QĐND - Vấn đề “xác định rõ thẩm quyền, trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy, chính quyền trong mối quan hệ với tập thể cấp ủy, cơ quan, đơn vị…” đã từng được nhấn mạnh trong nhiều Nghị quyết về xây dựng Đảng thời kỳ đổi mới, đặc biệt trong nhiệm kỳ khóa IX, khóa X với những Nghị quyết về đổi mới và nâng cao chất lượng hệ thống chính trị cơ sở, về tổ chức Đảng cơ sở và đẩy mạnh hoạt động giám sát, kiểm tra của Đảng, gắn với trách nhiệm của tổ chức Đảng, của tập thể cấp ủy, trước hết là người đứng đầu cấp ủy.

Tuy nhiên, tác dụng và hiệu quả của Nghị quyết chưa được như mong muốn, chưa đáp ứng được yêu cầu xây dựng Đảng TSVM nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng. Có nhiều nguyên nhân dẫn tới những hạn chế, yếu kém đó, mà chủ yếu thuộc về nguyên nhân chủ quan, thuộc về trách nhiệm của tổ chức Đảng, của cán bộ đảng viên, trước hết là trách nhiệm của các cơ quan lãnh đạo, các cấp ủy, đặc biệt là người đứng đầu cấp ủy. Việc tổ chức thực hiện nghị quyết không được tiến hành chu đáo, không thường xuyên và không đồng đều ở các cấp, các địa phương. Công tác giám sát kiểm tra, kỷ luật Đảng chưa thực sự được coi trọng, chậm xây dựng và thực hiện cơ chế tạo điều kiện để quần chúng nhân dân tham gia xây dựng Đảng. Đó chính là những nguyên nhân giải thích vì sao tình hình xây dựng và chỉnh đốn Đảng cho đến nay vẫn còn nhiều hạn chế, yếu kém.

Thiếu vắng chế độ trách nhiệm, không xác định rõ cơ chế trách nhiệm, mối quan hệ giữa tập thể và cá nhân, khi sai sót, khuyết điểm không ai chịu trách nhiệm là một trong những hạn chế, yếu kém nổi bật. Điều này cho thấy, nguyên tắc “tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách” trên thực tế ở nhiều nơi rơi vào hình thức.

Cũng như vậy, tập trung dân chủ hay dân chủ tập trung như Bác Hồ từng nói, là nguyên tắc nền tảng trong tổ chức và hoạt động của Đảng. Đây là nguyên tắc cốt tử về tổ chức và hoạt động của Đảng Cộng sản, đảm bảo cho Đảng là một tổ chức chính trị tiên phong, có sự thống nhất ý chí và hành động dựa trên kỷ luật tự giác của một Đảng hành động, Đảng chiến đấu, muôn người như một người. Trên thực tế, nguyên tắc này cũng không được thực hiện đúng đắn, nghiêm túc. Không ít tổ chức cơ sở Đảng, trong sinh hoạt Đảng đã không đảm bảo tốt mối quan hệ giữa dân chủ và tập trung, giữa tập trung và dân chủ, trong nhiều trường hợp, dân chủ trở thành hình thức, thậm chí bị vi phạm, tập trung vừa bị buông lỏng mà cũng vừa bị lạm dụng, nhất là trong xử lý các mối quan hệ, các tình huống cụ thể trong nội bộ tổ chức Đảng.

Tự phê bình và phê bình là một nguyên tắc của Đảng, cùng với các nguyên tắc khác, được ghi rõ trong điều lệ Đảng với vai trò và ý nghĩa của một đạo luật trong Đảng, mọi tổ chức Đảng, mọi đảng viên đều phải thực hiện, chấp hành, không có bất cứ một ngoại lệ nào. Quy định này không chỉ có ý nghĩa về mặt pháp lý chính trị đối với Đảng và cán bộ đảng viên mà còn thể hiện tính tự giác, trình độ văn hóa đạo đức của cán bộ đảng viên. Tự phê bình và phê bình là quy luật phát triển của Đảng, đảm bảo cho Đảng có sức sống, có sức chiến đấu, phải vận dụng thực hành thường xuyên trong sự tu dưỡng của mỗi người, trong xây dựng Đảng TSVM của từng tổ chức Đảng.

Trên thực tế, nguyên tắc này cũng bị xem nhẹ ở không ít tổ chức Đảng các cấp. Sinh hoạt đảng ở nhiều chi bộ không có nội dung cụ thể, chưa thực sự thể hiện đặc trưng và đặc thù của sinh hoạt chính trị, sinh hoạt tư tưởng, thực sự là môi trường rèn luyện ý thức và bản lĩnh đảng viên, là nơi thực hành trực tiếp văn hóa Đảng. Song, điều đáng phải suy nghĩ là tại sao, trong những tổng kết công tác Đảng cuối năm và cuối nhiệm kỳ, chúng ta vẫn thấy một tỷ lệ rất cao đảng viên đủ tư cách, hoàn thành tốt nhiệm vụ, còn tổ chức đảng TSVM cũng chiếm tỷ lệ cao tương ứng, qua các báo cáo của chi bộ, đảng bộ gửi lên cấp trên. Lại một thực tế nữa làm cho những cán bộ đảng viên tâm huyết, có trách nhiệm với Đảng không khỏi dằn vặt, xót xa, là vì sao, một phần lớn các vụ việc tiêu cực, bê bối, nhất là tham nhũng liên quan trực tiếp tới cán bộ đảng viên là do quần chúng tố giác, báo chí và dư luận xã hội phê phán chứ không phải do chính tổ chức Đảng, cơ quan, đơn vị trực tiếp phát hiện và chủ động giải quyết, xử lý. Tình hình đó nói lên điều gì, nếu không phải là sinh hoạt đảng còn nặng tính hình thức, bệnh thành tích còn khá phổ biến dẫn tới che giấu khuyết điểm, xuê xoa cả nể trong đấu tranh phê bình, công tác giám sát, kiểm tra, kỷ luật trong Đảng chưa thực sự được coi trọng, đề cao. Đó cũng là sự yếu kém về trách nhiệm và thực hiện chế độ trách nhiệm của từng tổ chức Đảng, của mỗi đảng viên, của cán bộ lãnh đạo, quản lý. Tình trạng khi sai sót, khuyết điểm không ai chịu trách nhiệm như Đảng đã nêu trong Nghị quyết là hệ quả trực tiếp của lối phê bình không có địa chỉ. Đã từng tồn tại dai dẳng một tâm lý, một thế ứng xử “khuyết điểm, thiếu sót của chúng ta”, dựa dẫm vào tập thể để thoái thác, lảng tránh trách nhiệm của cá nhân, của từng người. “Cái chúng ta” được dùng làm bình phong che giấu cho “cái tôi” cá nhân chủ nghĩa, vị kỷ một cách tinh vi, thành một thói xấu, dửng dưng đứng ngoài cuộc, thậm chí vô cảm, không quan tâm gì hết tới công việc chung, chỉ vì mình chứ không vì người, vì tổ chức, vì sự nghiệp chung của Đảng, của dân. Ngay trong đấu tranh phê bình, lẽ ra phải bắt đầu từ tự phê bình trung thực và nghiêm khắc đến phê bình thấu tình đạt lý, công tâm khách quan, có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau trong ứng xử với mình và với người thì trên thực tế cũng có không ít những biến tướng lệch lạc, những biểu hiện tiêu cực, hết sức xa lạ với tính Đảng. Hoặc dĩ hòa vi quý, “im lặng là vàng” hoặc núp dưới danh nghĩa đấu tranh phê bình để thực hiện một động cơ cá nhân khuất tất, mờ ám, kèn cựa đấu đá, gây mất đoàn kết, đề cao cá nhân mình. Những biểu hiện ấy thường thấy ở những nơi mà tổ chức Đảng, cấp ủy yếu kém, mất đoàn kết, hoặc do năng lực và phẩm chất hoặc do thiếu trách nhiệm, vô trách nhiệm, buông lỏng vai trò lãnh đạo, xem nhẹ công tác giáo dục đảng viên cũng như công tác xây dựng tổ chức Đảng. Bởi thế, trong xây dựng Đảng hiện nay, phải đặc biệt gắn chặt giáo dục tư tưởng chính trị với giáo dục và thực hành đạo đức, nhất là khi toàn Đảng đang tiếp tục đẩy mạnh cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, đồng thời xác định rõ ràng thẩm quyền, trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền trong mối quan hệ với tập thể cấp ủy, cơ quan, đơn vị, tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng.

Sinh thời, Bác đã nhiều lần nhấn mạnh vấn đề này, giải thích rõ ràng, rành mạch về nguyên tắc Đảng, về vai trò của tổ chức và trách nhiệm của từng cá nhân, nhuần nhuyễn lý luận với thực tiễn và nêu gương thực hành cho chúng ta noi theo. Nay phải trở lại những lời dạy của Bác, thực hành theo gương của Bác, thường xuyên và nghiêm túc.

Người nói rõ, tập thể lãnh đạo là dân chủ. Cá nhân phụ trách là tập trung. Kết hợp tập thể lãnh đạo với cá nhân phụ trách là dân chủ tập trung. Phải phân công cụ thể, sắp đặt việc và người cho hợp lý, dùng người phải cho đúng và cho khéo, phải tăng cường tổng kết việc, kiểm điểm người để rút kinh nghiệm. Phải coi trọng kiểm tra, đôn đốc. Lãnh đạo mà không kiểm tra thì coi như không có lãnh đạo. Bác đặc biệt chú trọng phương châm xây đi liền với chống, muốn xây dựng cái tiến bộ, tốt đẹp phải chống và kiên quyết chống cái xấu xa, hư hỏng, lỗi thời. Vào cuối đời, Người vẫn canh cánh bên lòng một việc hệ trọng, muốn trau dồi, xây dựng đạo đức cách mạng phải kiên quyết quét sạch chủ nghĩa cá nhân. Nhà muốn sạch phải quét hết rác rưởi đi.

Trong việc này, đảng viên, cán bộ phải gương mẫu, mỗi đảng viên phải nêu gương và đề cao trách nhiệm. Cán bộ lãnh đạo, quản lý càng phải chú trọng đức tính gương mẫu, hy sinh, càng phải nhận về mình trách nhiệm to lớn, nặng nề hơn. Có như vậy, đảng viên mới tốt, chi bộ mới mạnh, toàn Đảng sẽ vững mạnh. Có như vậy, dân mới tin, mới phục, mới thương yêu và noi theo. Từng đảng viên, từng cán bộ, từng tổ chức Đảng như vậy thì Đảng mới xứng đáng là đạo đức, là văn minh.

Hơn lúc nào hết, vào lúc này và trước tình hình cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay, chúng ta cần phải thấm nhuần và thực hành mười hai điều xây dựng Đảng cách mạng chân chính mà Hồ Chí Minh đã viết trong tác phẩm nổi tiếng, từ năm 1947, “Sửa đổi lối làm việc”. Hãy ghi nhớ và thực hành lời khuyên của Người, thật giản dị, thật thấm thía
“Muốn cho Đảng thật vững bền. Mười hai điều ấy chớ quên điều nào”.

Trong mười hai điều ấy, Người nhấn mạnh rằng, Đảng là một tổ chức cách mạng, vào Đảng là để phấn đấu hy sinh cho cách mạng, cho Đảng, cho dân chứ không phải để tìm kiếm lợi ích riêng tư, danh vọng, địa vị. Đảng không phải là một tổ chức để làm quan phát tài. Động cơ mục đích là như vậy nên mỗi đảng viên, cán bộ phải nêu cao lòng trung thành, đức hy sinh, tự giác thực hiện bổn phận, nghĩa vụ, trách nhiệm, làm cho Tổ quốc được độc lập, tự do, đồng bào được sung sướng, hạnh phúc.

Vấn đề xác định rõ thẩm quyền và trách nhiệm của cán bộ đảng viên, nhất là người đứng đầu cấp ủy, chính quyền trong mối quan hệ với tập thể cấp ủy, cơ quan, đơn vị, liên quan không chỉ tới nhận thức về chức năng, nhiệm vụ của tổ chức, quan hệ giữa cá nhân với tập thể có tính lý luận và lý trí mà còn là đạo đức, phẩm giá trong động cơ, trong hành động, trong ứng xử. Trọng tổ chức, đoàn thể thì phải trọng nhân cách con người, trọng danh dự chung của tập thể, đồng thời phải có lòng tự trọng chính mình. Có như vậy, đảng viên, cán bộ mới hoàn toàn tự nguyện tự giác, công tâm trong sáng vì việc Đảng, việc dân.

Kém hiểu biết nên hiểu sai và làm sai thì có thể sửa bằng việc học, khiêm tốn, cầu thị học hỏi để làm tốt hơn. Điều đó cũng không dễ, nếu không có chí tiến thủ, cầu tiến bộ để làm tốt trách nhiệm được giao. Phức tạp, khó khăn, nan giải hơn nhiều, ở những người có hiểu biết, biết thế nào là đúng, là phải nhưng vẫn không làm, vẫn cố ý làm sai, làm trái. Ở đây phải chữa từ động cơ, từ đạo đức, bằng tác động, giúp đỡ của tập thể và nếu cần thiết, phải bằng sức mạnh của tổ chức, bằng những xử lý nghiêm khắc của kỷ luật Đảng mà Bác Hồ gọi là kỷ luật sắt, bằng sự tôn nghiêm của thể chế - luật Đảng (điều lệ) và luật nước (pháp luật, pháp chế, pháp quyền).

Cần phải nhận thức rõ mối quan hệ giữa thẩm quyền và trách nhiệm trong mỗi cương vị, ở mỗi người, với nhiệm vụ được giao phó, đảm trách cũng như phân biệt thẩm quyền, trách nhiệm giữa người đứng đầu cấp ủy với người đứng đầu chính quyền trong quan hệ với tập thể cấp ủy, cơ quan, đơn vị. Điều này là mấu chốt của sự phân định đặc trưng lãnh đạo của Đảng và tổ chức Đảng với đặc trưng quản lý của Nhà nước và cơ quan nhà nước. Việc tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đòi hỏi phải giải quyết tốt những sự phân định, những quan hệ phân công, phối hợp giữa các thiết chế tổ chức, giữa cá nhân và tập thể trong hoạt động lãnh đạo và trong điều hành quản lý. Chìa khóa để giải quyết vấn đề vẫn là Dân chủ - Kỷ cương – Luật pháp, là khoa học – đạo đức và văn hóa trong chính trị và thực hiện các nhiệm vụ chính trị. Mục tiêu, phương châm và các nhóm giải pháp lớn, bao gồm một hệ thống các biện pháp cụ thể nhằm thực hiện các vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay đã được xác định trong Nghị quyết Trung ương 4, khóa XI vừa qua thể hiện rất rõ những định hướng đó.

Thẩm quyền gắn liền với trách nhiệm (nghĩa vụ, bổn phận). Nếu tách rời giữa thẩm quyền với trách nhiệm cũng như lẫn lộn, chồng chéo giữa thẩm quyền, trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy với người đứng đầu cấp chính quyền, giữa cá nhân với tập thể cấp ủy, cơ quan, đơn vị thì sẽ tự tạo ra cản trở việc thực hiện đúng thẩm quyền, sẽ dẫn tới làm sai, làm trái thẩm quyền và tình trạng thoái thác trách nhiệm, không xử lý khuyết điểm, thiếu sót, sai lầm theo đúng chế độ trách nhiệm. Hậu quả là làm yếu tổ chức và làm hỏng cán bộ.

Một lẽ hiển nhiên phải được chú trọng thực hiện: Quyền nào trách nhiệm ấy. Nó phải tương thích với nhau. Thẩm quyền càng cao trách nhiệm phải càng lớn. Người đứng đầu cấp ủy, chính quyền phải là người thực sự đứng mũi chịu sào, phải có và nhận trách nhiệm cao nhất về việc thực hiện thẩm quyền, phải chịu trách nhiệm cao nhất về những gì xảy ra trong tổ chức, ở cơ quan, đơn vị, địa phương mà mình phụ trách. Điều này, nhiều Nghị quyết Đảng đã nhấn mạnh nhưng chưa được thực hiện nghiêm minh từ trên xuống dưới.
Thẩm quyền của người đứng đầu cấp ủy là lãnh đạo, là cùng với tập thể cấp ủy thực hiện sự lãnh đạo chính trị của Đảng theo đường lối, chủ trương, nghị quyết, quyết sách của Đảng. Sự lãnh đạo chính trị ấy là toàn diện, các mặt, đảm bảo đúng quan điểm, nguyên tắc, phương hướng chính trị, tăng cường lãnh đạo tổ chức thực hiện đường lối, nghị quyết, gắn với kiểm tra, giám sát, với giáo dục, tuyên truyền vận động. Trong khi đó, thẩm quyền của người đứng đầu chính quyền là thể chế hóa để đường lối, nghị quyết của Đảng được thực hiện trong cuộc sống, là quản lý bằng pháp luật, cơ chế, chính sách để thực hiện các mục tiêu phát triển mà Nghị quyết Đảng đã đề ra. Có điều là, người đứng đầu cơ quan chính quyền cũng là người ở trong cấp ủy, trong tập thể cấp ủy, đó là chỗ cùng phải chịu trách nhiệm chung nhưng không biến thành sự đùn đẩy trách nhiệm cho nhau.

Trách nhiệm phải thuộc về từng người một - Lê-nin đặc biệt nhấn mạnh điều đó. Người có thẩm quyền, có quyền quyết định và người đứng đầu có quyền quyết định cao nhất nhưng phải chịu trách nhiệm về các quyết định đưa ra. Quyết sai, làm sai, gây hậu quả phải bị xử lý theo trách nhiệm. Còn phải tiến tới chịu trách nhiệm về việc giới thiệu, bố trí cán bộ, tiến cử người vào bộ máy mà chúng ta đang chủ trương làm thí điểm.

Đó là một vài vấn đề cần nhấn mạnh để nhận thức đúng và thực hiện tốt trong thực tiễn công tác lãnh đạo của Đảng và quản lý của Nhà nước, nhìn từ yêu cầu cán bộ và đội ngũ cán bộ, từ công tác tổ chức cán bộ, từ thẩm quyền, trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền trong mối quan hệ với tập thể cấp ủy, cơ quan, đơn vị cũng như tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng mà Nghị quyết đã nêu ra, nhất là chú trọng vào tổ chức cơ sở Đảng.

Nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức cơ sở Đảng đòi hỏi phải nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, đảng bộ, thực hành dân chủ rộng rãi trong Đảng, trong xã hội, chủ động tạo cơ chế và điều kiện thúc đẩy sự tham gia, góp ý kiến xây dựng Đảng của nhân dân thông qua Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội.

GS.TS Hoàng Chí Bảo, Hội đồng Lý luận Trung ương