Gặp chúng tôi khi từ trên thuyền bãi giữa sông Hồng trở về, ông Lưu Văn Sơn, 68 tuổi vẫn chưa hết bàng hoàng: "Nước lên nhanh quá! Chỉ trong hai ngày mà nước sông lên tới 2 mét. Nước lũ đã nhấn chìm vườn cây ăn quả của tôi, trong đó có rất nhiều bưởi, xoài, mít, chanh, cam... Đặc biệt là những cây sắp được thu hoạch. Giờ tất cả trôi theo dòng nước lũ, tiếc của lắm anh ạ. Nếu thu hoạch cũng được 50-70 triệu đồng, đấy là tính riêng giá trị hoa màu, chứ thiệt hại toàn bộ diện tích cây ăn quả thì còn lớn lắm. Anh biết đấy, trồng được một cây ăn quả, ít nhất cũng phải mất 3 năm với các giống cây cam, chanh, còn mít, xoài phải lâu hơn mới cho thu hoạch...". Nói đến đây, hai mắt ông đỏ hoe. "Từ năm 1996 đến bây giờ mới bị nước lũ làm ngập khu vực bãi này. Gia súc, gia cầm của một số hộ ở đây cũng bị chết. Tôi chỉ kịp đưa máy móc, dụng cụ sản xuất nông nghiệp lên gác xép...", ông Sơn tiếp tục than thở.
|
|
Dân quân tự vệ phường Yên Phụ hỗ trợ sơ tán dân và một phần tài sản ngoài bãi giữa sông Hồng.
|
Những người được sơ tán ở khu vực bãi giữa lên bờ mỗi người mang theo một tâm trạng buồn vui lẫn lộn, vui vì được đưa tới nơi an toàn, buồn vì tài sản của họ bỗng chốc bị dòng lũ đỏ quạch nhấn chìm. Anh Hoàng Văn Chinh, 46 tuổi, nhà ở phố Lê Duẩn, quận Hoàn Kiếm, thẫn thờ ngồi trên chiếc xe máy, đưa ánh mắt nhìn xuống dòng lũ than: "Thế là đi tong gần một tỷ đồng". Vườn cây của anh gồm 2.000 cây đào thế, khoảng 4.000 bụi chuối, chưa kể các loại cây ăn quả và các loại gia súc, gia cầm, anh Chinh thông tin.
Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Đặng Đức Thịnh, Chỉ huy trưởng Ban CHQS phường Yên Phụ (quận Tây Hồ) cho biết: Đến trưa 10-9, lực lượng dân quân tự vệ phường đã tổ chức, hỗ trợ sơ tán được 50 người dân ở bãi giữa sông Hồng, đồng thời vận động sơ tán 20 hộ dân (khoảng 80 nhân khẩu) ở bờ sông đến nơi trú tránh, bảo đảm an toàn. Hiện phường Yên Phụ đã huy động hai trung đội dân quân tự vệ (Trung đội thường trực, Trung đội cơ động) ứng trực, canh đê, sẵn sàng làm nhiệm vụ khi có tình huống xảy ra.
Cũng trong chiều 10-9, ông Lê Hoài Nam, Chủ tịch UBND phường Yên Phụ chia sẻ: Khu vực bãi giữa sông Hồng thuộc địa bàn hành chính của phường Ngọc Thụy (quận Long Biên). Người dân ở đây canh tác, nuôi trồng và vận chuyển các loại sản vật của họ vào khu vực nội đô tiêu thụ. Vì thế, khi nước lũ sông Hồng lên cao, phường đã tổ chức sơ tán dân không phân biệt địa giới hành chính. Nếu mực nước ở báo động 2, phường sẽ tổ chức sơ tán toàn bộ 130 hộ dân (khoảng 500 nhân khẩu) trên địa bàn vào các trường học trong đê để tránh lũ. Nếu mực nước sông Hồng lên trên báo động 3, phường sẽ phải đóng cửa khẩu để ngăn nước tràn vào thành phố. Công tác bảo vệ tính mạng người dân luôn là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu lúc này, ông Lê Hoài Nam nhấn mạnh.
Ở các phường nằm ngoài đê trên địa bàn hai quận Hoàn Kiếm, Ba Đình, công tác ứng phó nước lũ sông Hồng cũng được chính quyền tích cực triển khai thực hiện. Ông Nguyễn Văn Vĩnh, Chủ tịch UBND phường Chương Dương (quận Hoàn Kiếm) cho biết, phường đã yêu cầu các lực lượng trên địa bàn nắm chắc tình hình, sẵn sàng các phương án phòng, chống lũ lụt tại địa bàn. Hiện phường đã vận động đưa 46 hộ dân (162 nhân khẩu) khỏi khu vực nguy hiểm. Song, với tình hình hiện nay, số hộ dân phải di dân sẽ tiếp tục tăng lên. Ông Nguyễn Công Bằng, Chủ tịch UBND phường Phúc Tân (quận Hoàn Kiếm) thông tin, các lực lượng trên địa bàn phường đang được huy động tối đa để thực hiện công tác đối phó với tình hình nước sông Hồng dâng cao; phường cũng đang nhanh chóng rà soát, hỗ trợ đưa các phương tiện đến hỗ trợ đưa người dân đến nơi an toàn.
Tại phường Phúc Xá (quận Ba Đình), ngay trong ngày 10-9, người dân nhanh chóng chuẩn bị di dời đồ đạc, tài sản đến nơi an toàn. Thông tin từ UBND quận Ba Đình cho biết, quận đang huy động lực lượng di dời toàn bộ khoảng 200 hộ dân có nguy cơ cao tại khu vực bờ vở sông Hồng, thuộc địa bàn phường Phúc Xá, bảo đảm thực hiện xong trong ngày 10-9. Đồng thời, UBND phường Phúc Xá và UBND quận Ba Đình cũng triển khai các phương án hỗ trợ người dân di dời khỏi khu vực nguy hiểm, lực lượng chức năng quận và phường đã chuẩn bị chỗ ở tạm và 3 bếp ăn, hỗ trợ người dân ứng phó lũ.
Theo Chủ tịch UBND huyện Đan Phượng Nguyễn Văn Đức, hiện công tác hỗ trợ người dân di dời tài sản, thu hoạch hoa màu và nông sản vẫn được các lực lượng chức năng trên địa bàn khẩn trương triển khai. Ngay trong ngày 10-9, Ban chỉ huy quân sự huyện Đan Phượng đã huy động hàng trăm cán bộ, chiến sĩ, dân quân thường trực và dân quân các xã di chuyển tài sản của nhân dân sinh sống ở ngoài đê sông Hồng đến nơi an toàn trong tình hình nước lũ tiếp tục dâng cao.
Dòng nước phù sa cuồn cuộn chảy trên sông Hồng qua Hà Nội đã gây thiệt hại về tài sản, những lúc gian khó mới thấy hết tinh thần người Việt Nam luôn đoàn kết để cùng nhau vượt qua khó khăn, thử thách của thiên tai, của dòng nước lũ hung dữ. Nhưng có một điều chúng tôi cảm nhận được, nước lũ có thể tàn phá, hủy hoại tài sản, vật chất, song không thể ngăn cản được tất cả dân, quân Hà Nội lúc này cùng chung sức, đồng lòng vượt qua thử thách. Người Việt Nam với tinh thần sẻ chia, luôn đoàn kết cùng nhau vượt qua thiên tai, bão lũ-đây là “tài sản vốn quý” của dân tộc đấy anh ạ, đó là chia sẻ của Chủ tịch UBND phường Yên Phụ trước lúc chia tay. Chúng tôi tin và hy vọng như thế!
Bài và ảnh: NGUYỄN KIỂM - VŨ DUNG
*Mời bạn đọc vào chuyên mục Quốc phòng an ninh xem các tin, bài liên quan.