Đây là vụ án nghiêm trọng, xảy ra tại Quân chủng Hải quân, đòi hỏi phải xử lý nghiêm túc, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, không có ngoại lệ, không có vùng cấm, nhằm duy trì nghiêm kỷ cương phép nước, kỷ luật của Quân đội nhân dân Việt Nam.
Xử lý kiên quyết, kịp thời đối với mọi sai phạm
Hơn 75 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, Quân đội ta luôn giữ nghiêm kỷ luật, kỷ cương. Tất cả vụ việc sai phạm dù nhỏ nhất, đều đưa ra xem xét, xử lý thấu đáo theo từng cấp. Chính điều đó đã hình thành nên tính chất của kỷ luật quân đội là “kỷ luật thép”, là nền tảng để tạo dựng nên bản lĩnh, hình ảnh của Bộ đội Cụ Hồ, anh dũng thiện chiến, trung thành vô hạn với Đảng, Tổ quốc và nhân dân, làm cho Quân đội ta khác với các quân đội khác về bản chất cách mạng, mang bản chất của giai cấp công nhân, tính dân tộc và nhân dân sâu sắc. Việc giữ nghiêm kỷ luật đã tạo ra sự tin tưởng, đoàn kết trong quan hệ cán-binh, tạo ra sức mạnh khắc phục mọi khó khăn, gian khổ, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó.
Từ khi ra đời đến nay, việc xử lý các sai phạm, vi phạm trong các đơn vị quân đội là một trong những nhiệm vụ được cấp ủy Đảng và hệ thống chỉ huy các cấp luôn đặc biệt coi trọng và tiến hành nghiêm túc, thường xuyên, liên tục, triệt để. Làm nhiều công việc thì khó mà hoàn toàn tránh khỏi khuyết điểm, thế nhưng có khuyết điểm mà quyết tâm sửa chữa, sửa chữa kịp thời thì sẽ mau tiến bộ. Trong lịch sử hình thành và phát triển của quân đội, chúng ta đã từng phải xử lý những sai phạm của một số cán bộ cấp cao. Điển hình là năm 1950, Chủ tịch Hồ Chí Minh dù rất đau lòng nhưng vẫn quyết định bác đơn xin ân xá án tử hình của Đại tá Trần Dụ Châu, Cục trưởng Cục Quân nhu, do vi phạm nghiêm trọng kỷ luật quân đội và kỷ luật của Đảng. Năm 2018, Tòa án Quân sự Quân khu 7 cũng đã xét xử vụ án “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ” xảy ra tại Tổng công ty Thái Sơn-Bộ Quốc phòng với 5 bị cáo, trong đó có 3 người là sĩ quan, cựu sĩ quan cao cấp trong quân đội phải chịu án phạt tù. Đây là những vụ việc hết sức đau xót, nhưng không thể không xử lý kiên quyết. Bởi vì, chỉ có xử lý kiên quyết các vụ việc thì mới làm cho Quân đội ta giữ được chí khí, giữ nghiêm kỷ luật, giữ được uy tín và niềm tin yêu của Đảng, của nhân dân dành cho quân đội.
Trong vụ án xảy ra tại Quân chủng Hải quân, thực hiện Kết luận của Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, ngày 21-11-2018, Thường vụ Quân ủy Trung ương đã họp và chỉ đạo các cơ quan chức năng vào cuộc điều tra làm rõ các cá nhân, tổ chức có dấu hiệu sai phạm trong công tác quản lý đất quốc phòng của Công ty Hải Thành, Quân chủng Hải quân. Qua quá trình điều tra nghiêm túc, công minh, chặt chẽ, triệt để, sai phạm của các cá nhân, tổ chức đã được làm rõ. Ngày 27-5-2019, Ban Thường vụ Quân ủy Trung ương đã họp, xem xét, đề nghị trên thi hành kỷ luật cảnh cáo đối với Ban Thường vụ Đảng ủy Quân chủng Hải quân nhiệm kỳ 2005-2010 và một số cá nhân, do vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ và quy chế làm việc; thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, thiếu kiểm tra giám sát, để xảy ra nhiều vi phạm, khuyết điểm trong công tác quản lý, sử dụng đất quốc phòng, để một số cán bộ, đảng viên trong quân chủng bị xử lý hình sự.
Cũng tại phiên họp này, Ban Thường vụ Quân ủy Trung ương đã đề nghị cách chức Ủy viên Quân ủy Trung ương, Ủy viên Đảng ủy Quân chủng Hải quân; cách chức Tư lệnh Quân chủng Hải quân đối với đồng chí Đô đốc Nguyễn Văn Hiến, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Ủy viên Quân ủy Trung ương, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, trong thời gian giữ chức Phó bí thư Đảng ủy, Tư lệnh Quân chủng Hải quân chịu trách nhiệm chính về những vi phạm, khuyết điểm của Ban Thường vụ Đảng ủy Quân chủng Hải quân và trách nhiệm cá nhân trong công tác quản lý sử dụng đất quốc phòng. Đề nghị trên xem xét thi hành kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo đối với hai đồng chí: Phó đô đốc Nguyễn Văn Tình, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Đảng ủy, nguyên Chính ủy Quân chủng Hải quân và Chuẩn đô đốc Lê Văn Đạo, nguyên Đảng ủy viên, nguyên Phó tư lệnh Quân chủng Hải quân. Hành động trên thể hiện sự kiên quyết, gương mẫu trong xử lý sai phạm của Quân ủy Trung ương và Ban Thường vụ Quân ủy Trung ương. Điều đó cũng thể hiện sự kiên định với quan điểm trong xem xét, thi hành kỷ luật đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật Nhà nước, kỷ luật quân đội, đó là: Nghiêm minh, thận trọng, chặt chẽ, khách quan, thấu đáo, có lý có tình, đúng người, đúng khuyết điểm, đúng quy trình và “không có vùng cấm”. Việc xử lý các cán bộ cấp cao có sai phạm cũng thể hiện sự gương mẫu, đi đầu trong xem xét, xử lý các vụ việc, thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng gắn với thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh của Đảng bộ Quân đội.
Trên cơ sở các đề nghị của Ban Thường vụ Quân ủy Trung ương và Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Ban Bí thư đã quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo đối với Phó đô đốc Nguyễn Văn Tình. Trong phiên họp tháng 6-2019, Bộ Chính trị cũng đã quyết định cách hết tất cả các chức vụ về Đảng đối với Đô đốc Nguyễn Văn Hiến trong nhiệm kỳ 2005-2010; Thủ tướng Chính phủ cũng đã quyết định xóa tư cách nguyên Tư lệnh Quân chủng Hải quân đối với Đô đốc Nguyễn Văn Hiến. Tại Hội nghị Trung ương 12 (khóa XII) vừa diễn ra từ ngày 11 đến 14-5-2020, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã quyết định khai trừ đồng chí Nguyễn Văn Hiến ra khỏi Đảng.
Việc hai cán bộ cấp cao bị kỷ luật cảnh cáo, một cán bộ cấp cao của quân đội bị khai trừ ra khỏi Đảng do vi phạm khuyết điểm nghiêm trọng và phải đưa vụ án ra xét xử hình sự là rất đau lòng. Nhưng quyết định đó là rất cần thiết, bởi thà chặt mất một cái cành, nhưng cứu được cả một cái cây thì việc đó cũng rất đáng làm. Bởi vì, chỉ có duy trì kỷ luật nghiêm minh, tôn trọng kỷ cương, phép nước thì chúng ta mới giữ được bản chất cách mạng của Quân đội nhân dân Việt Nam, giữ được niềm tin của Đảng, Nhà nước và nhân dân với Quân đội.
Bản án nghiêm minh, công tâm
Theo cáo trạng của Viện Kiểm sát Quân sự Quân chủng Hải quân, vụ án “Lừa đảo, chiếm đoạt tài sản”, “Vi phạm các quy định về quản lý đất đai”, “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Quân chủng Hải quân có liên quan tới các bị cáo gồm: Đinh Ngọc Hệ, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Thái Sơn Bộ Quốc phòng (BQP), Chủ tịch Hội đồng quản trị-Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Phát triển đầu tư Thái Sơn Bộ Q.P; Phạm Văn Diệt, Tổng giám đốc điều hành Công ty Cổ phần Tập đoàn Đức Bình, Giám đốc điều hành Công ty Trách nhiệm hữu hạn Sản xuất Thương mại Dịch vụ Yên Khánh; Vũ Thị Hoan, Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Sản xuất Thương mại Dịch vụ Yên Khánh, Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Yên Khánh Hải Thành, bị truy tố về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Các bị cáo: Bùi Như Thiềm, Trưởng phòng Kinh tế, Quân chủng Hải quân (đã nghỉ hưu); Bùi Văn Nga, Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Dịch vụ và Du lịch biển đảo Hải Thành, Quân chủng Hải quân (đã nghỉ hưu); Trần Trọng Tuấn, Phó giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Dịch vụ và Du lịch biển đảo Hải Thành, Quân chủng Hải quân, bị truy tố về tội “Vi phạm các quy định về quản lý đất đai”. Bị cáo Nguyễn Văn Hiến, nguyên Tư lệnh Quân chủng Hải quân, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng (đã nghỉ hưu) bị truy tố về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.
Trong các bị cáo nêu trên, bị cáo Đinh Ngọc Hệ đang phải thụ án phạt 12 năm tù giam trong vụ án xét xử ngày 1-11-2018 về các tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” và “Sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức”. Trong vụ án này, Đinh Ngọc Hệ là một "mắt xích" quan trọng, có yếu tố giữ vai trò chủ mưu, bày ra hàng loạt mánh khóe để lừa đảo, chiếm đoạt đất quốc phòng. Trong phiên tòa sơ thẩm do Tòa án Quân sự Quân chủng Hải quân vừa mở, Hội đồng xét xử đã làm rõ tội trạng của từng bị cáo. Việc xét xử diễn ra nghiêm túc, công minh, đúng quy định của pháp luật. Chiều 21-5, Tòa án Quân sự Quân chủng Hải quân đã tuyên phạt các bị cáo với các mức án cụ thể như sau:
Về hình sự: Tuyên bố các bị cáo: Bùi Như Thiềm, Bùi Văn Nga, Đoàn Mạnh Thảo, Trần Trọng Tuấn phạm tội “Vi phạm các quy định về quản lý đất đai”; bị cáo Nguyễn Văn Hiến phạm tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”; các bị cáo Đinh Ngọc Hệ, Phạm Văn Diệt, Vũ Thị Hoan phạm tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Hội đồng xét xử tuyên án các bị cáo: Bùi Như Thiềm 9 năm tù; Bùi Văn Nga 8 năm tù; Đoàn Mạnh Thảo 7 năm tù; Trần Trọng Tuấn 4 năm tù; Nguyễn Văn Hiến 4 năm tù. Áp dụng khoản 1, Điều 56 Bộ luật Hình sự năm 2015, xử phạt bị cáo Đinh Ngọc Hệ 20 năm tù, tổng hợp cả hình phạt 12 năm tù theo bản án ngày 1-11-2018 của Tòa án Quân sự Trung ương, bị cáo Đinh Ngọc Hệ phải chấp hành hình phạt chung của hai bản án là 30 năm tù. Xử phạt bị cáo Phạm Văn Diệt 15 năm tù, bị cáo Vũ Thị Hoan 7 năm tù. Về hình phạt bổ sung: Cấm bị cáo Nguyễn Văn Hiến đảm nhiệm chức vụ quản lý trong các cơ quan, tổ chức trong thời hạn 3 năm kể từ ngày chấp hành xong hình phạt tù. Xử phạt bị cáo Đinh Ngọc Hệ 80 triệu đồng; xử phạt bị cáo Phạm Văn Diệt 60 triệu đồng; xử phạt bị cáo Vũ Thị Hoan 20 triệu đồng.
Về biện pháp tư pháp: Công ty Cổ phần Cảnh Hưng Hải Thành trả lại quyền sử dụng đất khu đất số 2; Công ty Trách nhiệm hữu hạn Dịch vụ Mai Thành trả lại quyền sử dụng đất khu đất số 9-11; Công ty Cổ phần Yên Khánh Hải Thành trả lại quyền sử dụng đất khu đất số 7-9. Quân chủng Hải quân có trách nhiệm phối hợp với UBND TP Hồ Chí Minh thu hồi các giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã cấp không đúng cho các tổ chức, cá nhân tại 3 khu đất nêu trên để làm thủ tục cấp lại cho Quân chủng Hải quân. Tịch thu sung vào ngân sách nhà nước số tiền chuyển mục đích sử dụng 3 khu đất là 939.288.265.786 đồng (chín trăm ba mươi chín tỷ, hai trăm tám mươi tám triệu, hai trăm sáu mươi lăm nghìn, bảy trăm tám mươi sáu đồng). Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Dịch vụ và Du lịch biển đảo Hải Thành có trách nhiệm nộp số tiền này. Tịch thu sung vào ngân sách nhà nước số tiền do phạm tội mà có là 15.725.167.255 đồng (mười lăm tỷ, bảy trăm hai mươi lăm triệu, một trăm sáu mươi bảy nghìn, hai trăm năm mươi lăm đồng). Công ty Cổ phần Tập đoàn Yên Khánh có trách nhiệm nộp số tiền này.
Hội đồng xét xử kiến nghị UBND TP Hồ Chí Minh thu hồi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã cấp không đúng cho các tổ chức, cá nhân tại 3 khu đất để làm thủ tục cấp lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho Quân chủng Hải quân.
Bài học về công tác quản lý cán bộ, quản lý tài sản quốc phòng
Trong quá trình điều tra, truy tố, cơ quan điều tra hình sự Bộ Quốc phòng đã thực hiện đúng thẩm quyền, trình tự, thủ tục theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự. Quá trình điều tra và tại tòa, luật sư bào chữa cho các bị cáo, luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án; các bị cáo, bị hại và những người tham gia tố tụng trong vụ án không ai có ý kiến hoặc khiếu nại gì về hành vi quyết định của cơ quan, người tiến hành tố tụng. Do đó, có cơ sở khẳng định các hành vi, quyết định của cơ quan và người tiến hành tố tụng trong vụ án đều được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật.
Theo dõi suốt quá trình xét xử, chúng tôi thấy Hội đồng xét xử đã phân tích kỹ lưỡng các tình tiết phạm tội của các bị cáo và xác định tội danh, khung hình phạt theo đúng quy định của pháp luật bảo đảm đúng người, đúng tội, đúng pháp luật. Bản án đã tuyên thể hiện sự nghiêm minh của pháp luật, sự nghiêm túc của kỷ luật quân đội, cho dù đối tượng vi phạm là ai thì cũng đều phải xử lý công minh, công bằng, không bao che, giấu giếm. Bản án cũng thể hiện rõ tính nhân văn của pháp luật xã hội chủ nghĩa khi Hội đồng xét xử đã xem xét kỹ càng công lao cống hiến, các tình tiết giảm nhẹ của từng bị cáo, để áp dụng các mức án có lợi nhất cho các bị cáo với tinh thần "đánh kẻ chạy đi chứ không đánh người chạy lại". Tuy nhiên, từ phiên tòa cũng cho thấy, việc để xảy ra sự vi phạm, sai phạm nghiêm trọng tại đơn vị trong một thời gian dài mà không được phát hiện là rất đáng quan tâm. Sự sai phạm đó bắt nguồn từ công tác quản lý cán bộ chưa nghiêm, công tác kiểm tra, giám sát chưa chặt chẽ, đặc biệt là việc thực thi dân chủ ở cơ sở còn nhiều sơ hở, thiếu sót. Chính vì vậy, đã dẫn đến việc cán bộ cấp dưới làm sai mà cấp trên không biết, cá nhân làm sai mà tổ chức không nắm được...
Từ thực tế trên, chúng ta cần coi vụ án là một bài học rất sâu sắc. Tất cả mọi người, cho dù đã có không ít công lao, đóng góp, kinh nghiệm lãnh đạo, quản lý, nhưng chủ quan, buông lỏng, quan liêu... sẽ rất dễ dẫn đến sai lầm, khuyết điểm, phạm tội. Trong mọi lúc, mọi nơi, mọi hoàn cảnh, các cơ quan, đơn vị cần tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, mở rộng dân chủ, công khai, minh bạch các hoạt động để cán bộ, chiến sĩ được biết. Chỉ có phát huy dân chủ thực sự thì mới có đoàn kết thực sự và mới hạn chế được khuyết điểm, tạo ra sức mạnh cho mỗi cơ quan, đơn vị và toàn quân. Bên cạnh đó, phải tiếp tục nâng cao sức chiến đấu của tổ chức đảng các cấp, nhất là sức chiến đấu của các chi bộ, phát huy vai trò của các tổ chức quần chúng trong thực hiện nhiệm vụ. Tuyệt đối không được để xảy ra sự mất dân chủ trong tổ chức đảng, do đó phải coi trọng công tác tự phê bình và phê bình “như soi gương rửa mặt hằng ngày” để mỗi cá nhân và tổ chức luôn nhận thấy cái sai, cái khuyết điểm và hạn chế của mình mà kịp thời sửa chữa, cầu tiến bộ.
Chúng ta vừa tiến hành nhiều hoạt động thiết thực kỷ niệm 130 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh -người sáng lập và rèn luyện Quân đội ta-người Cha thân yêu của lực lượng vũ trang. Việc chúng ta quyết tâm đưa vụ án ra xét xử, cũng chính là thực hiện chữ CHÍNH trong khuôn khổ đạo đức của người làm cách mạng "Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư" theo quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Cần phải nhắc lại rằng, quyết định của Ban Thường vụ Quân ủy Trung ương và của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng trong việc xử lý các sai phạm ở Quân chủng Hải quân là rất kịp thời, đúng đắn, thể hiện rõ bản chất cách mạng, tính chiến đấu và sự tôn trọng kỷ luật của Quân đội ta: Bất kỳ tổ chức, cá nhân nào nếu có sai phạm thì đều xử lý nghiêm minh, triệt để, mục tiêu là giữ vững sự trong sạch, mẫu mực, tiêu biểu của Đảng bộ Quân đội; không ngừng nâng cao sức mạnh tổng hợp, giữ vững bản chất, truyền thống Bộ đội Cụ Hồ “Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng”.
TRẦN ANH TUẤN và NGUYỄN TUẤN NAM