Ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam phản ảnh, với sự vào cuộc quyết liệt của các bộ, ngành, địa phương, đặc biệt là Bộ Giao thông vận tải (GTVT) và Bộ Công an, có giai đoạn tình trạng xe quá tải gần như được dẹp bỏ. Đến đầu năm 2016, xe quá tải chỉ còn khoảng 10 đến 15%, chủ yếu hoạt động ở các huyện vùng núi, vùng sâu và các khu mỏ. Tuy nhiên, từ nửa cuối năm 2016, xe quá tải lại manh nha hoạt động trở lại, đến hiện tại thì công khai hơn. Đặc biệt, chủ xe, lái xe có vẻ như đã “nhờn thuốc”. “Một số doanh nghiệp vận tải chân chính đang đứng trên bờ phá sản do xe đầu tư mới mà không có hàng để chạy vì xe chở hàng quá tải diễn biến phức tạp, tinh vi. Hiện tượng này tập trung nhiều nhất ở các khu cảng nội địa, kho hàng, khu công nghiệp, sản xuất vật liệu xây dựng”, ông Nguyễn Văn Thanh cảnh báo.

leftcenterrightdel
Xe trọng tải lớn hoạt động ở khu vực gần đê sông Hồng trên địa bàn TP Hà Nội. Ảnh: Mạnh Hưng 

Để giải quyết tình trạng này, ông Nguyễn Văn Thanh kiến nghị Bộ GTVT báo cáo Chính phủ để tiếp tục xây dựng kế hoạch phối hợp liên ngành giữa lực lượng công an và thanh tra GTVT, duy trì “cuộc chiến” chống xe quá tải như trước đây hoặc tăng thẩm quyền cho lực lượng thanh tra GTVT trong việc xử lý xe quá tải. Đồng thời, gắn trách nhiệm của lãnh đạo chính quyền sở tại về việc bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông thuộc địa phương mình. “Địa phương phải chịu trách nhiệm về kết cấu hệ thống cầu, đường trên địa bàn mình quản lý, không thể cứ làm ngơ cho xe quá tải chạy phá đường, xong lại xin vốn từ Quỹ Bảo trì đường bộ để duy tu”, ông Nguyễn Văn Thanh đề xuất.

Thừa nhận tình trạng xe quá khổ, quá tải tái diễn, Tổng cục Đường bộ Việt Nam nêu rõ, hiện nay, việc kiểm tra, xử lý vi phạm về bốc xếp hàng hóa lên phương tiện tại cơ sở đầu nguồn hàng, kho bãi, bến cảng còn chưa được duy trì thường xuyên. Một số doanh nghiệp có xe vi phạm khi bị kiểm tra thường tìm mọi cách né tránh, giấu xe, cho người theo dõi tổ kiểm tra tải trọng xe hoặc không chấp hành yêu cầu của lực lượng chức năng. Ghi nhận ý kiến của Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam và các doanh nghiệp, ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết, sẽ tiếp tục kiến nghị Bộ GTVT thực hiện kiểm soát tải trọng liên ngành; phối hợp cùng Cục Đường thủy nội địa, Cục Hàng hải Việt Nam xử lý các vi phạm tại các bến cảng. Tổ chức thanh tra tại một số địa phương về công tác quản lý vận tải. Khẩn trương hoàn thành hệ thống trạm kiểm soát tải trọng cố định trên đường bộ; giai đoạn từ nay đến năm 2020 sẽ đưa vào hoạt động 29 trạm.

NAM TRỰC