QĐND - Việt Nam là một quốc gia đa dân tộc với những đặc điểm riêng mà nhiều quốc gia khác không có. Hiện nay, cả nước có 54 dân tộc anh em. Dân số giữa các dân tộc rất khác nhau, có dân tộc số dân trên một triệu người như Tày, Thái... nhưng cũng có dân tộc chỉ có vài trăm người như Pu-Péo, Rơ-măm, Brâu... trong đó, dân tộc Kinh là dân tộc đa số, chiếm tỷ lệ lớn nhất trong dân cư. Các dân tộc Việt Nam cư trú phân tán và xen kẽ nhau. Địa bàn sinh sống của các dân tộc thiểu số thường ở vùng sâu, vùng xa, vùng cao, địa bàn chiếm tới ¾ diện tích quốc gia. Khác với nhiều quốc gia đa dân tộc, các dân tộc thiểu số Việt Nam không có khu vực lãnh thổ riêng, sống xen kẽ với nhau. Trình độ phát triển về kinh tế-xã hội của các dân tộc thiểu số thường thấp hơn, khó khăn hơn so với dân tộc Kinh. Đây là một vấn đề do địa bàn cư trú và do lịch sử để lại.
Đặc điểm lớn nhất về chính trị, xã hội của các dân tộc Việt Nam nói chung, của đồng bào các dân tộc thiểu số nói riêng ở nước ta đó là truyền thống đoàn kết và lòng yêu nước nồng nàn trong đấu tranh dựng nước và giữ nước. Dường như trong văn học dân gian, dân tộc nào cũng có truyền thuyết về nguồn gốc chung của các dân tộc sống trên lãnh thổ Việt Nam hiện nay. Người Kinh có chuyện “Mẹ Âu Cơ đẻ ra trăm trứng…”, người Mường có chuyện “Quả bầu mẹ”. Nhiều chuyện dân gian của đồng bào Ba-na, Ê-đê kể rằng người Kinh, người dân tộc thiểu số đều là anh em một nhà.
Trong sự nghiệp đấu tranh bảo vệ Tổ quốc, các dân tộc cùng sánh vai bên nhau chiến đấu bảo vệ đất nước. Hầu hết các căn cứ địa cách mạng của chúng ta từ trước Cách mạng tháng Tám, trong kháng chiến chống thực dân Pháp đến kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược đều đặt ở những vùng đồng bào các dân tộc thiểu số sinh sống.
Các thế lực đế quốc, xâm lược Việt Nam luôn xem việc chia rẽ, phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc ta là chiến lược cơ bản của chúng. Thực dân Pháp đã từng chia cắt nước ta thành 3 miền (Bắc Kỳ, Trung Kỳ và Nam Kỳ) với những chính sách khác nhau trên các lĩnh vực chính trị, xã hội và cả kinh tế nhằm tạo ra sự khác biệt cơ bản giữa 3 miền để chia cắt vĩnh viễn nước ta. Đế quốc Mỹ và tay sai cũng đã từng thực hiện chiến lược chia cắt lâu dài hai miền Nam, Bắc hòng tiến đến xóa bỏ chế độ xã hội XHCN và Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, nay là Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam. Tuy nhiên, các thế lực thực dân xâm lược chưa bao giờ thực hiện được lát cắt dân tộc, dựa trên sự khác biệt giữa các dân tộc thiểu số với dân tộc Kinh để chia cắt đất nước ta thành những quốc gia tự trị. Những đòi hỏi thành lập nhà nước tự trị, như Nhà nước Đề Ga, Nhà nước Mông, Nhà nước Khmer Krom trong những năm qua thật ra chỉ là một thủ đoạn trong chiến lược “Diễn biến hòa bình”, gây bạo loạn của các thế lực chống Cộng trong và ngoài nước nhằm đi đến xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, xóa bỏ Nhà nước CHXHCN Việt Nam mà thôi. Sự tồn tại một nhà nước tự trị trong lòng nước Việt Nam là điều chưa bao giờ tồn tại trong lịch sử.
 |
Ảnh minh họa: internet |
Có thể nói, một trong những thủ đoạn chiến lược của Chủ nghĩa đế quốc dẫn đến làm tan rã Liên Xô, sụp đổ chế độ XHCN ở Đông Âu là chúng đã sử dụng thành công con bài dùng các lực lượng cực đoan trong các dân tộc đòi quyền dân tộc tự quyết. Thực tế cho thấy, chủ nghĩa đế quốc không chỉ áp dụng kinh nghiệm này đối với Việt Nam mà còn đối với nhiều quốc gia trên thế giới, như Trung Quốc trong vấn đề Tây Tạng, Nam Tư trong vấn đề Cô-xô-vô...
Trong nhiều năm qua, đối với Việt Nam, chủ nghĩa đế quốc, các thế lực tay sai trong và ngoài nước đã phối hợp với nhau tìm cách xuyên tạc, vu cáo Việt Nam thực hiện chính sách “xua đuổi, cướp đất” của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên; không cho đồng bào Mông được thực hiện tín ngưỡng, tôn giáo của mình; kỳ thị, phân biết đối xử đối với đồng bào Khmer Krom, Chăm… Chúng kích động các phần tử cực đoan trong đồng bào dân tộc thiểu số, đưa ra những đòi hỏi phi lý, trái với chính sách, pháp luật, chia rẽ dân tộc Kinh với các dân tộc anh em, nhằm phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc của chúng ta. Những sự kiện bạo loạn ở Tây Nguyên năm 2001, tụ tập đông người ở Mường Nhé (Điện Biên) năm 2011 vừa qua là những ví dụ.
Gần đây cái gọi là “Ủy ban bảo vệ quyền làm người Việt Nam” thật ra chỉ là tập hợp những kẻ hành nghề chống Cộng ở nước ngoài do Võ Văn Ái cầm đầu đã trắng trợn xuyên tạc, vu khống Việt Nam ở Hội nghị đối thoại giữa Ủy ban Công ước chống phân biệt chủng tộc với Đoàn đại biểu Việt Nam tại Giơ-ne-vơ (Thụy Sỹ) vào các ngày 21, 22-2 vừa qua. Võ Văn Ái nói rằng: Chính phủ Việt Nam đã vi phạm các quyền cơ bản và phân biệt đối xử đối với các dân tộc thiểu số: Ở Việt Nam đã diễn ra “sự chênh lệch rộng lớn (về kinh tế, xã hội) giữa đa số người Kinh và các dân tộc ít người là “cực kỳ báo động”; “Những chương trình của chính phủ nhằm xóa đói giảm nghèo “lắm khi bao gồm cả những chiến dịch trừ tiệt văn hóa, cuộc sống truyền thống, tín ngưỡng và tập tục của các dân tộc ít người, đưa tới hậu quả gạt bỏ họ sang bên lề xã hội”…
Chính sách, pháp luật nhất quán của Đảng và Nhà nước ta đối với các dân tộc là: Đoàn kết, bình đẳng, thương yêu, tôn trọng giúp đỡ lẫn nhau giữa các dân tộc. Hiến pháp năm 1992, quy định: “Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là Nhà nước thống nhất của các dân tộc cùng sinh sống trên đất nước Việt Nam. Nhà nước thực hiện chính sách bình đẳng, đoàn kết, tương trợ giữa các dân tộc, nghiêm cấm mọi hành vi kỳ thị, chia rẽ dân tộc. Các dân tộc có quyền dùng tiếng nói, chữ viết, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc và phát huy những phong tục tập quán truyền thống và văn hóa tốt đẹp của mình”.
Báo cáo Chính trị tại Đại hội XI của Đảng một lần nữa khẳng định: “Các dân tộc trong đại gia đình Việt Nam bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng, giúp đỡ lẫn nhau cùng tiến bộ, thực hiện thắng lợi sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”[1].
Thực hiện Đường lối của Đảng, Chính sách của Nhà nước, nhiều Chương trình mục tiêu quốc gia lớn, dành ưu tiên cho vùng đồng bào các dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa được triển khai và đã đem lại thành quả to lớn. Chương trình 134 hỗ trợ đất sản xuất, nhà ở; Chương trình 135 phát triển kinh tế-xã hội các xã đặc biệt khó khăn, giúp đỡ đồng bào dân tộc ở vùng sâu, vùng xa; Nghị quyết 30a thực hiện giảm nghèo nhanh, bền vững cho 62 huyện nghèo trong toàn quốc, chủ yếu vẫn thuộc vùng đồng bào các dân tộc thiểu số là những ví dụ.
Chỉ tính riêng Chương trình 135, sau 12 năm thực hiện (1999 - 2010), chương trình đã góp phần làm thay đổi diện mạo nông thôn miền núi, nhất là cơ sở hạ tầng thiết yếu. Theo báo cáo của Ủy ban Dân tộc, thực hiện Chương trình này giai đoạn 2 (2006-2010), được triển khai tại 1.848 xã thuộc 50 tỉnh, ngân sách Trung ương đầu tư lên tới 15.000 tỷ đồng, trong đó các tổ chức quốc tế hỗ trợ 350 triệu đô-la. Từ nguồn vốn trên, Chương trình đã xây dựng được gần 13.000 công trình hạ tầng thiết yếu như điện, đường, trường, trạm; hỗ trợ phát triển sản xuất cho 2,2 triệu hộ; đào tạo tập huấn nâng cao năng lực cho trên 460.000 cán bộ xã, thôn bản và hỗ trợ kinh phí cho gần 930.000 lượt học sinh con em các hộ nghèo... giảm tỷ lệ nghèo các xã, thôn bản đặc biệt khó khăn từ 47,5% năm 2006 xuống còn 28,8% năm 2010.
Hệ thống y tế, giáo dục Quốc gia đã được thiết lập tới các xã. 100% số xã ở miền núi và vùng dân tộc thiểu số đã có trạm y tế, trường tiểu học. Mô hình “y tế quân - dân y” với ba hình thức: Khám bệnh, cấp thuốc cho người nghèo tại khu vực đóng quân; hỗ trợ trạm y tế xã thuốc, dụng cụ y tế và tổ chức các đợt hành quân về cội nguồn, căn cứ kháng chiến cũ để khám chữa bệnh cho người dân, bắt nguồn từ thực tiễn sinh hoạt của lực lượng Bộ đội Biên phòng ở các vùng đồng bào dân tộc thiểu số đến nay đã được hơn 20 năm (1990-2012) và đã thu được những kết quả thiết thực.
Trên lĩnh vực giáo dục, Chính phủ đã ban hành quy định việc dạy học tiếng nói, chữ viết của dân tộc thiểu số trong các cơ sở giáo dục phổ thông và trung tâm giáo dục thường xuyên. Cho đến năm học 2010-2011, việc dạy tiếng dân tộc thiểu số được triển khai ở gần 7.010 trường. Hiện nay, Việt Nam đang nghiên cứu thực hành giáo dục song ngữ trên cơ sở tiếng mẹ đẻ được Bộ Giáo dục và Đào tạo thực hiện, có sự hợp tác của Quỹ Nhi đồng LHQ (UNICEF). Đặc biệt, Nhà nước đã xây dựng hệ thống trường dân tộc nội trú. Hiện có 50 trường tỉnh, gần 300 trường huyện với hàng vạn con em đồng bào dân tộc thiểu số được Nhà nước nuôi, dạy hoàn toàn miễn phí. Có thể nói, đây là một cố gắng lớn đối với một quốc gia còn nghèo, là một chính sách hiếm có trên thế giới.
Cho đến nay, mạng lưới điện và dịch vụ bưu chính-viễn thông đã đến 100% số huyện và 95% số xã. Các chương trình phát thanh, đã phủ sóng trên 90% và truyền hình đã phủ sóng gần 80% lãnh thổ quốc gia. Đài Truyền hình và phát thanh Trung ương và nhiều đài địa phương đã có chương trình phát bằng tiếng dân tộc thiểu số.
Bản sắc văn hóa Việt Nam, bao gồm văn hóa của các dân tộc thiểu số được Đảng, Nhà nước có chính sách giữ gìn tôn tạo và phát triển. Có thể nói, sức hấp dẫn, niềm tự hào của người Việt Nam là đã có một nền văn hóa Quốc gia đa dạng, phát triển rực rỡ, bao gồm văn hóa của các dân tộc thiểu số.
Không phủ nhận rằng, cuộc sống của đồng bào các dân tộc thiểu số còn thiếu thốn; trình độ phát triển về kinh tế-xã hội của nhân dân ở vùng sâu, vùng xa, vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Tình trạng này bắt nguồn từ những nguyên nhân lịch sử, xã hội và điều kiện tự nhiên. Nhiều dân tộc cư trú trên địa bàn có điều kiện địa lý hết sức khắc nghiệt, thiếu nước sinh hoạt và sản xuất, giá rét, cư trú tản mát, địa bàn rộng lớn, thiếu đường giao thông, cùng với cuộc sống du canh, du cư vẫn còn tồn tại… giải quyết những khó khăn này không thể trong một sớm, một chiều.
Đường lối, chính sách nhất quán của Đảng và Nhà nước ta luôn luôn xem vấn đề dân tộc, đoàn kết dân tộc vừa là mục tiêu, vừa là động lực trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Đối với Đảng, Nhà nước và Quân đội ta chăm lo đến mọi mặt đời sống của đồng bào các dân tộc thiểu số không chỉ là trách nhiệm, nghĩa vụ, mà còn là tri ân đối với đồng bào đã từng cưu mang, giúp đỡ cách mạng trong những thời kỳ khó khăn.
Cho dù các thế lực thù địch ra sức xuyên tạc, bôi nhọ đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước ta, song nhất định chúng không thể phá hoại được khối đại đoàn kết các dân tộc Việt Nam.
Thành tựu to lớn trong việc chăm lo, bảo đảm quyền của các dân tộc thiểu số của Đảng và Nhà nước ta là không thể phủ nhận được.
PHƯƠNG NHI
[1] - Báo cáo Chính trị Đại hội XI Nxb CTQG.HN, 2011, Tr 51.