Lãnh đạo ngành đồng ý, hai lần xin về đất liền thì cả hai lần chính những người dân trên đảo "phản đối". Hàng trăm người ký tên gửi lên các cấp lãnh đạo đề nghị để anh ở lại vì "không thể có một bác sĩ nào thay thế được anh trên hòn đảo này".

Bác sĩ Lĩnh đang thăm khám cho một bệnh nhân trên đảo - Ảnh: Quốc Hanh

1. Gặp bác sĩ Bùi Đình Lĩnh trên đảo Phú Quý trong những ngày đầu hè oi bức. Anh niềm nở đón chúng tôi theo đúng phong cách của người dân đảo. Vẫn với giọng nói chuẩn của "quê lúa" Thái Bình, anh chậm rãi kể về những thăng trầm của người lính áo trắng, những người đồng nghiệp của anh suốt những năm gian khổ chống chọi với thiếu thốn, khó khăn để bảo vệ tính mạng và sức khỏe của người dân trên hòn đảo thân yêu này.

Ngày đầu đặt chân lên đảo đã lùi xa hơn hai mươi năm, nhưng anh vẫn nhớ như in tình cảm của người dân trên đảo đón anh nồng hậu như thế nào. Khi ấy mới ra trường, anh quyết định thử sức mình đến những miền đất thuộc diện khó khăn nhất của cả nước lúc bấy giờ. Họ, những người đang là bạn tri kỷ của anh bây giờ, những ngư dân chất phác, tốt bụng trên đảo đã vây lấy anh như vừa tìm được một luồng cá mới giữa biển khơi.

2. Đảo với anh từ đó là nhà. Anh bắt đầu cùng với những người y tá có mặt trên đảo gánh vác việc chăm sóc sức khỏe cho dân. Trên đảo có hai mùa gió rõ rệt. Mùa (gió) bấc từ tháng bảy đến tháng mười, là mùa phát sinh phổ biến các bệnh về hô hấp. Mùa (gió) nam là mùa từ tháng chạp đến ra giêng. Mùa này nhiều cá tôm, nhưng cũng là mùa mà ngư dân trên đảo hay mắc bệnh về tiêu hóa. Nếu không tuyên truyền tốt việc phòng bệnh thì sẽ dễ dẫn đến dịch bệnh nguy hiểm. Điều đó đã từng xảy ra trên đảo. Trong khi các trang thiết bị y tế của Trung tâm y tế trên đảo hầu như chưa có gì. Anh cùng các cộng sự xuống đến từng làng chài nói cho dân hiểu thế nào là "phòng bệnh hơn chữa bệnh". Bước đầu, công tác tuyên truyền có hiệu quả.

Trước giờ, khi phát hiện bệnh nặng, ngư dân chuẩn bị tàu thuyền đưa vào Phan Thiết cấp cứu. Nhưng do phải mất hàng ngày lênh đênh trên biển, có khi vào đến Phan Thiết, bệnh nhân nguy kịch hơn. Thậm chí không thể cứu chữa được nữa. Từ đó, anh quyết định "liều" với những ca bệnh cấp cứu. Chỉ với một suy nghĩ: nếu đưa vào bờ bệnh nhân cũng tử vong; vậy có bác sĩ trên đảo thì có gì khác hơn khi chưa có bác sĩ? Và chính anh là người đầu tiên dám cầm dao mổ cho bệnh nhân. Anh kể: "Một bệnh nhân đau ruột thừa hàng chục ngày trên biển. Ngư dân đánh bắt xa bờ đưa vào đảo. Tôi quyết định mổ ngay. Nhưng thật nguy hiểm là ruột thừa đã mưng mủ lâu ngày và gây hoại tử cả khúc ruột. Lúc đó may lại cũng chết mà chuyển vào Phan Thiết cũng chết. Tôi quyết định cắt bỏ luôn hơn 20 cm ruột non và may lại. Khi ấy chưa có máy gây mê, tôi áp dụng gây mê tĩnh mạch. Bệnh viện trên đảo chỉ có 3 người, chúng tôi đã thay nhau suốt cả tuần hút dịch cho bệnh nhân. Cuối cùng thì bệnh nhân đã sống và khỏe mạnh. Một ca khác cũng trong năm ấy tôi quyết định cắt đến 25 cm ruột và làm hậu môn nhân tạo để cứu sống bệnh nhân".

Một trường hợp khá hy hữu khác mà rất nhiều ngư dân trên đảo nhớ mãi. Đó là vợ của một giám đốc công ty trên đảo. Bệnh đã kéo dài hàng tuần rồi, nhưng khi đó gió giật trên cấp 6, tàu gỗ không dám vào Phan Thiết. Do mê tín, người nhà đã cúng bái cầu khẩn mà không đem bệnh nhân đến điều trị. Nhưng cuối cùng, người bệnh cũng đã được đưa đến bệnh viện. Anh Lĩnh quyết định mổ cho người phụ nữ này và đã cứu sống được chị trước sự thán phục của cả gia đình bệnh nhân. Một ca bệnh khác là một sản phụ đã bị vỡ tử cung. Bệnh viện khi ấy còn chưa có bàn mổ. Chiếu sáng chỉ là chiếc đèn măng-xông. Nhưng anh và các đồng sự vẫn quyết định mổ và cắt tử cung ngay để chống băng huyết và lấy thai ra mới cứu sống được người mẹ...

3. Sau hơn mười năm sống và làm việc trên đảo, bác sĩ Lĩnh quyết định xin vào đất liền để lo cho gia đình. Dù lãnh đạo ngành đã đồng ý, nhưng thật bất ngờ là chính những người dân trên đảo lại "phản đối". Họ nhất quyết không cho anh vào đất liền. Hàng trăm người đồng ký tên gửi lên các cấp lãnh đạo đề nghị để anh ở lại đảo vì "không thể có một bác sĩ nào thay thế được anh trên hòn đảo này". Hai lần xin về đất liền thì cả hai lần

Thạc sĩ Bùi Đình Lĩnh sinh năm 1958. Sau khi tốt nghiệp Đại học Y khoa Thái Bình, anh vào miền Nam và dừng chân tại Thuận Hải (nay là Bình Thuận). Năm 1986, anh được điều động ra đảo Phú Quý (cách Phan Thiết 58 hải lý). Anh giữ chức Giám đốc Trung tâm quân dân y Phú Quý (nay là Bệnh viện quân dân y Phú Quý) từ tháng 12.1987 cho đến nay.

Hiện vợ anh vẫn ở Thái Bình, hai con anh thì một đang học Đại học Công nghệ thông tin và một đang học tại Đại học Thủy sản Nha Trang.

người dân đảo đồng loạt viết thư xin giữ anh lại.

Anh bảo: "Mình không thể trách họ, vì họ đặt hết niềm tin vào mình". Thế là anh lại quyết định ở lại với hòn đảo đầy nghĩa tình này. Cái "uy" của anh trên hòn đảo lúc này còn hơn cả "chúa đảo", vì anh ngày càng cứu sống được nhiều bệnh nhân thoát án tử thần. Một Việt kiều gốc trên đảo định cư ở Úc, khi về thăm quê bất ngờ tái phát bệnh. Dù hãng bảo hiểm nước họ đã thuê hẳn máy bay ra cấp cứu nhưng không thể hạ cánh xuống đảo vì gió lớn. Cuối cùng anh cũng quyết định mổ để cứu sống cô ấy. Và anh đã nhận được lời cảm phục từ nước Úc xa xôi.

Năm 2003, ngành y tế tỉnh Bình Thuận quyết định cho bác sĩ Bùi Đình Lĩnh đi đào tạo nâng cao. Sau 3 năm học ở Hà Nội, anh trở về với niềm vui mừng của người dân trên đảo Phú Quý. Với tấm bằng thạc sĩ y khoa loại ưu, anh hoàn toàn có thể ở lại đất liền với thu nhập gấp năm, bảy lần ngoài đảo. Nhưng anh vẫn quyết định ra đảo với những người đồng đội của mình.

Lúc này, tuy số ca chuyển viện vào Phan Thiết đã giảm hẳn, song bác sĩ Lĩnh vẫn còn nhiều trăn trở. Trang thiết bị của bệnh viện vẫn thiếu nghiêm trọng. Từ chỗ thiếu dụng cụ kỹ thuật nên những chuyên khoa như: mắt, lồng ngực, sọ não, tim... vẫn phải chuyển bệnh vào Phan Thiết, dẫn đến tay nghề của đội ngũ còn yếu. Bệnh viện chỉ có duy nhất một máy siêu âm đã sử dụng 12 năm vẫn chưa được thay thế. Chiếc máy chụp X-quang cũng đã 12 năm. Cơ ngơi bệnh viện đã xuống cấp quá rồi. Anh cũng lo cho đời sống của hơn 40 anh chị em đồng nghiệp khi chế độ lương của họ chỉ hơn 30% so với đất liền. Trong khi ở đảo không thể mở phòng khám tư, cuộc sống của y bác sĩ còn khó khăn. Từ hoàn cảnh ấy, đã có những người được đưa đi đào tạo thạc sĩ, chuyên khoa cấp 1, cấp 2, nhưng "một đi không trở lại". Nhưng anh, người con của "quê lúa", vẫn gắn bó với đảo như chính quê hương của mình suốt 22 năm qua.

Theo Thanh Niên (Quế Hà)