Từ cuối năm 1989 đến cuối năm 1991 là một khoảnh khắc thời gian so với dòng chảy lịch sử của loài người, nhưng không gian lịch sử ngắn ngủi ấy đã để lại cho nhân loại một dấu ấn sâu sắc: Mô hình chủ nghĩa xã hội được xây dựng gần nửa thế kỷ ở một số nước Đông Âu và hơn 70 năm ở Liên Xô bỗng bất ngờ bị sụp đổ. 

Nguyên nhân sự biến động to lớn của Liên Xô và Đông Âu một phần do những sai lầm về phương châm, chính sách trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế... của các nước này, nhưng quan trọng hơn là có sự hỗ trợ của “diễn biến hòa bình” được các thế lực thù địch tiến hành từ những năm 50. Sự sụp đổ của Liên Xô và các nước XHCN ở Đông Âu trước âm mưu “không cần đánh mà vẫn thắng” của các thế lực thù địch.

Thực hiện “diễn biến hòa bình”, các thế lực thù địch chống phá các nước xã hội chủ nghĩa toàn diện trên tất cả các lĩnh vực: chính trị, tư tưởng, kinh tế, văn hóa, xã hội với rất nhiều thủ đoạn, trong đó chúng dùng các phương tiện thông tin để “tiến công tâm lý” làm sụp đổ lòng tin. Một số nhà lý luận tư sản đã từng nói: “Ai không tin rằng áp lực tinh thần và áp lực tuyên truyền mang lại hiệu quả là người không biết gì”. “Tăng cường công việc của đài phát thanh” để nó “vượt qua biên giới và biển cả”, vượt qua “màn sắt và tường đá”, để “cạnh tranh sống mái với chủ nghĩa cộng sản”; hoặc “Chi một đô-la cho tuyên truyền bằng chi 5 đô-la cho quốc phòng”; “Phải làm cho tin tức phương Tây xuyên qua dãy chướng ngại của chủ nghĩa cực quyền”… Đặc biệt, trong một văn kiện có tính chất quốc gia, họ đã xác định: “Phát thanh là công cụ quý báu của chính sách đối ngoại. Cần nhận thức lại, phát thanh, điện đài có một tác dụng chiến lược mới…, một hình thức để lật đổ chế độ xã hội chủ nghĩa”. Từ những tuyên bố trên cho thấy các thế lực thù địch rất coi trọng việc sử dụng các phương tiện thông tin để chống phá chế độ xã hội chủ nghĩa: từ việc giới thiệu lối sống và quan niệm giá trị của phương Tây…, đến chống phá bằng các luận điệu xuyên tạc, vu khống hèn hạ.

Với Việt Nam, từ khi Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo công cuộc đổi mới đất nước, các thế lực thù địch tăng cường nhiều thủ đoạn hoạt động chống phá, ráo riết thực hiện âm mưu “diễn biến hòa bình” hòng chuyển đổi xã hội ta sang chế độ tư bản chủ nghĩa. Chúng triệt để tận dụng sức mạnh các phương tiện truyền thông hiện đại để truyền bá các quan điểm thù địch, sai trái; xuyên tạc, phủ nhận hệ giá trị tư tưởng Mác – Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh và những chuẩn mực giá trị của chủ nghĩa xã hội. Chúng chĩa mũi nhọn thâm độc vào chống phá sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, chia rẽ nội bộ Đảng và chia rẽ Đảng với nhân dân. Cùng với việc phát tán tài liệu, ấn phẩm phản động từ nước ngoài gửi về, chúng còn trực tiếp tiến công vào báo chí cách mạng, vào những nhà báo cách mạng với chiêu bài “tự do ngôn luận”, “tự do báo chí”. Chúng vu cáo Đảng và Nhà nước ta vi phạm quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, hòng làm cho báo chí tách rời sự lãnh đạo của Đảng, làm cho các nhà báo mất phương hướng chính trị, mất sức chiến đấu trong hoạt động báo chí. Chúng cổ súy, tạo điều kiện thuận lợi cho các phần tử cơ hội, bất mãn ở trong nước viết sách, báo... tuyên truyền cho các quan điểm sai trái về “tự do”, “dân chủ”, “nhân quyền” theo quan điểm của chúng. Đòn tiến công này thật sự nguy hiểm đối với sự nghiệp cách mạng và đối với sự nghiệp phát triển báo chí của nước ta.

Báo chí là một hoạt động chính trị xã hội phục vụ cho mục đích, quyền lợi của Đảng và của nhân dân, do vậy báo chí phải là công cụ sắc bén của Đảng trong đấu tranh chống “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch. Nhận thức đầy đủ tính chất nguy hại của âm mưu “diễn biến hòa bình” và vai trò của các phương tiện thông tin đại chúng, những năm qua, báo chí nước ta đã có nhiều đóng góp tích cực vào nhiệm vụ đấu tranh chống “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch.

Đấu tranh chống âm mưu “diễn biến hòa bình” là một cuộc đấu tranh gay go, phức tạp. Trong cuộc đấu tranh này, các cơ quan báo chí, những người làm báo không chỉ đấu tranh phản bác những luận điệu xuyên tạc, bóp méo, vu cáo, bịa đặt của địch, mà điều quan trọng là chứng minh tính đúng đắn của đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước ta; khẳng định những giá trị ưu việt của chủ nghĩa xã hội; xây dựng cách nhìn, quan điểm đúng đắn cho đông đảo quần chúng, đặc biệt là đội ngũ cán bộ, đảng viên, bởi vì đây là đối tượng quan trọng hàng đầu của âm mưu “diễn biến hòa bình”. Có thể khẳng định những đóng góp của báo chí là rất to lớn: Bên cạnh việc phản bác những lời vu cáo, chỉ trích của các thế lực chống đối, cơ hội chính trị, báo chí đã chủ động tiến công ngay vào các khuyết tật của xã hội tư bản; trình bày quan điểm chính diện của Đảng, Nhà nước một cách có hệ thống trên các vấn đề lớn như: Tự do, dân chủ, nhân quyền, quyền sở hữu, kinh tế nhiều thành phần và định hướng xã hội chủ nghĩa... Báo chí là kênh thông tin đa dạng, nhiều chiều với phạm vi thông tin rộng, lượng thông tin lớn và kịp thời, đã trở thành công cụ đắc lực đấu tranh làm thất bại âm mưu “diễn biến hòa bình”. Các chuyên mục, bài phân tích, bình luận về âm mưu “diễn biến hòa bình” trên báo chí, trong đó có nhiều bài chuyên luận, bình luận sâu sắc, đạt được độ sắc bén về cách nhìn và lập luận, thể hiện rõ tính chiến đấu của báo chí, thực sự góp phần quan trọng củng cố lòng tin của nhân dân đối với chế độ và sự lãnh đạo của Đảng; góp phần tạo ra cơ chế miễn dịch trong xã hội trước sự tiến công của kẻ thù . Đây là nhân tố quyết định làm thất bại âm mưu “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch.

Những thành tựu của báo chí thời gian qua đã thể hiện rõ ràng sinh động về quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí ở nước ta. Những luận điệu vu cáo Đảng và Nhà nước ta vi phạm quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí là những luận điệu vô căn cứ, nhằm dụng ý xấu.

Tuy nhiên, báo chí nước ta hiện nay vẫn còn nhiều vấn đề cần quan tâm. Trong báo cáo tại Hội nghị toàn quốc triển khai nhiệm vụ trọng tâm của các cơ quan báo chí năm 2010, ngày 5-5-2010 cũng nêu rõ: Một số cơ quan báo chí và nhà báo chưa thực hiện nghiêm túc Luật Báo chí, thông tin sai sự thật, thiếu chính xác... hoặc khai thác nhiều vấn đề tiêu cực, gây cảm giác nặng nề cho người đọc. Đây là những vấn đề dễ tạo nên bức xúc trong dư luận, đồng thời tạo kẽ hở để kẻ địch lợi dụng thực hiện âm mưu “diễn biến hòa bình”. Trong công cuộc đổi mới và mở cửa ngày nay, sự lãnh đạo của Đảng đối với báo chí càng trở nên quan trọng và cần thiết hơn bao giờ hết. Đồng thuận và thống nhất hơn nữa về mặt nhận thức vai trò của báo chí là biện pháp quan trọng nhất để giảm bớt những thiếu sót của báo chí và đấu tranh có hiệu quả với âm mưu thủ đoạn “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch.

Một vấn đề có tính quyết định hiệu quả trong đấu tranh với các luận điệu xuyên tạc, bóp méo, vu cáo, bịa đặt của địch là phải nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ làm công tác thông tin đại chúng, trong đó đặc biệt chú trọng đến các chiến sĩ xung kích trên mặt trận đấu tranh tư tưởng-lý luận. Đội ngũ những chiến sĩ xung kích cần có ý chí, lòng dũng cảm và đặc biệt là phải có tài trí với một nhân sinh quan cách mạng trong sáng. Tài trí thể hiện ở chỗ vạch trần được bản chất, thủ đoạn thâm độc của kẻ thù, nhưng không làm ảnh hưởng đến chính sách đối ngoại đa phương hóa, đa dạng hóa, mở cửa hội nhập của Đảng. Muốn vậy, đội ngũ xung kích phải thực sự có cái tâm trong sáng, thực sự vì nước, vì dân, vừa có bản lĩnh chính trị vững vàng, vừa có con mắt tinh tường để nhận biết rõ ràng đâu là đúng, là sai; đồng thời thường xuyên trau dồi kiến thức, nâng cao trình độ lý luận - chuyên môn, bồi dưỡng nghiệp vụ. Trước hết, mỗi nhà báo cần được trang bị đầy đủ, vững chắc lý luận chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước, đặc biệt là phải quán triệt sâu sắc các quan điểm của Đảng về hoạt động báo chí đã được đề ra trong Chỉ thị 22/CT-TƯ ngày 17-10-1997 của Bộ Chính trị.

Để giành thắng lợi trong cuộc đấu tranh chống “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch, báo chí phải tổ chức tốt công tác phòng ngừa, xây dựng cơ quan báo chí và đội ngũ những người làm báo có phẩm chất chính trị, đạo đức nghề nghiệp và tinh thông nghiệp vụ. Cần chủ động giáng trả mọi âm mưu phá hoại bất cứ từ đâu đến; đồng thời cần nhận rõ thủ đoạn các thế lực thù địch thường sử dụng các phương tiện thông tin để chống phá ta, đó là: Sử dụng tiếng nói và tiêu đề trên báo chí mang tính kích động; sử dụng nhiều lời bịa đặt; sử dụng ngôn ngữ mang tính dẫn dắt và tính ám thị; phối hợp quảng cáo, hình ảnh và tin tức trái ngược với đạo đức để đưa ra những tin tức mang tính chất chính trị; nguồn tin mơ hồ trong việc đưa tin về những sự kiện nhạy cảm và quan trọng; tung hỏa mù, đánh lừa dư luận… Việc nắm vững thủ đoạn chống phá của địch và chủ động tiến công sẽ là chìa khóa hóa giải và làm thất bại âm mưu “diễn biến hòa bình” của chúng.

Chống “diễn biến hòa bình” là công việc thường xuyên, vì vậy phải có lực lượng chuyên sâu. Điều này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với việc phân tích, lý giải có cơ sở khoa học, phản bác các quan điểm và lập luận sai trái. Bản lĩnh vững vàng, lòng nhiệt tình, ý thức trách nhiệm cao và nắm vững phương pháp đấu tranh sẽ tạo nên sức thuyết phục, tính chiến đấu và giá trị của tác phẩm báo chí. Do vậy, đào tạo, bồi dưỡng những cây bút chuyên sâu trong lĩnh vực đấu tranh tư tưởng-lý luận chống âm mưu “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch là việc làm cần thiết, vừa đáp ứng yêu cầu trước mắt vừa là nhiệm vụ chiến lược, lâu dài.

Phát huy truyền thống 85 năm Báo chí Cách mạng Việt Nam, dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, báo chí sẽ phấn đấu là lực lượng đi đầu trong việc vạch trần bộ mặt thật của kẻ thù; tích cực, chủ động trong việc định hướng nhận thức tư tưởng, góp phần tạo sự miễn dịch trước mọi thủ đoạn tiến công của địch, đấu tranh làm thất bại âm mưu “diễn biến hòa bình” của chúng, giữ vững ổn định xã hội, tạo khí thế hồ hởi, phấn khởi, đồng thuận trong toàn Đảng, toàn dân, toàn quân thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ trọng đại của đất nước.

Nguyễn Chí Dũng  
Tổng biên tập Tạp chí Khoa học Quân sự