Quy định cấm sử dụng điện thoại khi điều khiển xe máy, ô tô đã có từ lâu nhưng tình trạng người vi phạm vẫn xuất hiện trên đường phố. Việc sử dụng điện thoại khi lái xe tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn khi tham gia giao thông, do đó cần có giải pháp đồng bộ để chấn chỉnh tình trạng này.
 |
Người đi xe máy vừa điều khiển phương tiện vừa sử dụng điện thoại tại khu vực Ngã Tư Sở (Hà Nội). Ảnh: TƯ DUNG |
Có mặt tại khu vực Ngã Tư Sở (Hà Nội), phóng viên đã ghi nhận được hàng chục trường hợp người đi đường vừa điều khiển xe máy, vừa sử dụng điện thoại di động. Hình ảnh dễ bắt gặp là người điều khiển xe máy dùng một tay lái xe, một tay cầm điện thoại, thậm chí cả khi chở hàng cồng kềnh hoặc có trẻ em đi cùng. Dùng điện thoại khi tham gia giao thông sẽ khiến người điều khiển phương tiện mất tập trung, hạn chế khả năng quan sát. Do lái xe bằng một tay còn tay kia cầm điện thoại nên người đi xe không thể phản ứng kịp khi gặp tình huống bất ngờ. Thực tế cho thấy, thói quen xấu này đã gây không ít vụ tai nạn giao thông (TNGT). Chú Lê Văn Thủy (quận Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết do thường xuyên đi qua khu vực Ngã Tư Sở, chú đã chứng kiến nhiều vụ TNGT xảy ra đối với người đang đi xe máy vẫn dùng điện thoại. Có những trường hợp tự tông xe vào rào chắn ở dải phân cách giữa hoặc lao thẳng vào xe ô tô đang dừng bên đường dẫn đến tử vong, hoặc gãy chân, gãy tay... Có vụ gây tai nạn giao thông liên hoàn, gây ách tắc giao thông nhiều giờ.
Việc người điều khiển phương tiện sử dụng điện thoại khi lái xe là rất nguy hiểm, gây ảnh hưởng đến công tác bảo đảm an toàn giao thông, đe dọa đến tính mạng nhiều người. Luật Giao thông đường bộ nêu rõ: Cấm người đang điều khiển mô tô, xe gắn máy có hành vi sử dụng điện thoại di động. Nghị định số 46/2016/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt quy định: Phạt tiền từ 600.000 đồng đến 800.000 đồng đối với người điều khiển xe thực hiện hành vi dùng tay sử dụng điện thoại di động khi đang điều khiển xe chạy trên đường. Tuy nhiên, từ thực tế trên có thể thấy, người tham gia giao thông không chấp hành luật nghiêm túc. Nguyên nhân là do xuất phát từ nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật của người dân. Mặt khác, hành vi này thường diễn ra trong thời gian rất ngắn, khiến khó đưa ra được bằng chứng khi xử lý.
Với mong muốn nâng cao ý thức người tham gia giao thông, tăng cường xử phạt vi phạm, Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia đã kêu gọi người dân, hành khách trên các phương tiện vận tải (xe khách, xe tải, xe buýt, taxi, xe ôm) hãy ghi hình hành vi tài xế vừa lái xe vừa sử dụng điện thoại di động để cơ quan chức năng có căn cứ xử lý. Theo đó, nếu người dân ghi hình ảnh tài xế dùng điện thoại khi lái xe hãy gửi cho cảnh sát giao thông, báo chí, hoặc trang Fanpage của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia tại địa chỉ https://www.facebook.com/ntscvietnam. Chấp hành nghiêm quy định của pháp luật không chỉ giúp tạo dựng môi trường giao thông văn minh, an toàn mà còn bảo vệ tính mạng, sức khỏe của mỗi người dân.
KHÁNH AN