Căn nhà nhỏ của Đại tá Thân Xuân Hạnh nằm trên đường Nguyễn Văn Cừ (Long Biên, Hà Nội). Mặc những ồn ào nơi phố xá, ông bà lui vào phía trong, nếp sống giản dị và bình lặng. Trên tường treo rất nhiều ảnh kỷ niệm của gia đình. Mỗi bức ảnh là một ký ức về chặng đường mà ông bà đã cùng nhau vượt qua suốt hơn 60 năm gắn bó. Bà tâm sự: “Chúng tôi lấy nhau cũng vì cái nghĩa cái tình. Chứ ngày ấy nào có tìm hiểu yêu đương như bây giờ. Lấy nhau rồi mới nhớ, mới thương”.

Con cháu sum vầy bên ông bà Thân Xuân Hạnh-Lương Thị Hải. Ảnh do gia đình cung cấp 

Ông bà là người cùng xã Đa Mai (nay là phường Đa Mai, TP Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang). Những năm 50 của thế kỷ trước, ở nông thôn còn rất khó khăn. Điều kiện liên lạc, phương tiện đi lại thiếu thốn nên chuyện nam nữ tìm hiểu nhau rất hạn chế. Trai gả vợ, gái lấy chồng vẫn qua mai mối và sự sắp đặt của gia đình. Ông bà cũng không nằm ngoài lệ đó. Ngày ấy, gia đình cô gái Lương Thị Hải làm hàng xáo rồi tản cư lên vùng Lạng Giang (Bắc Giang). Một lần cô về tỉnh lỵ Bắc Giang dự đám cưới, người anh họ ướm hỏi: “Cô năm nay bao nhiêu tuổi? Có người yêu chưa?”. Cô Hải e thẹn: “Em thì ai yêu!”. Ông anh tiếp lời: “Để tôi giới thiệu cho. Em đằng họ nhà tôi”. Lời nói khiến khuôn mặt cô gái đương xuân đỏ bừng bừng, thẹn không dám trả lời.

Thời điểm đó, chàng trai Thân Xuân Hạnh đang học trên tỉnh Bắc Giang cũng được anh họ giới thiệu về cô Hải. Thế rồi một lần cô Hải về tỉnh cắt thuốc Nam, nhờ sự dẫn dắt của người anh họ mà hai người gặp nhau. Chuyện chỉ chào hỏi xã giao, không ai hứa hẹn điều gì xa xôi. Ấy thế mà mấy tháng sau, bố cô nói chuyện gả chồng. Cô ngượng ngùng bảo không quen làm ruộng, về nhà chồng biết làm gì để ăn. Bố khuyên về học rồi biết, nhà có con gái gả chồng gần để mai sau giỗ, Tết còn nhờ. Còn anh Hạnh cũng vậy, bảo cưới vợ là cưới.

Vợ chồng mới quen hơi thì mùa xuân năm 1959, anh Hạnh lên đường nhập ngũ. Một mình người vợ trẻ ở nhà học làm ruộng, chăm bố mẹ già, bụng to vượt mặt vẫn lặn lội ra đồng. Năm 1960, có đợt khám tuyển phi công, đồng chí Hạnh đủ điều kiện đào tạo phi công. Sau khi học tiếng Nga, đầu năm 1961, đồng chí Hạnh đi đào tạo tại Liên Xô. Suốt 3 năm đằng đẵng, vợ chồng không có thông tin của nhau. Ông Hạnh cứ mải miết học tập, huấn luyện máy bay để sớm về phục vụ Tổ quốc.

Còn bà Hải vừa sản xuất vừa tham gia du kích của xã, đảm nhiệm trực chiến bắn máy bay tầm thấp, bảo vệ cầu đường. Bà còn tích cực tham gia công tác phụ nữ, vận động chị em đi đắp ụ súng, đào công sự bảo vệ xóm làng, nhận khâu vá quân phục cho đơn vị bộ đội. Những tháng năm xa cách vất vả, bao nhớ thương bà chỉ để trong lòng. Bà Hải tận tình nuôi nấng cậu con trai đầu lòng Thân Hồng Phúc, trọn đạo dâu thảo với bố mẹ chồng.

Năm 1964, ông Hạnh về nước nhận nhiệm vụ tại sân bay Đa Phúc (nay là sân bay Nội Bài). Thời kỳ đó, Mỹ thực hiện chiến tranh phá hoại miền Bắc, lực lượng phi công phải trực chiến sẵn sàng đánh trả các đợt máy bay địch xâm phạm vùng trời. Nhiệm vụ của người phi công là gắn bó với phi trường và những chuyến xuất kích, thời gian dành cho gia đình rất eo hẹp. Thậm chí, ngày bố ông Hải qua đời nhưng vì nhiệm vụ trực chiến quan trọng khẩn trương nên ông cũng không về chịu tang được. Mọi việc gia đình đều gửi gắm người vợ đảm cùng bà con họ hàng lo giúp. Thấu hiểu điều kiện của chồng, bà Hải chẳng nửa lời than phiền, một mình lo lắng mọi chuyện trong gia đình.

Gần 20 năm công tác ở đơn vị chiến đấu, năm 1985, ông Hạnh chuyển sang phục vụ máy bay chở khách Tu-134 của Trung đoàn 919. Ông mải miết với những chuyến bay trong nước và quốc tế. Thời điểm này, bà vẫn một mình ở quê nuôi 5 người con. Thương vợ vất vả, ông quyết định đưa bà ra Hà Nội ở trong khu tập thể. Về Thủ đô, bà không có việc làm, sinh kế gia đình vô cùng khó khăn. Vốn đảm đang tháo vát, bà quyết định đi bán hàng, gặp gì bán đó. Nhờ tảo tần, bà lo cho cuộc sống gia đình tạm ổn. Ông vì thế cũng yên tâm công tác.

 Cho đến năm 2001, khi ông Hạnh nghỉ hưu, ông bà mới thực sự được ở gần để chăm sóc cho nhau. Bà Hải chia sẻ: “Dù phi công nay đây mai đó, quen biết nhiều người mặn mà nhưng tôi luôn tin tưởng ông ấy là người nghiêm túc, đứng đắn, ăn ở đường hoàng, trước sau như một”. Còn ông thì nói vui rằng: “Cũng may lấy vợ sớm chứ cứ đi chiến đấu, công tác suốt thì chẳng có thời gian mà tìm hiểu. Tôi phải biết ơn bà ấy nhiều lắm, nhờ có bà làm “nội tướng” mình mới thỏa sức bay”.

Các con đều trưởng thành, ông bà mãn nguyện vui thú tuổi già. Bà tích cực tham gia công tác tại địa phương, hoạt động hội phụ nữ, nhất là phong trào văn hóa, văn nghệ. Là người của mảnh đất quan họ, bà vẫn hay ngâm nga câu hát đằm thắm mượt mà. Những khi ấy, ông là khán giả trung thành chăm chú lắng nghe, động viên nhiệt tình. Qua bao xa cách, tình cảm ông bà càng gắn bó bền chặt đẹp tựa câu ca quan họ “Tương phùng, tương ngộ” bà vẫn hay hát.

THƯ NGỌC