Thật thú vị khi tôi được biết bà cư trú ở cùng ngõ, cùng tổ dân phố với nhà tôi lúc đó (phường Ngọc Thụy, quận Long Biên, TP Hà Nội). Thì ra cụ bà có mái tóc bạc trắng, trông rất hiền hậu mà thi thoảng tôi gặp trong ngõ nhà mình lại chính là nữ Anh hùng LLVT nhân dân đầu tiên của Quân đội ta.

leftcenterrightdel
 

Anh hùng LLVT nhân dân Nguyễn Thị Chiên.  Ảnh tư liệu

Bà sinh năm 1930, tại xóm Trại Đồng, xã Tân Tiến (nay là thị trấn Kiến Xương, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình). Bà là con út trong gia đình có 5 anh chị em. Bà tham gia du kích từ lúc hơn 15 tuổi, được phân công thực hiện các công việc như: Rải truyền đơn, quan sát hoạt động của địch tại các bến đò ven sông Hồng, phát hiện nơi ém quân của địch...

Năm 1946, địa bàn Kiến Xương trở thành tâm điểm đàn áp của thực dân Pháp, bởi phía đối diện bên kia sông Hồng là huyện Xuân Trường (Nam Định) có sở chỉ huy của quân Pháp đồn trú. Thời gian này, bà Chiên cùng anh em du kích địa phương tìm cách phá hủy các đồn bốt địch, lấy súng của địch đem về cho du kích, bộ đội chủ lực của ta. Bà còn cùng với chị em đi bắt cua, cá bán lấy tiền để mua súng, đạn của binh lính địch... 

Tháng 4-1950, trên đường đưa cán bộ về hoạt động tại xã, bà Chiên bị địch bắt. Địch dùng nhiều thủ đoạn từ dụ dỗ đến tra tấn dã man, song nữ du kích gan dạ vẫn kiên quyết không khai nửa lời. Hồi tưởng về những ngày lao tù, bà nhớ nhất là những lần bị địch buộc tay chân vào cây tre rồi đem vứt xuống sông; chờ bà sắp chết ngạt dưới nước, chúng lại vớt lên, nhưng địch vẫn không moi được thông tin gì từ bà. Địch còn giả vờ đưa bà đi bắn tới 3 lần, chúng trói bà vào gốc xoan, lấy băng đen bịt mắt rồi nổ súng sát tai để dọa, song bà vẫn không sợ. Không có chứng cứ để buộc tội, địch buộc phải thả bà ra sau hơn 3 tháng giam cầm, tra tấn.

Rời nơi giam cầm của địch, nữ du kích Nguyễn Thị Chiên càng thêm hăng hái hoạt động cách mạng. Điển hình là trong trận phục kích đánh địch trên Đường 39 vào tháng 10-1951, bà trực tiếp bắn bị thương một tên địch, bắt sống 6 tên, thu 4 khẩu súng. Cuối năm 1951, khi địch lùng sục vào làng, bà tiếp tục chỉ huy du kích phối hợp cùng bộ đội chủ lực phục kích đánh địch và trực tiếp bắt sống 4 tên.

Với những thành tích xuất sắc trong kháng chiến chống thực dân Pháp từ năm 1946 đến 1952, nữ du kích Nguyễn Thị Chiên được tặng thưởng Huân chương Quân công hạng Ba, Huân chương Chiến công hạng Nhất, 2 Huân chương Kháng chiến hạng Nhất. Tháng 5-1952, Trung đội trưởng du kích Nguyễn Thị Chiên vinh dự là đại biểu nữ du kích duy nhất được chọn báo cáo điển hình tại Đại hội Anh hùng, Chiến sĩ thi đua toàn quốc lần thứ nhất tổ chức ở Việt Bắc. Tại đại hội, cùng với các đồng chí: La Văn Cầu, Cù Chính Lan, Nguyễn Quốc Trị, nữ Trung đội trưởng du kích Nguyễn Thị Chiên trở thành một trong 4 Anh hùng LLVT nhân dân đầu tiên của Quân đội. Tấm gương nữ du kích Nguyễn Thị Chiên được Bác Hồ trực tiếp viết bài đăng trên Báo Nhân Dân, số ra ngày 5-6-1952 để tuyên truyền tấm gương gan dạ, dũng cảm, nhiều thành tích trong chiến đấu.

Sau đó, nữ du kích Nguyễn Thị Chiên chính thức gia nhập QĐND Việt Nam. Với kinh nghiệm tổ chức và triển khai lực lượng du kích tại địa phương, bà được cấp trên điều về Hà Nội phụ trách và quản lý lực lượng dân quân của một số huyện ngoại thành. Sau nhiều năm công tác tại Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam và Quân khu Thủ đô, năm 1984, Trung tá Nguyễn Thị Chiên được nghỉ hưu. Bà Chiên qua đời năm 2016, nhưng tôi vẫn luôn nhớ và thường xuyên kể cho các con nghe về tấm gương chiến đấu mưu trí, dũng cảm, gan dạ của nữ Anh hùng LLVT nhân dân đầu tiên của Quân đội ta, cùng những kỷ niệm sâu sắc khi tôi được nhiều lần trò chuyện với bà.

VIỆT ANH

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Quốc phòng an ninh xem các tin, bài liên quan.