Kỳ 8: Nguyễn Chánh Tâm, người anh hùng sống mãi
QĐND - Trong chuyến chở vũ khí chi viện cho quân và dân ta tham gia Tổng tiến công nổi dậy Tết Mậu thân 1968, bốn con tàu mang số hiệu 43, 56, 235, 165 của Lữ đoàn 125 đêm 29-2, rạng ngày 1-3 đều gặp địch. Chỉ còn tàu 56 trở về. Cũng như tàu 43 và 235, tàu 165 của Thuyền trưởng Nguyễn Chánh Tâm đã chiến đấu anh dũng và đi vào huyền thoại. 18 cán bộ, thủ thủy đã ra đi, không để lại một dấu vết...
Quyết tử giữa biển khơi
Đêm 25-2, từ căn cứ A2, tàu 165 được lệnh xuất phát, chở hàng vào bến Vàm Lũng (Cà Mau). Cán bộ, thủy thủ gồm: Thuyền trưởng Nguyễn Chánh Tâm; Chính trị viên Nguyễn Ngọc Lương; Thuyền phó Hoàng Văn Thuyết và Nguyễn Văn Thông; Chính trị viên phó Nguyễn Văn Danh; Thợ máy Nguyễn Văn Thị, Trần Văn Dựng, Nguyễn Duy Tạo; Báo vụ: Lý Khánh Hồng và Vương Văn Diêng; Thủy thủ trưởng: Nguyễn Kính; Hàng hải: Nguyễn Văn Em và Mai Đức Long; Y tá Nguyễn Đình Văn; Thủy thủ: Trần Văn Quồi, Phạm Văn Phương, Trần Văn Bé; Cơ yếu: Vũ Hữu Nghị.
 |
Thuyền trưởng Nguyễn Chánh Tâm. |
Theo tuyến đường của những chuyến đi trước, tàu 165 đi qua Hoàng Sa, Trường Sa, hòa vào dòng tàu buôn nước ngoài ngược xuôi trên biển quốc tế, hướng về phía Nam. Thông tin giữa tàu và Sở chỉ huy và bến vẫn giữ liên lạc tốt. Ngay tại hải phận quốc tế tàu đã bị địch theo dõi. Thuyền trưởng Nguyễn Chánh Tâm bình tĩnh, mưu trí cùng anh em vượt qua vòng phong tỏa của địch. Đêm 29-2, tàu đến vùng biển Cà Mau, chuẩn bị chuyển hướng. Mọi phương án đón tàu ở bến được chuẩn bị chu đáo, kể cả trong “trường hợp xấu nhất”, bến sẵn sàng “chia lửa” với tàu.
Nhưng dự định đó đã không thành hiện thực. Trời biển Cà Mau đêm đó đã chứng kiến trận đấu quyết tử của những người lính “Tàu không số” với gần chục tàu chiến và máy bay địch. Con tàu 165 nhỏ nhoi đã hóa thân vào biển không để lại một dấu vết gì ngoài hai bức điện cuối cùng gửi về sở chỉ huy trong đêm 29-2 rạng ngày 1-3-1968. Bức điện thứ nhất đề lúc 18 giờ ngày 29-2: "Chuyển vào. Gặp máy bay trinh sát đi qua tàu-Lương (tức Chính trị viên Nguyễn Ngọc Lương). Bức điện thứ hai, ngày 1-3: "Chúng tôi gặp 8 tàu địch bao vây, quyết cảm tử!". Đó là hai lời nhắn nhủ cuối cùng trước lúc tàu 165, Thuyền trưởng Nguyễn Chánh Tâm và 17 thủy thủ đi vào huyền thoại.
Các anh đã chiến đấu, đã hy sinh như thế nào, đến nay cũng chưa ai biết rõ. Nhớ lần chúng tôi tới thăm cựu chiến binh Khưu Ngọc Bảy tại Thành phố Cần Thơ, ông Bảy đã bùi ngùi kể cho tôi nghe về sự kiện bi hùng này: Đêm đó, tất cả chúng tôi đã sẵn sàng, chuẩn bị đón tàu. Bỗng thấy máy bay địch lượn nhiều. Hình như chúng báo động. Trên bờ, ngóng ra biển ai cũng nơm nớp lo âu... Rồi chừng hơn một giờ sáng, phía ngoài khơi nhiều ánh lửa và đường đạn vạch lên trời... Chừng 20 phút sau, loáng lên những tia chớp và một ngọn lửa hình nấm vọt lên kèm theo tiếng nổ lớn trùm xuống biển...
Chúng tôi vẫn tin anh em còn sống và tìm đón nhiều ngày dọc ven biển. Nhưng chỉ còn hai báng súng K44, vài mảnh chiếc đài màu nâu đỏ, một đoạn cột ăng ten tàu và một mảnh áo phao... Tất cả chỉ còn vậy. Tàu 165, Thuyền trưởng Nguyễn Chánh Tâm và 17 thủy thủ đoàn đã vĩnh viễn ra đi. Các anh mãi mãi nằm lại vùng biển Tây Nam của Tổ quốc-vùng biển Cà Mau... không bao giờ trở lại.
Anh còn sống mãi
Với thành tích 8 chuyến đi chở hơn 600 tấn vũ khí chi viện cho chiến trường miền Nam trong điều kiện hết sức khó khăn, gian khổ, năm 2005, Thuyền trưởng Nguyễn Chánh Tâm được Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân. Hơn 40 năm đã trôi qua, những ký ức về anh-người thuyền trưởng anh hùng, dũng cảm, người bạn thủy chung vẫn khắc ghi mãi trong lòng bạn bè và những người thân của anh.
Bà Đỗ Thị An, tuổi ngoài 90, hiện ở Ngõ Cấm, thành phố Hải Phòng khi nhắc đến tên người con rể với con cháu hiện nay vẫn rưng rưng xúc động: "Bố các cháu là người nhân hậu, sống có nghĩa, có tình, cứ mỗi lần công tác về là có quà cho mọi người, tranh thủ giúp gia đình, vợ con mọi việc lớn nhỏ... Nhớ mãi chuyến đi lần cuối của bố các cháu. Tối đó mấy bố con cứ quấn quýt mãi bên nhau. Sáng ra, Tâm dậy sớm, chắp tay: "Chào mẹ, con đi công tác, chưa biết bao giờ mới về...". Ba bà cháu tiễn bố ra ngõ, bịn rịn. "Mẹ về đi!". Tâm động viên tôi. Hai cháu Tuấn, Tú cứ ôm chặt lấy bố, mãi không rời... Ba Tâm xoa đầu hai con, nựng: "Các con ở nhà ngoan ngoãn, nghe lời bà và mẹ, vài bữa nữa ba về... Tôi cũng không thể ngờ rằng đó là lần chia tay cuối cùng!”.
Với Đại tá, Anh hùng LLVT nhân dân Nguyễn Đắc Thắng, hiện ở Thành phố Cần Thơ thì Chánh Tâm là “người bạn thân thiết, thủy chung, ngay từ ngày đầu vào bộ đội”.
 |
Các cựu chiến binh Đoàn tàu Không số tưởng niệm đồng đội đã hy sinh tại Vàm Lũng, Cà Mau. |
Đôi bạn Đắc Thắng-Chánh Tâm đều sinh năm 1935 tại Cần Thơ. 19 tuổi hai ông cùng nhập ngũ vào bộ đội và tập kết ra Bắc, sau đó được đi học lớp thuyền trưởng Hải quân. Tốt nghiệp, Đắc Thắng được điều về Đoàn 759 (tiền thân Đoàn 125 ngày nay), còn Chánh Tâm về Đoàn tàu tuần tiễu ở căn cứ 2. Sau chiến thắng trận đầu 5-8-1964, Nguyễn Chánh Tâm được điều về Đoàn tàu Không số làm thuyền trưởng tàu 165. Đôi bạn ngày xưa lại được chung một nhiệm vụ vẻ vang và tình bạn của họ ngày càng thắm thiết. “Tâm là một người bạn nhiệt tình, sống hết mình với bạn bè. Anh ấy còn là “nhịp cầu” tình yêu của tôi và Sáu Thùy, người vợ yêu quý của tôi sau này”. Ông Thắng bồi hồi nhớ lại.
Về câu chuyện tình của Thuyền trưởng Nguyễn Đắc Thắng và nữ y tá Huỳnh Biên Thùy đến nay không kể hết bao nhiêu bài báo đã viết về họ. Đó là mối tình xuyên Biển Đông. Mối tình rất "nổi tiếng" của Đoàn tàu Không số. Chuyện là, trong một chuyến chở hàng vào Cà Mau, Thuyền trưởng Đắc Thắng đã “phải lòng” cô “nuôi quân” kiêm y tá Huỳnh Biên Thùy có giọng ca cải lương ngọt ngào. Tình yêu của họ chỉ chờ ngày sum họp sau khi anh ra Bắc báo cáo tổ chức, sau đó sẽ trở lại bến làm đám cưới. Thế rồi nhiệm vụ vận chuyển bí mật, những chuyến đi mở bến mới ở miền Trung... Thuyền trưởng Đắc Thắng không còn cơ hội trở lại bến xưa để “kết tóc se duyên” với người nữ y tá. Lúc này, Thuyền trưởng Nguyễn Chánh Tâm với những chuyến đi vào Cà Mau đã trở thành sợi dây liên lạc tình cảm giữa hai người. Sáu Thùy vẫn thường xuyên nhận được “quà của người yêu” gửi vào. Khi thì cuốn sách “Ruồi Trâu”, “Thép đã tôi thế đấy”, khi là chiếc nón bài thơ xinh xắn. Sáu Thùy cũng nhờ Chánh Tâm chuyển tới người yêu những món quà đầy ý nghĩa như món tóc thề hay những chiếc khăn thêu... Tình yêu của họ vì thế vẫn được kết nối, tình cảm ngày càng thêm gắn bó. Mãi sau này, khi thành vợ chồng, cô Thùy mới biết những món quà cô vẫn đều đặn nhận được trong những ngày xa cách đó đều là của Thuyền trưởng Nguyễn Chánh Tâm mua tặng. “Anh ấy tốt lắm, mỗi chuyến trở về Bắc tàu anh ấy còn tặng lại chúng tôi rất nhiều lương khô để “dùng khi giặc càn” - cô Sáu Thùy kể lại. “Ngày nghe tin tàu nổ trên biển, ngỡ là anh Thắng, tôi đã khóc ròng ròng, rồi lập bàn thờ để tang anh. Sau này mới biết đó là anh Chánh Tâm. Tôi đã khóc rất nhiều thương tiếc anh...”.
Hơn 40 năm đã trôi qua, đất nước đã thanh bình và biển xanh đã xóa đi tất cả. "Sóng xóa đi dấu vết, biển vẫn con đường mòn...". Thuyền trưởng Nguyễn Chánh Tâm và đồng đội tàu 165 đã ra đi... không để lại một dấu vết. Nhưng dấu ấn về một con đường vận tải trên biển, con đường của những huyền thoại và những chiến công thầm lặng của những người lính biển anh hùng vẫn sống mãi với dân tộc Việt Nam.
-----------
Kỳ 1: Thuyền trưởng tàu không số đầu tiên
Kỳ 2: Thuyền trưởng tàu sắt đầu tiên
Kỳ 3: Từ du kích trở thành thuyền trưởng
Kỳ 4: Nguyễn Phan Vinh, bản hùng ca bất tử
Kỳ 5: Đồng Xuân Chế: “Biển gọi tôi suốt cuộc đời”
Kỳ 6 : Nắm đất của Thuyền trưởng Hồ Đắc Thạnh
Kỳ 7: Thuyền trưởng Lưu Đình Lừng và niềm tự hào về Tàu 42
Bài và ảnh: Trịnh Dũng - Thu Hương