Biển Đông: Nhiều cơ hội - lắm thách thức

Nhân ngày đại dương thế giới (8/6) và để tiếp thu ý kiến các ngành cho việc chương trình xây dựng chiến lược kinh tế biển đến năm 2020, hôm nay (12/6), Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam (Bộ TN&MT) đã tổ chức Buổi Toạ đàm Biển Đông: Những cơ hội và thách thức.

Ông Nguyễn Chu Hồi, phó Tổng Cục trưởng Tổng Cục biển và Hải đảo nhận định, biển Việt Nam giàu và đẹp. Với bờ biển dài 3260km và diện tích gấp 3 lần diện tích đất liền, cùng đa dạng sinh học cao, nhiều nguồn tài nguyên quý hiếm… là tiền đề Việt Nam phát triển kinh tế biển.


Tại hội thảo Thứ trường Bộ Tài Nguyên và Môi trường Nguyễn Văn Đức nhấn mạnh, thế kỷ 21 sẽ là thế kỷ của biển và đại dương. Làm thế nào để đưa nước ta thành đất nước giàu từ biển, phấn đấu đến năm 2020, kinh tế biển đóng góp khoảng 55% GDP.


Tuy nhiên, ngoài đồng ý với những tiềm năng kinh tế to lớn, các đại biểu tham dự đều nhận định, Việt Nam còn nhiều thách thức, lớn nhất là về nguồn nhân lực. Ông Nguyễn Mạnh Hiển, phó Vụ trưởng Vụ Biển Bộ Ngoại giao cho rằng, hiện chúng ta đang thiếu nhân lực am hiểu về biển. Trong khi đó lại không thể đưa các nhân viên quản lý từ các ngành khác để quản lý lĩnh vực biển.


Ông Lê Trần Nguyên Hùng, phó giám đốc thường trực Dự án hợp phần tăng cường quản lý khai thác thuỷ sản cho biết: trình độ dân trí người dân vùng biển thấp (70% người dân biển chưa học hết tiểu học, chỉ khoảng 18% tốt nghiệp THCS)…. Bên cạnh đó còn có nhiều vấn đề khác cần quan tâm như đối phó với việc biến đổi khí hậu; vấn đề đảm bảo sinh kế cho người dân để hạn chế việc khai thác huỷ diệt; tăng khả năng “vươn khơi” của người dân Việt Nam; tuân thủ tiêu chuẩn quốc tế trong khai thác v.v….


Được biết, hiện nguồn lợi hải sản vùng biển nước ta đang giảm sút nghiêm trọng: hơn 85 loài nguy cấp, hơn 70 loài đưa vao danh sách đỏ, năng suất đánh bắt giảm gần 6 lần, khai thác thuỷ sản rừng ngập mặn chỉ bằng 1/20 so với trước đây.../.

Theo: VOV-Hùng Cường