Tại huyện Quốc Oai, chiều 25-7, nước đang rút chậm, các vùng ngập lụt, nguy cơ sạt trượt đã giảm. Tuy nhiên, mực nước trên sông Tích vẫn ở mức báo động 3. Một số xã vùng ven sông Tích như: Đông Yên, Cấn Hữu, Tuyết Nghĩa, Hòa Thạch... vẫn bị ngập lụt.
Những ngày qua, gần 400 cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 308 (Quân đoàn 12) và hàng trăm cán bộ, chiến sĩ thuộc Tiểu đoàn Thông tin (Bộ tư lệnh Thủ đô Hà Nội), Trung tâm 95 (Cục Tác chiến điện tử, Bộ Tổng Tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam) cùng hơn 200 dân quân địa phương đã được huy động giúp người dân khắc phục hậu quả mưa lũ.
Theo Thiếu tá Nguyễn Văn Tăng, Trợ lý Dân vận Ban CHQS huyện Quốc Oai, bộ đội và dân quân tự vệ của địa phương đã tích cực tham gia đắp đê chống tràn và giúp nhân dân kê kích, di chuyển tài sản đến nơi an toàn. Đồng thời, các đơn vị cũng kết hợp làm công tác dân vận, giúp địa phương tu sửa nghĩa trang liệt sĩ, vệ sinh đường làng, ngõ xóm, khơi thông cống rãnh, kênh rạch để thoát nước ngập úng...
Tại huyện Chương Mỹ, trong hai ngày 23 và 24-7 có mưa rất to. Lượng mưa đo được tại xã Trần Phú là gần 190mm; tại thị trấn Xuân Mai lên tới hơn 330mm, đây là lượng mưa cao kỷ lục. Mưa lớn khiến mực nước sông Bùi đột ngột dâng cao hơn 1m so với mặt đê, nước tràn qua đập tràn, uy hiếp hàng nghìn hộ dân. Tại đê Tả Bùi 2 ở khu vực các xã Nam Phương Tiến và Hoàng Văn Thụ có 900m bị tràn, có điểm mực nước tràn lên đến 60cm; đê Thổ Ngõa thuộc xã Đông Phương Yên bị vỡ đoạn dài 40m, sâu 1m; đê Đầm Vừng thuộc địa phận xã Trần Phú có 216m bị tràn. Các lực lượng đã và đang tích cực tổ chức đắp đê chống tràn.
Tại tổ dân phố Tân Mai, thị trấn Xuân Mai, mực nước ngập sâu nhất là 1,3m; trên Quốc lộ 6 địa phận xã Phú Nghĩa ngập đoạn dài 400m, sâu 40cm; Đường Hồ Chí Minh thuộc xã Tân Tiến ngập đoạn dài 250m, sâu 30cm, đoạn qua xã Thủy Xuân Tiên ngập dài 100m, sâu 30cm; một số khu vực khác ngập lụt cục bộ, có nơi lên đến 50-60cm, các phương tiện không di chuyển được. Đến chiều 25-7, mực nước sông Bùi vẫn trên báo động 3. Theo thống kê ban đầu, tổng diện tích ngập úng gây thiệt hại cho lúa, hoa màu, thủy sản của huyện Chương Mỹ khoảng hơn 2.100ha. Trước tình hình đó, từ đêm 23-7, bộ đội địa phương và dân quân đã có mặt giúp sơ tán người già, trẻ nhỏ lên các vị trí an toàn.
Thượng tá Bùi Bá Dũng, Chính trị viên Ban CHQS huyện Chương Mỹ cho biết: Cơ quan quân sự huyện đã chủ động tham mưu với Ban chỉ huy phòng, chống lụt bão của huyện kịp thời huy động lực lượng khẩn trương đắp đê, hộ đê, giúp dân di dời tài sản, thu hoạch hoa màu, tích cực tìm kiếm người bị nạn. 280 cán bộ, chiến sĩ thuộc các đơn vị Quân đội; gần 400 dân quân, cùng với phương tiện gồm 5 xe tải, 5 xe con, 1 xe cứu thương được huy động, phối hợp với lực lượng Công an tổ chức sơ tán 25 hộ dân tại thị trấn Xuân Mai; 120 hộ dân tại xã Phú Nghĩa; 50 hộ dân tại xã Tốt Động và nhiều hộ dân khác thuộc các xã Thủy Xuân Tiên, Nam Phương Tiến, Hoàng Văn Thụ. Bộ đội, dân quân tích cực tham gia kê kích, di chuyển tài sản của người dân đến khu vực bảo đảm an toàn, đồng thời cung cấp nước uống, nến và các vật chất cần thiết khác giúp các hộ dân vùng ngập lụt bảo đảm cuộc sống. LLVT địa phương vẫn duy trì trực 24/24 giờ, sẵn sàng tham gia xử lý hiệu quả các tình huống và phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể địa phương sẵn sàng vận chuyển lương thực, thực phẩm, thuốc men, vật tư thiết yếu để hỗ trợ nhân dân vùng ngập sâu phải sơ tán; tổ chức vệ sinh môi trường, khắc phục hậu quả sau khi nước rút.
NGỌC HÂN
* Mời bạn đọc vào chuyên mục Quốc phòng an ninh xem các tin, bài liên quan.