Bỗng tin nhắn được gửi tới từ N.T.B-thành viên đội TNV trực tổng đài Trung tâm cấp cứu (TTCC) 115.

- Em xin lỗi anh, em vừa về nhà nhưng không kịp báo anh, em chỉ báo với mọi người là về thăm ba, em sợ ảnh hưởng tới tinh thần cả đội.

- Sao vậy em? Có chuyện gì vậy?

- Ba em mất rồi!

- Trời ơi! Em đi gì về?

- Dạ, em mượn xe máy của một chị trong TTCC để về.

- Tình hình gia đình như thế nào rồi em?

- Khi em về tới nhà, ba đã được đem đi hỏa táng rồi...

- Tại sao ba mất vậy em?

- Dạ, ba em bị bệnh, nhưng ba mất đột ngột quá...

 Lực lượng Trực tổng đài trung tâm cấp cứu 115

Câu chuyện của N.T.B khiến tôi nghẹn lại!

Tin dữ từ gia đình thông báo khi N.T.B đang trực tổng đài. Em để điện thoại ở chế độ rung nên không biết để nghe máy. Khi thực hiện nhiệm vụ trực tổng đài tại TTCC 115, N.T.B luôn đặt điện thoại cá nhân ở chế độ rung, bởi các cuộc điện thoại từ người dân gọi đến tổng đài liên tục. N.T.B tập trung cao độ để không bỏ lỡ bất kỳ cuộc gọi nào, em nghĩ, chỉ lỡ một cuộc gọi thôi, có thể tính mạng của một người bệnh Covid-19 sẽ bị đe dọa.

Vừa hết ca trực, điện thoại reo và em hay tin ba mất. N.T.B bàng hoàng, tai ù đi. N.T.B không muốn tin vào sự thật nghiệt ngã ấy. Nhưng sau đó, em cố gắng trấn tĩnh và mượn xe của một chị trong đội để về nhà. Vậy mà khi về đến nơi, N.T.B không còn kịp gặp ba lần cuối. Em chỉ nghe được người nhà kể lại những giây phút cuối cùng của ba và những lời ba nhắn gửi tới em... Thế là ba của N.T.B đã rời cõi trần. Em chỉ còn biết khóc thật to, cầu mong ba ra đi thanh thản và xin lỗi vì không thể bên cạnh ba phút cuối...

N.T.B là một TNV tích cực của TP Hồ Chí Minh. Em đã có hai tháng tham gia các hoạt động phòng, chống dịch Covid-19 với những nhiệm vụ khác nhau: Từ điều phối tiêm vaccine, điều phối lấy mẫu cho đến hỗ trợ trực tại khu cách ly và trực tổng đài TTCC 115.

Hai tháng tham gia các hoạt động tình nguyện cũng là quãng thời gian N.T.B phải ở nhờ nhà của một TNV khác vì lo nếu chẳng may nhiễm bệnh sẽ ảnh hưởng tới gia đình, đặc biệt là ba em bởi ba bị bệnh ung thư suốt mấy năm nay. Hai tháng đó, hai ba con em chỉ gặp nhau qua điện thoại. Ba biết N.T.B đi tình nguyện và ông ủng hộ. Khi bệnh tật, ai cũng mong muốn người thân ở cạnh, nhưng có lẽ ba của N.T.B hiểu mong muốn cống hiến cho cộng đồng của em. Ông ghìm nỗi đau, nỗi nhớ con để ủng hộ con trai. Sự ủng hộ của ba là sức mạnh tinh thần vô cùng to lớn, giúp cậu con trai cố gắng vượt qua mọi khó khăn để thực hiện nhiệm vụ.

Kết thúc tin nhắn, N.T.B vẫn không quên bổn phận của mình: "Anh cho em về lo việc gia đình vài ngày, nhờ anh điều phối giúp em vì đội trực của em một số bạn chưa quen công việc. Khi xong việc nhà, em sẽ chủ động đi test (kiểm tra) Covid-19 để bảo đảm an toàn cho cả đội. Nếu mọi chuyện ổn, xin phép anh cho em quay lại đội để tiếp tục công việc TNV của mình, vì đó là điều mà ba em luôn ủng hộ".

Ngoài B, đội hình trực tổng đài TTCC 115 có hơn 50 TNV khác gồm đội ngũ TTCC 115, sinh viên y khoa Phạm Ngọc Thạch và cũng có những người đang là kiến trúc sư, nhân viên văn phòng hay là TNV nhóm Go Volunteer của Thành đoàn TP Hồ Chí Minh... Nhiệm vụ chính của họ gồm trực điện thoại, tiếp nhận và xử lý cuộc gọi cấp cứu, điều phối để chuyển cuộc gọi cho các bác sĩ, thậm chí tham gia một số công tác cấp cứu khi cần thiết.

Các TNV được chia thành 3 ca làm việc, mỗi ca kéo dài 8 tiếng với khoảng 8 bạn. Ca một từ 7 giờ đến 15 giờ, ca hai từ 15 giờ đến 23 giờ và ca ba từ 23 giờ đến 7 giờ. Có lần, khi đồng hồ chỉ 3 giờ 46 phút sáng, tôi nghĩ: “Nhắn tin thử xem các bạn TNV trực tổng đài ca 3 còn ai thức không?”.

- Ca 3 ngủ chưa?

- Dạ, 1 bạn ngủ, 7 bạn vẫn đang trực tổng đài.

Tôi rớm nước mắt! Ban ngày, các bạn trực chốt, hỗ trợ tiêm vaccine, điều phối lấy mẫu... vậy mà đến giờ này các bạn không dám ngủ. Dù mới thành lập nhưng điều tôi cảm phục trước các bạn là tình đồng đội và tinh thần trách nhiệm. Để trở thành thành viên của đội hình tình nguyện trực tổng đài TTCC 115, các bạn đều phải trải qua khóa huấn luyện cấp tốc.

Trong quá trình làm việc cùng nhau, các bạn dìu dắt, chỉ bảo, chia sẻ công việc với nhau. Nghe thông báo ca này thiếu người hay các thành viên khác chưa đến kịp, người ca trước nhắn tin xung phong: "Để em trực thế cho bạn, em còn làm được", có bạn đang ở nhà tức tốc chạy lên trung tâm để hỗ trợ. Hay có bạn vừa kết thúc ca trực lúc 11 giờ đêm, biết tin 12 giờ đêm khu nhà mình sẽ bị phong tỏa liền khẩn trương chạy về nhà lấy đồ rồi lên bệnh viện ở luôn để bảo đảm nhóm trực không bị mất người. Các TNV đều lo rằng nếu để người dân cần cấp cứu gọi tới mà cứ nghe "tít...tít..." kéo dài thì tâm lý của họ lại càng nặng nề và lo sợ.

Mỗi ngày, tổng đài TTCC 115 tiếp nhận từ 3.000 đến 3.500 cuộc gọi. Điện thoại đổ chuông suốt ngày đêm. Phía sau câu nói được cất lên bất kể ngày đêm: “Trung tâm cấp cứu 115 xin nghe!” là nỗ lực quên mình của những người trẻ. Họ hiểu sâu sắc rằng thành phố đang cần họ, đất nước đang cần họ. Và họ vượt qua mệt nhọc, vượt qua những nỗi niềm riêng để không bỏ sót bất kỳ cuộc gọi nào của người dân TP Hồ Chí Minh.

TRẦN NAM ANH (Điều phối tình nguyện viên trực tổng đài Trung tâm cấp cứu 115 TP Hồ Chí Minh)

 Các bài viết cộng tác với Chuyên mục "Covid-19 - Nhật ký đối mặt" xin gửi về địa chỉ email: kinhte@qdnd.vn và dientu@qdnd.vn.