Theo Thứ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long, việc xây dựng Bộ luật Dân sự là để thể chế hóa Hiến pháp năm 2013, để Bộ luật thực sự trở thành luật chung của hệ thống pháp luật điều chỉnh các quan hệ dân sự; ghi nhận và bảo vệ tốt hơn các quyền của cá nhân, pháp nhân trong giao lưu dân sự; góp phần hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN, phục vụ hội nhập quốc tế, ổn định môi trường pháp lý cho sự phát triển kinh tế-xã hội.
Bộ luật gồm có 689 điều, 27 chương được bố cục thành 6 phần. Phần thứ nhất “Quy định chung". Phần thứ hai “Quyền sở hữu và quyền khác đối với tài sản", quy định nguyên tắc căn cứ xác lập, thực hiện quyền sở hữu, quyền khác đối với tài sản; bảo vệ quyền sở hữu, quyền khác đối với tài sản; giới hạn quyền sở hữu, quyền khác đối với tài sản; chiếm hữu; quyền sở hữu; quyền đối với bất động sản liền kề, quyền hưởng dụng, quyền bề mặt. Phần thứ ba “Nghĩa vụ và hợp đồng", quy định về căn cứ phát sinh, thực hiện nghĩa vụ và trách nhiệm dân sự; biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ; giao kết, thực hiện và chấm dứt hợp đồng; một số hợp đồng thông dụng; hứa thưởng và thi có giải; thực hiện công việc không có ủy quyền; nghĩa vụ hoàn trả do chiếm hữu, sử dụng tài sản, được lợi về tài sản không có căn cứ pháp luật và trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng. Phần thứ tư “Thừa kế", bao gồm quy định chung về thừa kế, thừa kế theo di chúc, thừa kế theo pháp luật, thanh toán và phân chia di sản. Phần thứ năm “Pháp luật áp dụng đối với quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài", bao gồm quy định chung, pháp luật áp dụng đối với cá nhân, pháp nhân, đối với quan hệ tài sản, quan hệ nhân thân có yếu tố nước ngoài. Phần thứ sáu “Điều khoản thi hành", quy định về hiệu lực thi hành và điều khoản chuyển tiếp.
Vẫn theo Thứ trưởng Lê Thành Long, để bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất và ổn định trong hệ thống pháp luật dân sự, Bộ luật Dân sự là luật chung điều chỉnh các quan hệ được hình thành trên cơ sở bình đẳng, tự do ý chí, độc lập về tài sản và tự chịu trách nhiệm (được gọi chung là quan hệ dân sự), thể hiện ở một số nội dung chủ yếu: Thứ nhất, quy định các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự và luật khác có liên quan điều chỉnh quan hệ dân sự trong các lĩnh vực cụ thể không được trái với các nguyên tắc cơ bản này. Thứ hai, quy định trường hợp luật khác có liên quan không có quy định hoặc có quy định nhưng vi phạm các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự thì quy định của Bộ luật Dân sự được áp dụng. Thứ ba, quy định cụ thể hơn hoặc bổ sung các công cụ pháp lý giúp tòa án có đủ căn cứ giải quyết các vụ việc dân sự, nhất là khi chưa có điều luật để áp dụng. Trường hợp này, tòa án có thể được áp dụng tập quán, tương tự pháp luật, nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự, án lệ và lẽ công bằng.
Bộ luật Dân sự cũng đã sửa đổi, bổ sung nhiều quy định của Bộ luật Dân sự năm 2005 để cụ thể hóa Hiến pháp năm 2013 về xây dựng, hoàn thiện hơn các cơ chế pháp lý công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền con người, quyền công dân trong lĩnh vực dân sự...
Bộ luật Dân sự sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2017.
NHẤT NGÔN