Hiện nay, các loại tội phạm thường xuyên lợi dụng khu vực biên giới để hoạt động với thủ đoạn tinh vi, liều lĩnh, do đó, BĐBP tỉnh Đắk Lắk và Đắk Nông đã triển khai đồng bộ các giải pháp đấu tranh...

Đấu tranh thành công nhiều chuyên án

Vào tháng 7-2023, BĐBP tỉnh Đắk Lắk tiếp nhận nguồn tin tố giác tội phạm của quần chúng nhân dân trên địa bàn xã biên giới Ia Rvê (Ea Súp, Đắk Lắk) về một đối tượng có hành vi lừa gạt người lao động bằng chiêu thức “việc nhẹ lương cao” rồi bán nạn nhân vào các cơ sở cà phê massage kích dục tại tỉnh Bình Dương. Bộ chỉ huy BĐBP tỉnh Đắk Lắk đã xác lập Chuyên án ĐL 723p, phối hợp với Đoàn Đặc nhiệm phòng, chống ma túy và tội phạm miền Nam (Cục Phòng, chống ma túy và tội phạm BĐBP) và Công an tỉnh Đắk Lắk bắt giữ Nguyễn Văn Thương (sinh năm 1992) trú tại TP Thuận An (Bình Dương) khi đối tượng đang lẩn trốn tại huyện M’Đrắk (Đắk Lắk). Nguyễn Văn Thương khai nhận đã lừa gạt hai nạn nhân tại huyện Ea Súp bán cho một đối tượng tại tỉnh Bình Dương để nhận 1,9 triệu đồng.

leftcenterrightdel

Bộ đội Biên phòng tỉnh Đắk Lắk tuần tra, kiểm soát biên giới. Ảnh: NGỌC LÂN 

Cùng với chiêu thức "việc nhẹ lương cao", tại huyện Cư M’gar (Đắk Lắk), hai cô gái người dân tộc thiểu số bị một phụ nữ cùng buôn dụ dỗ đưa đi làm việc ở TP Hải Phòng với thu nhập hứa hẹn hàng chục triệu đồng/tháng. Sau đó nạn nhân không chỉ bị bóc lột sức lao động mà còn bị bán vào tụ điểm mại dâm. May mắn, hai cô gái này đã được BĐBP tỉnh Đắk Lắk phối hợp cùng các lực lượng chức năng giải cứu thành công. Trước đó, cuối năm 2022, Đồn Biên phòng Đắk Lao (BĐBP tỉnh Đắk Nông) phối hợp với Đội Đặc nhiệm, Phòng Phòng, chống ma túy và tội phạm, BĐBP tỉnh Đắk Nông phát hiện, bắt quả tang một đối tượng có hành vi buôn lậu qua biên giới hơn 420kg pháo hoa nổ. Đây là vụ bắt giữ khối lượng pháo lậu lớn nhất từ trước đến nay của BĐBP tỉnh Đắk Nông.

Trong giai đoạn 2019-2024, BĐBP tỉnh Đắk Nông đã xác lập 10 chuyên án, xử lý 70 vụ/320 đối tượng; bắt giữ, khởi tố 27 vụ/29 đối tượng, thu giữ nhiều loại ma túy như heroin, methamphetamine cùng hơn 5 tấn cây cần sa, nhiều vũ khí quân dụng, vật liệu nổ; xử lý vi phạm hành chính 963 vụ/1.931 đối tượng, trong đó phạt tiền 627 vụ/1.181 đối tượng, thu nộp ngân sách nhà nước 1,13 tỷ đồng. BĐBP tỉnh Đắk Lắk cũng xử lý 170 vụ/319 đối tượng; trong đó khởi tố hình sự 5 vụ/6 đối tượng; tổ chức tuyên truyền, vận động, thu hồi 165 khẩu súng các loại cùng nhiều vũ khí, vật liệu nổ khác...

Theo Đại tá Nguyễn Văn Dũng, Phó chỉ huy trưởng BĐBP tỉnh Đắk Nông, Đảng ủy, Bộ chỉ huy BĐBP tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị tăng cường bám nắm địa bàn, dự báo, đánh giá tình hình hoạt động của các đối tượng, phòng, chống, đấu tranh hiệu quả với các loại tội phạm.

Tăng cường phối hợp, kiểm soát chặt chẽ biên giới

Đắk Lắk và Đắk Nông có đường biên giới dài hơn 200km tiếp giáp với Campuchia. Hai tỉnh có nhiều điểm tương đồng như diện tích rộng, nhiều dân tộc anh em cùng sinh sống. Đời sống của đồng bào, đặc biệt là ở vùng biên giới còn nhiều khó khăn, nhận thức về pháp luật của một bộ phận người dân còn hạn chế... Đây là điều kiện thuận lợi để các loại tội phạm lôi kéo, lợi dụng hoạt động trái pháp luật. Ngoài ra, lợi nhuận từ mua bán, vận chuyển hàng cấm rất cao nên không ít đối tượng cố tình vi phạm.

Đại tá Bùi Quốc Lương, Trưởng phòng Phòng, chống ma túy và tội phạm, BĐBP tỉnh Đắk Lắk cho biết: Công tác đấu tranh với các loại tội phạm thời gian qua dù đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận, tuy nhiên hiện nay, các đối tượng phạm tội đã có sự liên kết chặt chẽ trong và ngoài nước với nhiều phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi, liều lĩnh, manh động và có xu hướng gia tăng. Chúng luôn có sự chuyển hướng, thích nghi hoạt động để phù hợp với tính chất, đặc điểm từng tuyến, từng địa bàn nhằm đối phó với cơ quan chức năng. Các đối tượng có thể là người Campuchia, người Việt Nam làm ăn, sinh sống và định cư tại Campuchia móc nối về Việt Nam để thiết lập đường dây phạm tội.

Một vấn đề nhức nhối khiến công tác đấu tranh với tội phạm của lực lượng chức năng, trong đó có BĐBP ngày càng phức tạp là tỷ lệ người dùng điện thoại thông minh với các trang mạng xã hội như: Zalo, Facebook, TikTok... tăng nhanh ở các khu vực vùng sâu, vùng xa. Trong khi đó, nhiều người dân nhẹ dạ cả tin dễ trở thành “con mồi” của các đối tượng lừa đảo.

Để chủ động ngăn chặn, đấu tranh với các loại tội phạm ngay từ biên giới, theo Đại tá Đào Viết Hùng, Chỉ huy trưởng BĐBP tỉnh Đắk Lắk, BĐBP tỉnh sẽ tăng cường các tổ, chốt cố định, lưu động tuần tra, kiểm soát địa bàn, đặc biệt là địa bàn biên giới. Các đơn vị duy trì nghiêm chế độ sẵn sàng chiến đấu; thực hiện tốt công tác đối ngoại biên phòng, tăng cường hợp tác với lực lượng chức năng của Campuchia trong quản lý, bảo vệ biên giới, đấu tranh phòng, chống tội phạm. Các đồn biên phòng phối hợp với lực lượng chức năng của Campuchia tổ chức tuần tra song phương, kiểm soát bảo đảm khép kín địa bàn khu vực biên giới và những nơi có dấu hiệu phức tạp về an ninh, trật tự.

Ngoài tăng cường phối hợp với lực lượng công an triển khai đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ phòng, chống tội phạm, BĐBP hai tỉnh sẽ chủ động nghiên cứu, tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền phòng, chống, phát hiện, xử lý tội phạm bằng nhiều hình thức, như: Tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho nhân dân qua các phong trào, hoạt động văn hóa-xã hội của địa phương, các hội thi tìm hiểu pháp luật, hoạt động trợ giúp pháp lý, lồng ghép với các buổi sinh hoạt tập trung tại các thôn, buôn, bon; tuyên truyền trên hệ thống loa phát thanh, thông qua các đảng viên của đồn biên phòng phụ trách hộ gia đình và sinh hoạt đảng tạm thời ở chi bộ thôn, buôn, bon...; tranh thủ sự hỗ trợ của già làng, trưởng bản, người có uy tín và lực lượng thanh niên địa phương trong triển khai các đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm, góp phần giữ vững ổn định tình hình an ninh, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn biên giới.

AN LÊ

* Mời bạn vào chuyên mục Pháp luật xem các tin, bài liên quan.