Bạn đọc Vũ Thị Thơm, ở xã Kha Sơn, huyện Phú Bình (tỉnh Thái Nguyên), thông tin: Nhiều hộ dân trên địa bàn xã Kha Sơn, huyện Phú Bình tự ý cắt bỏ lúa đang chín để đổ đất, san nền. Nghiêm trọng hơn, tình trạng này diễn ra thường xuyên, nhưng chính quyền địa phương vẫn lúng túng trong việc ngăn chặn, xử lý, tiềm ẩn nguy cơ phức tạp về an ninh trật tự.
 |
Người dân cắt bỏ lúa, tự ý san lấp nền. |
* Ông Bùi Lâm Toàn, ở xã Đạ Rsal, huyện Krông Nô (tỉnh Đắk Nông), cho biết: Liên tục xuất hiện tình trạng sử dụng tàu cuốc hút cát khiến hai bên bờ sông Krông Nô, đoạn qua địa bàn xã Đạ Rsal, huyện Krông Nô và đoạn qua huyện Đam Rông xuất hiện rất nhiều vết nứt kéo dài, nhiều đoạn bề mặt đất bị biến dạng, đứt gãy, khiến một số diện tích đất sản xuất, hoa màu, nhà cửa của hàng trăm hộ dân bị sạt lở và sụt lún. Đặc biệt, mặc dù việc khai thác diễn ra công khai, nhưng cơ quan chức năng và chính quyền địa phương lại thiếu thống nhất, phối hợp trong xử lý do khu vực sông Krông Nô nằm giáp ranh giữa 2 tỉnh Đắk Lắk và Đắk Nông, khiến dư luận bất bình.
* Bạn đọc Trần Văn Vinh, ở xã Hòa Phước, huyện Hòa Vang (thành phố Đà Nẵng), phản ánh: Dự án tuyến đường vành đai phía Nam thành phố Đà Nẵng nối từ đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa tại xã Hòa Phước, chạy qua xã Hòa Tiến, nối với Quốc lộ 14B tại xã Hòa Khương, huyện Hòa Vang được khởi công từ tháng 9-2015, nhưng có nguy cơ chậm tiến độ. Đặc biệt, tuyến đường vành đai Hòa Phước - Hòa Khương đã cắt ngang qua nhiều đường liên thôn của xã Hòa Tiến, huyện Hòa Vang hàng ngày có rất nhiều người dân, trẻ em qua lại, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông cao.
AN KHÁNH