Là sĩ quan chỉ huy gắn bó với chiến trường miền Nam gần 15 năm, Đại tá Nguyễn Văn Trịnh luôn tự hào về truyền thống “đi trước, về sau” cùng biết bao chiến công thầm lặng “sống để dạ, chết mang theo” của Bộ đội Công binh. Trong Chiến dịch Hồ Chí Minh, Lữ đoàn Công binh 550 (lúc này mang phiên hiệu là Lữ đoàn 25) nằm trong đội hình Quân đoàn 4, luôn là đơn vị đi đầu đội hình, trực tiếp chiến đấu mở đường, giải tỏa mìn và vật cản, bảo đảm đường cơ động cho các đơn vị trong tiến công giải phóng. Trong trận quyết chiến chiến lược tiến công giải phóng Sài Gòn tháng 4-1975, ông Nguyễn Văn Trịnh là Phó tham mưu trưởng Lữ đoàn, được giao trực tiếp chỉ huy một cánh quân của Lữ đoàn bảo đảm cho Quân đoàn 4 tiến công địch trên Quốc lộ 1 từ Bàu Cá đến Biên Hòa, sau đó phát triển vào Sài Gòn với mục tiêu chủ yếu là dinh Độc Lập. Riêng cánh quân do ông chỉ huy còn có nhiệm vụ sau khi Quân đoàn 4 chiếm dinh Độc Lập thì phát triển tiến công chiếm trại Đào Duy Từ (là sở chỉ huy Binh chủng Công binh của quân ngụy Sài Gòn).

Đại tá, cựu chiến binh Nguyễn Văn Trịnh. 

Nhiệm vụ “đi trước mở đường” đặt lên vai người chiến sĩ công binh rất nặng nề: Mở đường, làm ngầm, bắc cầu phao cho binh khí kỹ thuật nặng (xe tăng, pháo binh...), khắc phục các bãi chướng ngại vật dày đặc mìn mà quân ngụy đã bố trí nhằm chặn bước tiến của quân ta, làm đường mới cho các mũi vu hồi. Bộ đội Công binh đã làm nhiệm vụ với tinh thần “thần tốc, táo bạo” dưới làn bom đạn điên cuồng của địch.

Một trong những câu chuyện “thần tốc, táo bạo” mà Đại tá Nguyễn Văn Trịnh nhớ mãi là ông quyết định cho cán bộ, chiến sĩ dưới quyền học lái ô tô cấp tốc chỉ trong mấy ngày trước khi chiến dịch diễn ra. Xuất phát từ nhu cầu tiến công cơ giới, trong kho của đơn vị lại còn rất nhiều xe ben do Trung Quốc viện trợ, ông đã chỉ thị cho bộ đội học lái ô tô với tinh thần khẩn trương “người biết dạy người chưa biết”. Vì thế, khi nghe tin Quân đoàn 2 phát triển tiến công thuận lợi, chiếm được dinh Độc Lập (vốn là mục tiêu được giao cho Quân đoàn 4), ông đã lập tức lệnh cho đơn vị thuộc quyền mình chỉ huy chuyển sang tiến quân bằng xe ben, nhanh chóng vào dinh Độc Lập.

Đúng 12 giờ 30 phút ngày 30-4-1975, ông Trịnh và đơn vị đã có mặt tại dinh Độc Lập. Nhận thấy nhiệm vụ bảo đảm công binh tại đây đã có đơn vị bạn đảm nhiệm, ông nhờ một người dân Sài Gòn dẫn đường cho đơn vị tiến sang quận 10 để chiếm trại Đào Duy Từ. Quân ngụy bỏ chạy tán loạn, đơn vị ông (gồm một tiểu đoàn công binh công trình và một số lực lượng xe máy) chiếm lĩnh và kéo cờ giải phóng lên. Mọi việc tưởng như dễ dàng thì đến 21 giờ, lực lượng trinh sát của Lữ đoàn báo cáo: Nằm ngay cạnh trại Đào Duy Từ còn có một căn cứ của quân ngụy, quân số đông hàng trăm tên chưa rã ngũ, bọn chúng vẫn tập trung và nằm im trong doanh trại.

Thì ra, đó là một trung tâm kỹ thuật công binh, chuyên đào tạo sĩ quan, hạ sĩ quan công binh của quân ngụy. Tên chỉ huy trưởng đã cùng gia đình bỏ chạy nhưng chỉ huy phó là Trung tá Vương Văn Phúc ở lại duy trì kỷ luật rất nghiêm. Ông ta ra lệnh cho toàn bộ sĩ quan và 450 khóa sinh (học viên) của trung tâm niêm phong vũ khí, xong cởi bỏ quân phục, chờ Quân giải phóng đến để bàn giao. Sở dĩ bộ đội ta bỏ qua mục tiêu này vì từ buổi trưa, Vương Văn Phúc đã cho binh lính dưới quyền hạ cờ ba sọc, treo cờ giải phóng, khiến các đơn vị ta đánh qua địa bàn đều nghĩ là mục tiêu này đã có đơn vị chiếm lĩnh.

Tiểu đoàn Công binh 25 dưới sự chỉ huy của Phó tham mưu trưởng Lữ đoàn Nguyễn Văn Trịnh lập tức triển khai đội hình bao vây và gọi hàng căn cứ này. Vương Văn Phúc cử người ra tiếp cận Quân giải phóng và báo tin: “Quân ngụy đã sẵn sàng đầu hàng, mời chỉ huy của Quân giải phóng vào nhà điều hành của trung tâm để nhận bàn giao”. Nhưng với tinh thần cảnh giác, ông Nguyễn Văn Trịnh cùng ban chỉ huy Tiểu đoàn 25 đã lệnh cho Vương Văn Phúc phải ra đầu hàng ở khu vực sân trống giữa căn cứ. Hoàn thành công việc tiếp quản căn cứ này xong thì Sài Gòn giải phóng đã bước sang ngày mới.

Đại tá Nguyễn Văn Trịnh kể rằng, lúc đó ông đã thấm mệt nhưng không hề muốn ngủ, đi kiểm tra các chốt gác mà trong lòng trào lên niềm xúc động vô bờ, nhìn những dãy nhà vừa tiếp quản mà cứ hiện lên hình ảnh biết bao đồng đội đã ngã xuống khi chiến đấu mở đường cho xe tăng cơ động vào giải phóng Lộc Ninh tháng 4-1972; hay những ngày ta và địch giành giật từng thước đất tại thị xã Phước Long tháng 12-1974; những đoạn đường đẫm máu đồng đội tại Xuân Lộc, Bàu Cá, Dầu Giây... trên đường tiến vào Sài Gòn.

Sau Chiến dịch Hồ Chí Minh, Đại tá Nguyễn Văn Trịnh còn cùng Lữ đoàn Công binh 550 tham gia chiến đấu giải phóng thủ đô Phnôm Pênh, giúp nước bạn Campuchia xây dựng chính quyền cách mạng. Ông tham gia cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc khi đang học lớp bồi dưỡng chỉ huy trung, sư đoàn. Cuộc đời chiến đấu với nhiều lần bị thương, nhưng ông không làm chế độ thương binh theo lời khuyên của cấp trên-Đại tá Nguyễn Phú Xuyên Khung, nguyên Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn Công binh 550 (cũng là Đội trưởng Đội Công binh 83 đã đánh quả bộc phá nghìn cân trên Đồi A1 trong Chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954): “Chúng ta là chỉ huy, còn chỉ huy được bộ đội thì đừng bận tâm đến mấy vết thương xoàng”.

Bài và ảnh: NGUYỄN HỒNG

* Mời bạn đọc vào chuyên mục 50 năm đại thắng mùa Xuân 1975 xem các tin, bài liên quan.