Ngay sau khi nhận được tin báo cháy, lực lượng chữa cháy rừng huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An, chính quyền địa phương, người dân và các ngành chức năng đã có mặt tại hiện trường, khẩn trương chữa cháy. Tuy nhiên do khu vực rừng xảy ra cháy chủ yếu là rừng thông và các loại cây khác dễ bắt cháy, trong khi địa hình phức tạp, trời nắng nóng, khô hạn nhiều ngày nay, gió thổi mạnh nên đến 21 giờ ngày 29-6, lửa vẫn bùng phát mạnh, chưa có dấu hiệu khống chế được. Tại hiện trường đang có hàng trăm người đang nỗ lực chữa cháy rừng.

Tại Nghệ An, trong 4 ngày qua đã liên tiếp xảy ra 4 vụ cháy rừng xảy ra tại huyện Yên Thành, Nghi Lộc, Diễn Châu. Tính chung, từ đầu tháng 6-2020 đến chiều 29-6 tại Nghệ An đã có 8 vụ cháy rừng; tổng diện tích rừng bị cháy là 87,08 ha; trong đó diện tích rừng bị thiệt hại là 33,07 ha.

Trong đó, vụ cháy rừng tại xã Diễn Lợi, huyện Diễn Châu là vụ cháy kéo dài nhất về thời gian và diện tích rừng bị thiệt hại. Vụ cháy này xuất hiện từ ngày 26-6 đến ngày 28-6 mới được khống chế, diện tích rừng bị cháy là 70 ha; trong đó diện tích rừng bị thiệt hại là 20 ha. Để khống chế được vụ cháy này, tỉnh Nghệ An đã huy động hàng ngàn người, bao gồm lực lượng phòng cháy, chữa cháy chuyên nghiệp của tỉnh và của huyện Diễn Châu, các lực lượng quân đội, biên phòng, chính quyền địa phương, người dân và các lực lượng khác trên địa bàn tỉnh.

Nghệ An là địa phương nằm trong vùng trọng điểm cháy rừng của cả nước. Hiện nay tại Nghệ An, thời tiết vẫn đang nắng nóng, khô hạn kèm theo gió Tây Nam nên nguy cơ cháy rừng là rất cao. Đối với một số khu vực rừng có nguy cơ xảy ra cháy cao, tỉnh Nghệ An vẫn đang duy trì sẵn lực lượng, phương tiện, trực 24/24 giờ, sẵn sàng ứng cứu khi có cháy xuất hiện.

* Khoảng 20 giờ 30 phút, ngày 29-6, các lực lượng chức năng đã phối hợp dập tắt hoàn toàn đám cháy rừng thông xảy trên núi tại phường An Tây, thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên-Huế.

Lực lượng phòng cháy, chữa cháy Công an tỉnh Thừa Thiên-Huế huy động xe chữa cháy cùng nhiều cán bộ, chiến sĩ tham gia dập lửa. Ảnh: TTXVN

Trước đó khoảng 19 giờ, tại khu vực đồi núi gần Trường Đại học Luật Huế đã xảy ra đám cháy lớn, ngọn lửa lan rất nhanh ra khu vực rừng thông. Nhận được tin báo của người dân, Ban CHQS thành phố Huế và lực lượng dân quân địa phương đã huy động hàng chục cán bộ, chiến sĩ cùng trang thiết bị dập lửa nhanh chóng có mặt tại hiện trường khống chế đám cháy. Lực lượng phòng cháy chữa cháy Công an tỉnh Thừa Thiên-Huế cũng huy động 3 xe chữa cháy tham gia dập lửa. Do địa hình phức tạp, chân núi là khu nghĩa trang, đám cháy xảy ra ở khu rừng thông phía trên ngọn núi, địa hình hiểm trở, trời tối nên công tác chữa cháy hết sức khó khăn.

Tuy nhiên, với sự phối hợp chặt chẽ của các đơn vị, hơn 1 giờ sau, đám cháy đã được khống chế. Ước tính ngọn lửa đã lan rộng ra diện tích khoảng 3 ha, chủ yếu là cháy phần thực bì và cháy lên 2/3 thân cây thông. Theo Chi cục Kiểm lâm tỉnh Thừa Thiên-Huế, đây là khu rừng thông cảnh quan do UBND phường An Tây quản lý.

Lực lượng tham gia chữa cháy cho rằng, nhiều khả năng nguyên nhân gây ra đám cháy là do người dân ở khu nghĩa trang phía chân núi đốt vàng mã, kết hợp với thời tiết nắng nóng và gió thổi đã làm bùng phát ngọn lửa. Hiện một đội dân quân địa phương của phường An Tây vẫn đang túc trực tại hiện trường để đề phòng ngọn lửa có thể bùng phát trở lại.

* Rạng sáng 30-6, lãnh đạo huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh cho biết: Huyện đang huy động hàng trăm người nỗ lực khống chế đám cháy rừng bùng phát ở xã Sơn Long. Tuy nhiên, do điểm phát lửa trên núi cao nên công tác dập lửa gặp rất nhiều khó khăn.

Đám cháy bùng phát vào buổi tối 29-6, ở khu vực xã Ân Phú, huyện Vũ Quang và điểm phát lửa ở núi Mồng Gà thuộc địa phận xã Sơn Long, huyện Hương Sơn. Do thời tiết nắng nóng kèm theo gió Lào thổi mạnh nên ngọn lửa nhanh chóng lây lan.

Cùng với đó, lửa bùng phát trên núi cao nên lực lượng chữa cháy khó tiếp cận, công tác phòng, chống cháy gặp rất nhiều hạn chế.

Huyện Hương Sơn và huyện Vũ Quang đã huy động hàng trăm cán bộ, chiến sĩ lực lượng công an, quân đội, dân quân tự vệ cùng với nhân dân tổ chức ngăn chặn đám cháy lây lan. Hiện tại, lực lượng chữa cháy rừng chỉ dùng các phương tiện thô sơ như cành cây, dao, cưa xăng mở đường băng cản lửa để ngăn chặn và dập lửa ở những điểm dễ tiếp cận. Các phương tiện phòng cháy và các máy bơm nước không thể đưa nguồn nước tới để chống cháy vì địa hình đồi núi dốc.

Địa điểm núi Mồng Gà ở xã Sơn Long vào thời điểm nắng nóng cùng kỳ năm ngoái cũng đã bùng phát cháy rừng, làm thiệt hại nhiều héc ta rừng ở đây. Hiện tại, đám cháy vẫn đang diễn ra và chưa được khống chế.

Trước đó, giữa tháng 6-2020, do thời tiết nắng nóng cùng với gió Lào khô hạn, cháy rừng đã xảy ra ở nhiều địa phương như ở xã Đức Đồng, huyện Đức Thọ; xã Hồng Lộc, huyện Lộc Hà, thiêu rụi 1,5 ha rừng trồng và diện tích này không thể phục hồi được.

Tin, ảnh: TTXVN