Thời gian qua, tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, mọi thông tin liên quan đến dịch bệnh đều tác động đến tâm lý, đời sống nhân dân. Lợi dụng cơ hội này, một số đối tượng đã tạo tin giả, đăng tin sai sự thật trên các mạng xã hội khiến nhiều người hoang mang, lo sợ, thậm chí còn có những hành động tiêu cực.
Nhiễu loạn thông tin trên mạng xã hội
Vào hồi 19 giờ 30 phút ngày 4-5-2021, Trần Văn Duy đã sử dụng tài khoản facebook “Hà Nội Phố” để đăng tải thông tin “Hà Nội phố thông thoáng trong ngày đầu phong tỏa” kèm theo một video về trải nghiệm đường phố Hà Nội ngày 4-5-2021. Qua xác minh, Thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông TP Hà Nội khẳng định nội dung thông tin đăng tải trên là sai sự thật, vi phạm quy định tại Điều 5 Nghị định số 72/2013/NĐ-CP ngày 15-7-2013 của Chính phủ về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng. Đây là thông tin nguy hại khiến cho một bộ phận người dân cảm thấy lo lắng, bất an. Nhiều người còn chuẩn bị các phương án tích trữ lương thực, thực phẩm, gửi con cái về quê... để sẵn sàng đối phó với những ngày “phong tỏa”.
 |
Một tin giả về dịch Covid-19 trên internet. |
Không riêng dạng tin giả kiểu này, nhiều trang mạng, tài khoản facebook còn đăng thông tin chưa được kiểm chứng về các ca bệnh lây lan trong cộng đồng. Sau đó tự nhận hoặc tự xác định các nguồn lây rồi truy vết F0, F1 theo hành trình kịch tính để tạo cơn sốt ảo trên mạng xã hội. Những hành động này chỉ nhằm mục đích gây sự chú ý, nhưng ảnh hưởng rất xấu đối với cộng đồng. Nhiều người theo dõi mạng xã hội có cảm giác sợ hãi, lo âu mỗi khi ra đường.
Tin giả được xác định có nhiều dạng thức. Loại thứ nhất là những thông tin hoàn toàn không chính xác, được cố tình đăng tải, lan truyền vì động cơ, mục đích xấu của cá nhân nào đó. Loại thứ hai là những thông tin có thể có một phần sự thật nhưng không hoàn toàn chính xác, do người viết không kiểm chứng trước khi đăng tải, chia sẻ hoặc phóng đại, thêu dệt để "nâng tầm" câu chuyện. Một loại khác thường tồn tại trên mạng xã hội là tin giả dưới dạng tin đồn. Thông qua sự lan truyền, chia sẻ các bài viết, thông tin ngày càng bị biến dạng, bóp méo dẫn đến sự sai lệch cho người đọc khi tiếp nhận. Việc nhận diện tin giả, xác định nguyên nhân xuất hiện và tác hại của nó là điều vô cùng quan trọng. Nhận diện tin giả không chỉ bảo vệ môi trường thông tin lành mạnh mà còn góp phần quan trọng giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.
Cần các biện pháp xử lý nghiêm minh
Mới đây, Bộ Thông tin và Truyền thông đã ra mắt cổng thông tin tiếp nhận phản ánh, công bố tin giả tại địa chỉ http://tingia.gov.vn và đầu số tiếp nhận phản ánh tin giả 18008108. Đây được coi là công cụ hữu hiệu giúp nhận diện được các thông tin giả, thông tin sai sự thật, góp phần ngăn chặn, đẩy lùi tin xấu độc, xây dựng môi trường mạng trong sạch. Cổng thông tin tiếp nhận trực tuyến các phản ánh về tin giả của cơ quan, tổ chức, cá nhân, đồng thời công bố tin giả bằng hình thức dán nhãn tin giả, tin sai sự thật.
Bên cạnh đó, cơ quan công an đã phối hợp với các ngành chức năng xử lý nghiêm các đối tượng đăng tin giả. Ngày 22-2-2021, Công an thị xã Đông Triều (Quảng Ninh) đã ra quyết định xử phạt hành chính 5 triệu đồng đối với Nguyễn Đình Sinh (trú tại xã Nguyễn Huệ, thị xã Đông Triều) vì chia sẻ thông tin giả mạo, sai sự thật trên mạng xã hội facebook. Tại cơ quan công an, Nguyễn Đình Sinh khai nhận, tối 16-2, Sinh đã sử dụng tài khoản facebook cá nhân đăng tải nội dung thông tin sai sự thật về khẩu phần ăn trong khu cách ly tập trung, xúc phạm uy tín của tổ chức liên quan. Tại cơ quan công an, Sinh thừa nhận do thiếu hiểu biết nên đăng nội dung thông tin sai sự thật, đồng thời gỡ bỏ các nội dung đã đăng tải trên mạng xã hội và cam kết không tái phạm. Mới đây, Sở Thông tin và Truyền thông TP Hà Nội cũng đã xử phạt hai trường hợp: Phạm Thị Ngọc (trú tại phường Đồng Tâm, quận Hai Bà Trưng) và Dương Ngọc Ánh (trú tại tòa B, chung cư Imperia Garden, số 143 Nguyễn Tuân, Thanh Xuân) về hành vi sử dụng facebook đăng nội dung sai sự thật về bệnh nhân 1552 ở Hải Dương và 1553 ở Quảng Ninh...
Ngoài các hình thức xử phạt hành chính, có lẽ đã đến lúc cần các biện pháp mạnh tay đối với những đối tượng tung tin giả, tin sai sự thật để tránh việc "nhờn luật". Quan trọng hơn, những người dùng mạng xã hội cần nâng cao cảnh giác trước những thông tin thất thiệt, mang tính kích động, gây hoang mang dư luận; đồng thời phải có biện pháp tự bảo vệ mình trước những thông tin xấu độc; tuyệt đối không chia sẻ, bình luận, like các bài viết đăng tải những thông tin chưa được kiểm chứng. Để nắm các thông tin chính trị, kinh tế-xã hội, tình hình dịch Covid-19, người dân cần tham khảo trang thông tin của các ban, bộ, ngành và cơ quan chức năng, thu thập, tiếp nhận thông tin ở các tờ báo chính thống, có uy tín. Làm được điều đó, chắc chắn tin giả, tin sai sự thật sẽ không còn đất sống.
TUẤN NAM