người luôn giàu nghĩa khí, giàu truyền thống cách mạng, đã góp phần hun đúc, rèn luyện nên phẩm chất bình dị mà kiên cường của Anh hùng LLVT nhân dân Hồ Đức Thắng. Có thể nói, ông là người anh hùng bình dị nhất trong số các “anh hùng chân đất” của miền Nam Thành đồng.

Thầm lặng nhận nhiệm vụ mật

Hồ Đức Thắng thuộc lớp người đầu tiên tham gia mở Đường Hồ Chí Minh trên biển. Vào năm 1960-1961, khi ở Bà Rịa - Vũng Tàu, bác Năm Đông và má Mười Rìu xuôi ngược tổ chức bến bí mật trong lòng giặc; ở Cà Mau có Bông Văn Dĩa và anh Tư Mau rong ruổi đi nghiên cứu hàng trăm hòn đảo từ Trường Sa qua Kiên Hải đến Thổ Chu; ở Ninh Thuận có Đặng Văn Thanh lội bộ vượt Trường Sơn ra Hà Nội..., thì cũng thời điểm đó, tháng 6-1961, Tỉnh ủy Trà Vinh cũng gửi một đội thuyền vượt biển bí mật ra bắt liên lạc với Trung ương.

Đội thuyền được Tỉnh ủy Trà Vinh thành lập gồm 6 người do Nguyễn Văn Inh (Hồ Đức Thắng) giữ chức thuyền trưởng. Nhằm giữ bí mật an toàn cho chuyến đi, 6 người trên tàu đều được thay đổi tên gọi để ghép thành khẩu hiệu: Đoàn, Kết, Đấu, Tranh, Thắng, Lợi. Nguyễn Văn Inh bắt thăm được biệt danh tên bí mật của mình là Thắng và ông mang tên Hồ Đức Thắng từ chuyến đi đáng nhớ đó.

Anh hùng Hồ Đức Thắng.

Phương tiện vượt biển ra Bắc chỉ bằng chiếc tàu gỗ trọng tải 15 tấn được mua với giá 84.000 đồng (tiền Sài Gòn lúc đó), một chiếc la bàn cũ, ít nước ngọt, lương thực cho 6 anh em đi đường. Con tàu không số nhổ neo ra khơi vào cuối tháng 8-1961. Các anh đều không được nói gì với gia đình, người thân để giữ bí mật tuyệt đối cho chuyến đi lịch sử này. Sau 9 ngày lênh đênh trên biển, đến ngày thứ 10 thì tàu gặp bão lớn ngoài khơi. Buồm tàu bị sóng gió đánh tả tơi, hư hỏng nặng không thể định hướng được. Ba ngày sau, tàu trôi dạt vào một thành phố hoàn toàn xa lạ. Anh em thủy thủ trên tàu lầm tưởng là Hải Phòng ở miền Bắc, nhưng khi bị cảnh sát địa phương kiểm tra, họ mới biết đó là cảng Ma Cao. Được cảnh sát giúp đỡ, tiếp tế, Hồ Đức Thắng cùng anh em đoàn tàu không số lại tiếp tục cuộc hành trình, cập vào một cửa sông thuộc địa phận Quảng Đông, Trung Quốc. Từ Quảng Châu, 6 chiến sĩ Trà Vinh quay lại Việt Nam và về Thủ đô Hà Nội. Đến Hà Nội, đoàn thủy thủ Nam Bộ phải giữ tuyệt đối bí mật. Ba ngày sau khi đến Hà Nội, các đồng chí lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước như Thủ tướng Phạm Văn Đồng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, cùng các đồng chí Phạm Hùng, Phan Trọng Tuệ; đặc biệt, Bác Hồ đã dành thời gian đến gặp gỡ, trực tiếp nghe đoàn báo cáo tình hình chiến trường miền Nam; tình hình đời sống, sinh hoạt, chiến đấu của bộ đội ta và căn dặn đoàn những nhiệm vụ quan trọng sắp tới.

Hồ Đức Thắng thay mặt 6 anh em trong đoàn báo cáo với Bác Hồ và các đồng chí lãnh đạo Trung ương tình hình chuyến vượt biển từ miền Nam ra và những khó khăn của đoàn trong chuyến đi đầu tiên ra miền Bắc để tiếp nhận vũ khí. Ông cũng báo cáo với Bác Hồ và các đồng chí lãnh đạo Trung ương về tình hình chiến trường Vĩnh - Trà và quyết tâm của nhân dân Vĩnh - Trà nói riêng, miền Nam nói chung trong cuộc đấu tranh một mất, một còn chống đế quốc Mỹ.

Phía sau những chuyến đi

Đầu năm 1962, Hồ Đức Thắng bắt đầu tham gia vận chuyển vũ khí vào Nam trên cương vị Chính trị viên Tàu 55. Sở dĩ con tàu của ông có số hiệu 55 là để kỷ niệm khi được trên cấp một chiếc tàu sắt trọng tải 55 tấn. Đến năm 1966, Tàu 55 do Hồ Đức Thắng làm Chính trị viên đã vận chuyển được 16 chuyến đưa vũ khí vào chiến trường miền Nam.

Hồ Đức Thắng đã có mặt ở hầu hết các bến bí mật ở miền Nam thời ấy: Rạch Gốc, Gành Hào, Bồ Đề, Hố Bỏ Gùi, Vàm Lũng, Kinh Năm... Nguy hiểm nhất là những lần cập các bến ở miền Trung: Lộ Diêu, Phổ An, Phổ Quang, Sa Kỳ, Hòn Hèo, Hòn Khói, Vũng Rô... Khi xảy ra “vụ Vũng Rô”, con đường vận chuyển trên biển bị lộ, quân Mỹ đã triển khai một bộ phận hải quân và máy bay thuộc Hạm đội 7 phối hợp với hải quân ngụy ráo riết ngăn chặn, tàu ta không thể đi theo địa văn, tức là đi tương đối gần bờ, lấy các rặng núi trong đất liền làm chuẩn để định hướng nữa, mà phải đi vòng ra rất xa thuộc khu vực biển quốc tế rồi mới bất ngờ đổ bộ vào các bến. Những chuyến lênh đênh, phiêu lưu ấy, các thủy thủ luôn vững dạ bởi Chính trị viên Hồ Đức Thắng thường chậm rãi phân tích cho họ nghe các yếu tố thuận lợi, khó khăn, xây đắp niềm tin vững chắc và ý chí quyết tử hoàn thành nhiệm vụ trong mỗi thủy thủ.

Hồ Đức Thắng đã trải qua nhiều trận chiến đấu với tàu địch trên biển. Có chuyến đành phải hủy tàu, xóa dấu vết, nhảy xuống biển tìm cách vào bờ, rồi lại tìm đường trở về Hải Phòng, nhận lại tàu mới để tiếp tục nhiệm vụ. Với những thành tích xuất sắc và tinh thần dũng cảm đó, tại Đại hội Anh hùng và Chiến sĩ thi đua toàn quốc năm 1967, đơn vị Tàu 55 và Lữ đoàn 125 được Đảng, Nhà nước tuyên dương Đơn vị Anh hùng LLVT nhân dân. Hồ Đức Thắng, người gắn liền với Đoàn tàu không số ngay từ những ngày đầu và là chính trị viên của tàu, vinh dự được Chủ tịch Hồ Chí Minh ký quyết định số 125/SV ngày 1-7-1967 tuyên dương Anh hùng LLVT nhân dân. Ngày đơn vị và Hồ Đức Thắng được tuyên dương anh hùng, Bác Hồ ra tận tàu thăm hỏi chúc mừng cán bộ, thủy thủ Tàu 55.

Năm 1975, miền Nam hoàn toàn giải phóng, Thiếu tá Hồ Đức Thắng được điều động về công tác tại Xưởng Nhà Bè, thuộc Lữ đoàn 125. Năm 1980, ông là Phó chính ủy Xưởng Nhà Bè, được nghỉ hưu sau 40 năm tham gia cách mạng.

Mối tình thầm lặng

Năm 1961, Hồ Đức Thắng vượt biển ra Bắc trong điều kiện hết sức bí mật. Việc ông vượt biển ra Bắc bí mật tới mức ngay trong Thường vụ Tỉnh ủy cũng chỉ có một, hai đồng chí biết, còn từ cấp huyện ủy trở xuống thì không ai được biết. Vợ anh lúc đó là đảng viên nhưng anh cũng không dám tiết lộ. Chị cứ tưởng anh đi rồi sẽ trở về, không ngờ, chuyến đó anh đi biệt tích…

Đến chuyến công tác thứ chín, cuối năm 1964, Hồ Đức Thắng được trở về bến Trà Vinh. Ban chỉ huy bến đã công phu bố trí để vợ chồng anh được gặp nhau. Họ phái một chị giao liên hợp pháp về tận làng, nói với chị là trên rút đi công tác đặc biệt, công tác gì không được biết. Chị phải giả đi buôn ở Cần Thơ. Giao liên dẫn đi vòng vo mấy ngày, chuyển từ giao liên này qua giao liên khác mấy lần, cuối cùng mới đến bến.

Vợ chồng anh được thu xếp ở trong một “căn lều hạnh phúc” giữa khu rừng kín. Ở với nhau được hai ngày... Rồi chị lại vòng lên Cần Thơ, mua một ít hàng linh tinh trước khi trở về nhà; còn anh xuống tàu trở ra bắc... Từ đó cho đến hết chiến tranh, Hồ Đức Thắng còn đi nhiều chuyến, nhưng đều cập các bến ở Cà Mau và Khu 5, không còn chuyến nào được trở lại Trà Vinh. Anh cũng không hề nhận được tin tức gì của vợ con nữa...

Mãi đến sau 30-4-1975, anh về thăm nhà mới biết, lần ấy gặp nhau trở về vợ anh có thai. Cơ sự bỗng trở nên hết sức phức tạp. Việc anh ra Bắc, rồi đi tàu biển chở vũ khí về, địa phương, huyện, xã, tỉnh, chi bộ, bà con làng xóm tuyệt đối không ai biết. Việc anh trở về bến Trà Vinh càng không ai biết. Đối với đảng bộ địa phương, việc chị đang là vợ của một chiến sĩ quân giải phóng, bỗng dưng có chửa thì là một nỗi hổ thẹn. Vì giữ bí mật cho nhiệm vụ của chồng, chị không thể khai báo với tổ chức. Chị còn lúng túng che giấu, với hy vọng biết đâu anh có thể công khai trở về. Nhưng rồi bụng càng ngày càng to, không thể che giấu được nữa, nên chị bị cha mẹ chồng khinh bỉ; Chi bộ gọi lên kiểm điểm. Thế là chị đành khai đại: Lâu nay đi buôn ở Cần Thơ, lỡ có dan díu với một người ra cơ sự này. Chi bộ quyết định kỷ luật chị với hình thức khai trừ ra khỏi Đảng, đình chỉ công tác.

Từ một nữ đảng viên, hoạt động năng nổ trong lòng địch mà bỗng bị tai tiếng, chị đành cắn răng chịu đựng, lủi thủi ôm bụng chửa, rồi sinh con, nuôi con một mình. Cô con gái của anh chị được sinh ra, nhưng cha mẹ chồng cương quyết không cho chị lấy họ anh làm họ của con. Sự việc kéo dài hơn 10 năm trời, mãi đến ngày Hồ Đức Thắng trở về, giải cho vợ nỗi oan tày trời. Anh xót xa thương vợ, còn chị mỉm cười: Có anh trở về, quên hết đi!

Năm 1980, rời quân ngũ, Hồ Đức Thắng lại về với cuộc sống đời thường ở miền quê xứ biển Duyên Hải (Trà Vinh). Các cựu chiến binh trong huyện ghi nhận: Về hưu, ông lập tức tham gia làm kinh tế hộ gia đình, vừa làm vừa giúp đỡ đồng đội. Bản thân gia đình ông có cuộc sống không khá hơn anh em, nhưng ông vẫn dành dụm từng chút một, giúp đỡ đồng đội, bà con xóm làng khi ai đó gặp khó khăn, hoạn nạn.

Tiếp bước cha, những người con trai của Hồ Đức Thắng cũng tham gia quân đội và xây dựng chính quyền địa phương. Ông đã đi xa nhưng con cháu vẫn thường nhắc lại lời ông dặn: “Dù cuộc sống hằng ngày không ít khó khăn nhưng phải giữ cho được những phẩm chất của người lính mà đồng bào đã tin yêu gọi là Bộ đội Cụ Hồ”.

------------------------

Kỳ 1: Anh hùng Bông Văn Dĩa - cá kình Biển Đông

Kỳ 2: Bản lĩnh anh hùng Đặng Văn Thanh

Kỳ 3: Anh hùng Nguyễn Văn Hiệu - sự “trở về” kỳ diệu

Kỳ 4: Người cầm ngọn cờ chuẩn của Tàu 56

Kỳ 5: Người kể chuyện đường mòn trên biển

Kỳ cuối: Anh hùng Trần Suyền - điểm tựa cho những con tàu

Hải Dũng – Nguyễn Hương