Đây là vấn đề đã được cảnh báo từ lâu nhưng đến nay chưa có nhiều cải thiện. Từ đó, nhiều ý kiến cho rằng cần xem xét lại quy định pháp luật để có hình thức xử lý nghiêm minh, răn đe mạnh hơn nhằm nâng cao ý thức người tham gia giao thông.

Cảnh sát giao thông TP Hà Nội kiểm tra nồng độ cồn đối với lái xe.

Theo thống kê của Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an), năm 2018, lực lượng chức năng đã xử lý hơn 91.000 trường hợp vi phạm nồng độ cồn. Trong 4 tháng đầu năm 2019, đã có gần 50.000 trường hợp vi phạm quy định này bị xử lý. Thượng tá Nguyễn Quang Nhật, Phó trưởng phòng Tuyên truyền và phổ biến pháp luật về an toàn giao thông (Cục Cảnh sát giao thông) nhìn nhận, ở nước ta, nhiều người uống rượu, bia nhưng vẫn lái xe tham gia giao thông mà không hề nghĩ đến hậu quả, không quan tâm đến sự an toàn của bản thân và người đi đường. Mặc dù lực lượng chức năng đã cương quyết xử lý các trường hợp vi phạm, nhưng theo Thượng tá Nguyễn Quang Nhật, đây chỉ mới là phần ngọn, gốc của vấn đề là cần một môi trường pháp lý chặt chẽ, có sự ràng buộc rõ ràng để khi người tham gia giao thông nghĩ đến hình phạt, chế tài xử lý, quy định sẽ không muốn, không dám vi phạm.

Ông Lê Văn Thanh, đại diện Vụ An toàn giao thông (Bộ Giao thông vận tải) cho biết, đối với nhóm hành vi vi phạm liên quan đến nồng độ cồn, mức phạt cao nhất hiện nay là phạt tiền 16-18 triệu đồng, tước quyền sử dụng giấy phép lái xe trong 4-6 tháng. Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đang nghiên cứu đề xuất tăng mức xử phạt lên 20-30 triệu đồng và tước giấy phép lái xe 24 tháng. Bộ GTVT cũng vừa có chỉ thị về việc tăng cường kiểm tra, xử lý các vi phạm liên quan đến việc sử dụng rượu, bia khi làm nhiệm vụ, điều khiển phương tiện tham gia giao thông. Trong đó, Bộ GTVT yêu cầu trong quá trình xây dựng dự thảo sửa đổi, bổ sung Nghị định số 46/2016/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, cần nghiên cứu tăng mức xử phạt đối với một số nhóm hành vi vi phạm có nguy cơ cao gây mất an toàn giao thông; đặc biệt là người điều khiển phương tiện tham gia giao thông có nồng độ cồn vượt quá mức cho phép.

Bên cạnh tăng mức xử phạt, kinh nghiệm của nhiều nước trên thế giới cho thấy, nếu đã uống rượu, bia mà vẫn cố tình lái xe tham gia giao thông thì người lái xe có thể bị xử lý hình sự, phạt tù, tịch thu giấy phép lái xe vĩnh viễn. Những giải pháp này được nhiều ý kiến trong xã hội đồng tình, ủng hộ để ngăn chặn hậu quả đáng tiếc do tai nạn giao thông gây ra. Ông Khuất Việt Hùng, Phó chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia cho rằng, cần xem xử phạt vi phạm cũng là một biện pháp nhằm tuyên truyền, giáo dục, có tác dụng cảnh báo, răn đe để thay đổi thói quen, hành vi của người tham gia giao thông. Đồng thời, phải thay đổi văn hóa uống rượu, bia, quản lý việc tiếp cận đồ uống có cồn của người dân chặt chẽ hơn.

Bài và ảnh: MẠNH HƯNG