Việt Nam là một quốc gia có bờ biển dài gần 3.500km, từ Quảng Ninh đến Kiên Giang (trung bình cứ 100km2 thì có 1km bờ biển). Trên chiều dài đó có 42 cửa sông chính đổ ra biển. Biển có vùng nội thuỷ, lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa với diện tích trên 1 triệu km (gấp khoảng 3 lần diện tích đất liền).
Trải dọc theo bờ biển nước ta có khoảng 4.000 đảo lớn nhỏ, phía đông là hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Hệ thống đảo và quần đảo hình thành các tuyến cảnh giới và phòng thủ tự nhiên của đất nước. Bờ biển nước ta có nhiều núi đất, đá nhô ra biển, kết hợp với các thế đứng của đảo và quần đảo thành những khu vực có địa thế hiểm trở, có lợi cho việc phòng thủ đất nước. |
Biển nước ta có nhiều tài nguyên: hải sản, khoáng sản, trong đó có dầu mỏ… hết sức phong phú. Theo ước tính, vùng biển nước ta đến nay có khoảng 2.040 loài cá gồm nhiều bộ, họ khác nhau, trong đó có nhiều loài có giá trị kinh tế cao. Trữ lượng cá ở vùng biển nước ta khoảng 3 triệu tấn/năm. Dưới đáy biển có nhiều khoáng sản quý như: thiếc, ti tan, thạch anh, nhôm, sắt, măng gan, đồng, kền và các loại đất hiếm… Đặc biệt về dầu mỏ, với vùng biển Việt Nam rộng hơn 1 triệu km2, trong đó có 500.000km2 nằm trong vùng triển vọng có dầu khí. Trữ lượng dầu khí ngoài khơi phía Nam Việt
Nam có thể chiếm 25% trữ lượng dầu dưới đáy biển Đông. Có thể khai thác từ 30-40 nghìn thùng/ngày (mỗi thùng 159lít), khoảng 20 triệu tấn/năm. Trữ lượng dầu khí dự báo của toàn thềm lục địa Việt Nam khoảng 10 tỷ tấn quy dầu, ngoài dầu Việt Nam còn có khí đốt với trữ lượng khoảng 3 nghìn tỷ m3/năm.
Việt
Nam có nhiều cảng biển và quân cảng quan trọng; có nhiều vũng, vịnh là những nơi trú đậu tốt cho tàu thuyền; có nhiều cảnh quan du lịch mà nổi tiếng, nhất là vịnh Hạ Long. Biển nước ta nằm trên tuyến giao thông hàng hải quốc tế quan trọng và rất sôi động ở giữa khu vực châu Á – Thái Bình Dương – khu vực hết sức năng động và có tốc độ phát triển kinh tế cao hiện nay, vì vậy, dưới góc độ địa lý quân sự, biển Việt Nam hết sức quan trọng. Từ vùng biển - đảo của nước ta, tầm nhìn quan sát và giao thông thường rất thuận tiện đường giao thông huyết mạch ở Đông Nam Á. Biển nước ta tiếp giáp với biển của nhiều nước trong khu vực, đây là điều kiện tốt để mở mang giao lưu thương mại, phát triển giao thông vận tải, khai thác tài nguyên, khoáng sản, du lịch và dịch vụ trên biển.
Dọc theo bờ biển nước ta là nơi tập trung dân cư đông đúc với 26/64 tỉnh, thành của cả nước là ở ven biển, chiếm 42% diện tích và 45% dân số cả nước. Dọc theo bờ biển còn có nhiều thành phố, đô thị, trung tâm công nghiệp lớn, có nhiều cảng quốc tế và các khu kinh tế tổng hợp đã hình thành và ngày càng phát triển.
Ngày 15-3-1961, Chủ tịch Hồ Chí Minh xuống thăm bộ đội Hải quân, lúc vào thăm hang Đầu Gỗ, nơi xưa kia Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn dựng công trường làm cọc gỗ để cắm xuống lòng sông Bạch Đằng đánh tan giặc Mông – Nguyên, Bác Hồ đã căn dặn cán bộ, chiến sĩ cùng đi: “Ngày trước (trong kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược), ta chỉ có đêm và rừng. Ngày nay ta có ngày, có trời, có biển. Bờ biển của ta dài, tươi đẹp, ta phải biết giữ gìn lấy nó” (Lịch sử Hải quân nhân dân Việt Nam, NXB QĐND, H.1985, tr71). |
Làm theo lời dạy của Bác Hồ, nhận thức sâu sắc vai trò của biển, đảo và đại dương trong đời sống thế giới đương đại, Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X của Đảng đã khẳng định:
“Xây dựng và phát triển chiến lược kinh tế biển toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm, sớm đưa nước ta thành quốc gia mạnh về kinh tế biển trong khu vực, gắn với bảo đảm quốc phòng – an ninh và hợp tác quốc tế. Phát triển hệ thống cảng biển, vận tải biển, khai thác và chế biến dầu khí, hải sản, dịch vụ biển; đẩy nhanh ngành công nghiệp đóng tàu biển và công nghiệp khai thác, chế biến dầu khí, hải sản, dịch vụ biển; phát triển mạnh, đi trước một bước một số vùng kinh tế biển và hải đảo” (ĐCSVN – Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, NXB CTQG, H.2006, tr98). Ngay sau đó, Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá X) đã thông qua Nghị quyết 04 về
“Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020” với mục tiêu chính là đến năm 2020 phát triển 05 ngành kinh tế trọng điểm, gồm: khai thác chế biến dầu khí; hàng hải; du lịch và kinh tế hải đảo; khai thác, chế biến hải sản; xây dựng các khu kinh tế, công nghiệp tập trung và khu chế xuất ven biển. Phấn đấu đến năm 2020, kinh tế biển đóng góp 53-55% GDP, 55-60% kim ngạch xuất khẩu của cả nước, giải quyết các vấn đề xã hội, cải thiện một bước đáng kể đời sống nhân dân vùng biển và ven biển.
Nghị quyết của Đảng cũng khẳng định: Việt Nam hoàn toàn có đủ yếu tố để đến năm 2020 trở thành một quốc gia mạnh về biển, làm giàu từ biển, bảo vệ vững chắc chủ quyền và lợi ích quốc gia trên biển, đảo của Tổ quốc. Đồng thời, khẳng định rõ hướng chiến lược phát triển về biển trong những năm tới là: đẩy mạnh cuộc điều tra cơ bản và quản lý tài nguyên môi trường biển; hình thành một số lĩnh vực kinh tế gắn với trọng tâm hướng ra biển làm động lực; tăng cường khả năng quốc phòng – an ninh trên biển, tìm kiếm - cứu hộ - cứu nạn. Từ góc độ ngoại giao – pháp lý, việc chủ động nâng cao năng lực quản lý và khai thác biển, tăng cường hợp tác quốc tế trên biển làm một biện pháp quan trọng, giúp đẩy mạnh công tác nghiên cứu, khoa học, công nghệ, xây dựng, phát triển kinh tế biển phục vụ đắc lực công cuộc đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá Tổ quốc XHCN trong tình hình mới. Các hoạt động trên biển chỉ thực sự đem lại hiệu quả khi được triển khai trên một môi trường hoà bình, ổn định, bảo đảm an ninh, trật tự cũng như chủ quyền và lợi ích quốc gia trên biển, phù hợp với luật pháp và tập quán quốc tế.
Mở chuyên mục “BIỂN ĐẢO VIỆT NAM”, báo QĐND Điện tử kỳ vọng cùng các bộ, ban, ngành, địa phương… tiếp tục quán triệt và thực hiện tốt Nghị quyết Đại hội Đảng X, Nghị quyết Trung ương 4 (khóa X), biến Nghị quyết thành hiện thực trong cuộc sống. |
Biển đảo – nơi chứa đựng nguồn tài nguyên khoáng sản phong phú, vô cùng quan trọng đối với nước ta trong quá trình đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá, hội nhập nền kinh tế thế giới. Biển đảo quê hương là chốn thiêng liêng, nơi đổ biết bao mồ hôi và máu của các thế hệ ông cha nhằm gìn giữ “biển bạc” cho thế hệ cháu con. Bảo vệ vững chắc chủ quyền vùng biển, hải đảo và thềm lục địa là nhiệm vụ hết sức khó khăn, nặng nề nhưng rất vinh quang của toàn quân, toàn dân ta (trong đó bộ đội Hải quân làm nòng cốt).
Chuyên mục BIỂN ĐẢO VIỆT NAM mong nhận được nhiều bài viết, ảnh.. của bạn đọc gần xa với những nội dung đa dạng, trên tất cả các lĩnh vực liên quan đến biển đảo Việt Nam. |