Thế nhưng, vẫn có một bộ phận người dân không những không tuân thủ quy định của pháp luật về việc sử dụng rượu bia khi tham gia giao thông, mà còn có hành vi chống đối lực lượng thi hành công vụ.

Tai nạn liên quan tới nồng độ cồn giảm cả 3 tiêu chí

Thiếu tướng Nguyễn Văn Mừng, Phó cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông (C08, Bộ Công an) cho biết, trong quý I năm 2023, Bộ Công an thực hiện cao điểm xử lý vi phạm về nồng độ cồn với tinh thần quyết liệt, không có vùng cấm, tình hình tai nạn giao thông liên quan đến nồng độ cồn đã giảm sâu ở cả 3 tiêu chí so với cùng kỳ.

leftcenterrightdel
Một chốt kiểm tra nồng độ cồn của Công an TP Hà Nội trong đợt cao điểm ra quân sau Tết Nguyên đán 2023. 

“Trong quý I năm 2023, toàn quốc đã xảy ra 49 vụ tai nạn giao thông liên quan đến nồng độ cồn, làm chết 20 người và bị thương 43 người. So với cùng kỳ đã giảm 70 vụ, giảm 60 người chết và giảm 30 người bị thương. Số vụ tai nạn giao thông liên quan đến rượu bia giảm cho thấy, ý thức của người tham gia giao thông được nâng lên. Tại nhiều địa phương, lực lượng Cảnh sát giao thông dừng, kiểm tra vài trăm xe mới phát hiện được 1 đến 2 trường hợp vi phạm", Thiếu tướng Nguyễn Văn Mừng cho biết.

Còn theo TS Vũ Đức Long, Phó giám đốc Trung tâm Cấp cứu A9 (Bệnh viện Bạch Mai), số ca cấp cứu vì tai nạn giao thông liên quan đến rượu bia tại bệnh viện đã giảm sâu kể từ đầu năm 2023, kể cả trong dịp nghỉ lễ Tết Nguyên đán. Mức độ trầm trọng của các ca cấp cứu do tai nạn giao thông cũng giảm theo.

“Hiệu quả của việc siết chặt kiểm tra nồng độ cồn mang lại là rất tốt, không chỉ giảm số vụ tai nạn giao thông mà ngay cả các ca cấp cứu do gây gổ, đánh nhau… cũng giảm”, TS Vũ Đức Long nhận xét.

leftcenterrightdel
Sự vào cuộc kiên quyết của lực lượng chức năng đang dần thay đổi thói quen sử dụng rượu bia của người dân khi tham gia giao thông. 

PGS, TS Hoàng Bùi Hải, Trưởng Khoa Cấp cứu-Hồi sức tích cực, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội chia sẻ, bình thường các ca tai nạn giao thông liên quan đến rượu bia nhập viện cấp cứu trong nhiều tình trạng khác nhau, các y, bác sĩ rất vất vả để cứu chữa do nạn nhân bị đa chấn thương và không còn tỉnh táo: “Có người bị thay đổi về chức năng sống, trường hợp khác đến viện trong tình trạng ngừng tuần hoàn hay bị suy hô hấp, rối loạn huyết động và bị đa chấn thương. Những trường hợp như vậy, chúng tôi phải huy động toàn bệnh viện với nhiều chuyên khoa để cấp cứu. Có những nạn nhân được cấp cứu đến viện không quá nặng, nhưng tinh thần bị kích động. Hoặc người thân đi cùng kích động làm cho không gian cấp cứu hỗn loạn. Để cấp cứu một ca tai nạn giao thông liên quan đến rượu bia, các bác sĩ, y tá phải làm rất nhiều việc cả về cơ học, chuyên môn hay đảm bảo an ninh trong phòng cấp cứu”.

PGS, TS Hoàng Bùi Hải cho biết thêm, khi lực lượng Cảnh sát giao thông tăng cường kiểm soát vi phạm về nồng độ cồn, số ca tai nạn giao thông nghi ngờ có sử dụng rượu, bia phải làm xét nghiệm nồng độ cồn đã giảm đến 1/3.

“Số ca giảm, mức độ bị tổn thương giảm giúp chúng tôi có nhiều thời gian để chăm sóc cho các bệnh nhân khác, nhân viên y tế nói chung đỡ vất vả hơn rất nhiều”, PGS, TS Hoàng Bùi Hải nói. 

Chia sẻ về những thay đổi tích cực của việc siết chặt kiểm tra, kiểm soát vi phạm nồng độ cồn của lực lượng chức năng, lái xe Tạ Xuân Trọng (Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết: Kể từ khi Cảnh sát giao thông toàn quốc mở đợt cao điểm kiểm tra nồng độ cồn, ý thức của các lái xe cũng được nâng cao hơn, nhất là việc sử dụng rượu bia. Cũng từ đây, nhiều lái xe bỏ thói quen uống rượu bia hằng ngày, sức khỏe được nâng cao và tránh được nhiều vụ tai nạn không đáng có khi tham gia giao thông. Cùng với đó, người dân cũng đang hình thành ý thức về việc không tham gia giao thông khi đã sử dụng rượu bia, khi chế tài xử phạt vi phạm này rất nghiêm và nặng.

leftcenterrightdel

Chế tài xử lý nghiêm và nặng đã khiến vi phạm giao thông liên quan tới nồng độ cồn giảm mạnh từ đầu năm 2023. 

Hành vi chống đối cần phải nghiêm trị

Cũng theo Cục Cảnh sát giao thông, Bộ Công an, chỉ trong 3 tháng đầu năm, toàn quốc xảy ra 28 vụ việc chống người thi hành công vụ, làm 10 chiến sĩ Cảnh sát giao thông bị thương. Lực lượng chức năng đã trực tiếp, phối hợp bắt giữ 29 đối tượng để bàn giao cho cơ quan chức năng xử lý. Điều đáng nói, có đến hơn 50% vụ việc chống người thi hành công vụ xảy ra khi tài xế kiểm tra nồng độ cồn.

Trong đó, tại Hà Nội xảy ra 4 vụ, TP Hồ Chí Minh xảy ra 3 vụ, Vĩnh Phúc, Hòa Bình, Phú Yên, Bình Định, Tuyên Quang mỗi tỉnh xảy ra 2 vụ. Các tỉnh Hưng Yên, Lào Cai, Thanh Hóa, Đồng Tháp, Hải Dương, Bắc Ninh, Bạc Liêu, Bắc Kạn, Sơn La, Quảng Bình mỗi tỉnh xảy ra 1 vụ. Riêng trên tuyến cao tốc Hà Nội – Lào Cai do Cục Cảnh sát giao thông quản lý xảy ra 1 vụ.

Đơn cử như vụ việc xảy ra tại Vĩnh Phúc và Lào Cai trong tháng 2 vừa qua, các đối tượng điều khiển ô tô, xe máy tông thẳng vào lực lượng Cảnh sát giao thông khi bị yêu cầu dừng xe, kiểm tra nồng độ cồn. Những vụ việc này thể hiện rõ sự liều lĩnh, bất chấp hậu quả, coi thường pháp luật của các đối tượng phạm tội.

Theo Cục Cảnh sát giao thông, tài xế sử dụng rượu bia sẽ dẫn đến việc không kiểm soát được tinh thần, hành vi của mình. Đây là nguyên nhân dẫn đến một số trường hợp vi phạm có hành vi cản trở, chống đối, không hợp tác, không chịu đo nồng độ cồn khi bị yêu cầu kiểm tra, xử lý; gây khó khăn cho lực lượng chức năng và mất nhiều thời gian mới xử lý được một trường hợp.

leftcenterrightdel
Tuy nhiên, khi sử dụng rượu bia, mất kiểm soát, nhiều người dân thiếu ý thức đã có hành vi chống đối lực lượng chức năng, thậm chí gây thương tật cho cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát giao thông. Hành vi này cần phải nghiêm trị. 

Nếu so với cùng kỳ năm 2022, năm nay tăng thêm 20 vụ chống đối người thi hành công vụ, 8 chiến sĩ Cảnh sát giao thông bị thương và tăng 22 đối tượng bị bắt giữ. Trong đó, số người sử dụng rượu bia chống đối Cảnh sát giao thông lên đến 17 vụ, chiếm hơn 50%.

Thượng tá Tạ Thị Hồng Minh, Phó trưởng Phòng Hướng dẫn tuyên truyền và điều tra, giải quyết tai nạn giao thông, Cục Cảnh sát giao thông, Bộ Công an cho biết: “Khi gặp các trường hợp chống đối, cản trở việc kiểm tra xử lý, gây cản trở giao thông hoặc đình trệ các hoạt động công cộng, lực lượng chức năng sẽ củng cố hồ sơ, chứng cứ để xem xét xử lý hành vi chống đối người thi hành công vụ hoặc gây rối trật tự công cộng. Lực lượng chức năng cũng sẽ tập trung điều tra đề nghị truy tố, xét xử các vụ tai nạn giao thông, nguyên nhân do người điều khiển phương tiện vi phạm nồng độ cồn, ma túy gây ra để nâng cao tính răn đe, phòng ngừa chung, hạn chế mức thấp nhất nguy cơ tiềm ẩn”.

Để tiếp tục phát huy hiệu quả của việc siết chặt kiểm tra nồng độ cồn, giảm tai nạn giao thông bền vững, Phó cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông, Thiếu tướng Nguyễn Văn Mừng khẳng định, trong thời gian tới, lực lượng chức năng sẽ tập trung lực lượng, phương tiện, thiết bị nghiệp vụ đủ mạnh để tuần tra 24/7, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

“Với các trường hợp chống đối, cản trở lực lượng chức năng sẽ được lập hồ sơ, điều tra, xử lý và đề nghị truy tố theo quy định nhằm tăng tính răn đe. Tất cả vì mục tiêu tạo ra môi trường tham giao thông văn minh, an toàn”, Thiếu tướng Nguyễn Văn Mừng cho biết thêm.

Trong thời gian tới, Cục Cảnh sát giao thông sẽ tiếp tục phối hợp với công an các địa phương kiên quyết xử lý các trường hợp chống người thi hành công vụ ở mức độ nghiêm khắc nhất để răn đe các đối tượng phạm tội.

Bài, ảnh: TUẤN SƠN