Lúc này, bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Thanh Phước, Giám đốc Bệnh viện Vũng Tàu (Bệnh viện Lê Lợi) mới có thời gian để nhìn lại chặng đường vô cùng gian nan, vất vả và sự hiểm nguy của dịch bệnh luôn bủa vây nhưng vô cùng ý nghĩa bởi tình người được lan tỏa, tấm lòng “lương y như từ mẫu” tiếp tục được phát huy trong bối cảnh dịch bệnh.
 |
Bác sĩ Bệnh viện Vũng Tàu đang điều trị cho bệnh nhân nhiễm Covid-19 |
Vũng Tàu ngày 16-10,
Sáng nay ba dậy sớm hơn mọi ngày bởi lâu lắm rồi, ba mới có một buổi sáng cuối tuần thảnh thơi một chút. Vừa nhâm nhi ly cà phê, ba ngồi viết những dòng nhật ký gửi cho con đang học tại Ngành Y khoa tại TP Hồ Chí Minh. Để sau này khi con ra trường, đi làm việc và sẽ trở thành đồng nghiệp của ba, con sẽ nhớ về quãng thời gian mà ba mẹ tham gia chống dịch ra sao.
Khó khăn, vất vả, hiểm nguy nhưng ba luôn cảm thấy ấm lòng bởi đã góp một phần sức lực nhỏ bé của mình vào cuộc chiến với đại dịch.
Con biết không, hiện nay dịch bệnh đã bắt đầu tạm lắng. Các y, bác sĩ của Bệnh viện Vũng Tàu được tăng cường sang Bệnh viện điều trị Covid từ 3 tháng trước thì nay đã trở về để tập trung cho công tác khám, chữa bệnh hàng ngày, số lượng bệnh nhân mấy hôm nay bắt đầu đông lên.
Hiện tại, ở Bệnh viện điều trị Covid Vũng Tàu chỉ còn 6 bác sĩ, 12 điều dưỡng tiếp tục điều trị cho 6 bệnh nhân, trong đó có 2 bệnh nhân đang phải thở máy.
Nhìn lại quá trình điều trị Covid-19 thời gian qua, ba rất cảm ơn các đồng nghiệp, y, bác sĩ đã đồng tâm, hiệp lực, phối hợp tích cực, dồn hết sức lực, cố gắng hết mình để điều trị cho những bệnh nhân bị nhiễm bệnh. Có những ngày, Bệnh viện phải tăng cường gần 150 bác sĩ để điều trị cho bệnh nhân nhiễm Covid-19.
 |
Bác sĩ chuẩn bị thiết bị y tế điều trị cho bệnh nhân nhiễm Covid-19. |
Thời điểm đó, ngày nào ba cũng phải tổ chức họp giao ban, nghe các bác sĩ báo cáo tình hình của từng bệnh nhân, tiến triển bệnh ra sao… để ba phối hợp với các bác sĩ bệnh viện tuyến trên, đưa ra phác đồ điều trị hữu hiệu nhất.
Bệnh viện chuyên điều trị cho những người bị nhiễm Covid-19 ở thể nặng nên khối lượng công việc nhiều và dồn dập. Có những lúc, Bệnh viện tiếp nhận đến 500 bệnh nhân cần phải can thiệp gấp để cứu chữa kịp thời. Vì thế, đòi hỏi đội ngũ y, phải có chuyên môn tốt, từng làm ở khoa hồi sức cấp cứu, có kinh nghiệm thì mới đảm đương được công việc.
Có lẽ từ khi bước vào nghề đến nay thì đây là lần đầu tiên mà ba và các đồng nghiệp trải qua quãng thời gian làm việc vất vả, căng thẳng và hiểm nguy đến thế.
Có những bác sĩ thời gian đầu còn chưa kịp hình dung khối lượng công việc ra sao, sự vất vả thế nào thì phải nhập cuộc ngay vào cuộc chiến với dịch bệnh. Phải mất mấy ngày, mọi người mới quen dần với áp lực công việc.
 |
Các bệnh nhân nhiễm Covid được chữa khỏi và chào bác sĩ trước khi ra về. |
Dẫu khó khăn, vất vả nhưng trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, hơn nữa, bệnh nhân đang cần trợ giúp thì ba cũng như các đồng nghiệp không thể thờ ơ. Có những giai đoạn, tưởng chừng bác sĩ cũng không chịu đựng nổi vì khối lượng công việc quá nhiều, nhưng nhìn những bệnh nhân đang nằm thở trên giường bệnh, mệt mỏi chống chọi với những cơn ho… thì ba lại cố gắng và tự nhủ không thể “buông súng đầu hàng” bởi tính mạng của các bệnh nhân là quan trọng nhất.
Với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, các y, bác sĩ đã làm việc có những ngày vượt hơn 200% khối lượng công việc so với những ngày thường nhưng ai cũng cảm thấy rất vui vì giúp đỡ nhiều người vượt qua cơn nguy kịch của dịch bệnh.
Trong quá trình chữa bệnh, có rất nhiều bệnh nhân người nước ngoài được chữa khỏi và giờ họ đã ra viện. Hiện giờ, ba còn giữ những bức thư cảm ơn của họ. Sinh sống và làm việc xa quê hương, không may bị nhiễm Covid-19 nên họ được đưa vào Bệnh viện Covid Vũng Tàu để chữa trị. Có thể nói, điều trị cho bệnh nhân nước ngoài vất vả hơn bệnh nhân Việt Nam bởi bên cạnh yếu tố bất đồng ngôn ngữ thì mỗi bác sĩ ngoài công việc chuyên môn, phải động viên họ để bệnh nhân không cảm thấy cô đơn, lạc lõng khi xa quê hương và an tâm để chữa bệnh.
Con biết không, rõ ràng do có sự tập trung lực lượng quy mô tốt như và sự hỗ trợ, phối hợp kịp thời từ các bệnh viện và các cơ sở y tế của thành phố Vũng Tàu nên Bệnh viện Covid Vũng Tàu đã có quá trình điều trị tốt, tỷ lệ tử vong giảm hẳn. Giờ đây, Vũng Tàu trở thành địa phương kiểm soát dịch tốt trong khu vực.
Hiện nay, Bệnh viện đang triển khai tiêm vắc-xin cho những người già, phụ nữ đang mang thai, người có nhiều bệnh nền mà không thể tiêm ở các trạm y tế của phường. Ngoài ra, hiện nay, ba đang tổ chức tiếp tục tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho người nước ngoài đang sinh sống tại đây. Trước đó, đã tiêm cho khoảng 2 nghìn người nước ngoài ở TP Vũng Tàu. Hiện nay, ở TP Vũng Tàu có khoảng 3-4 nghìn người nước ngoài và thời gian tới sẽ tiếp tục tiêm tại bệnh viện.
Ba vừa nhận được bức thư của anh Trịnh Thanh Danh, mang hai quốc tịch Việt Nam và Bỉ, gửi thư cảm ơn Bệnh viện đã thực hiện tốt công tác chữa trị cho bệnh nhân nhiễm Covid và tiêm vắc-xin cho người nước ngoài trên địa bàn.
 |
Bức thư của anh Trịnh Thanh Danh. |
Bức thư có đoạn: “Vô vàn biết ơn các nhân viên y tế, y tá, bác sĩ và các cộng sự của ê kíp “chích ngừa Covid” đã tận tụy, lo lắng đến sự an toàn của chúng tôi trước đại dịch thế kỷ”.
Những chia sẻ từ phía bệnh nhân và những người tiêm vắc-xin chính là sự động viên vô cùng lớn lao để ba và các đồng nghiệp tiếp tục cống hiến cho sự nghiệp đó con ạ.
Ba biết rằng, ở gia đình mình, cả ba mẹ đều là bác sĩ thì con sẽ thiệt thòi hơn các bạn khác bởi ba mẹ thường xuyên phải đi trực vắng nhà. Nhưng con vẫn tự giác học tập và giờ đây con đã trở thành sinh viên. Sau này, ba muốn con nối nghiệp nghề của ba mẹ bởi đây là một nghề vô cùng cao quý. Dẫu rằng, con có thể lựa chọn lập nghiệp bằng nghề khác, có thu nhập cao hơn, cuộc sống đỡ vất vả hơn nhưng cuối cùng con vẫn quyết định theo đuổi nghề y. Ba tin tưởng con sau này sẽ trở thành một thầy thuốc yêu nghề, tận tâm với bệnh nhân.
Bác sĩ chuyên khoa 2 NGUYỄN THANH PHƯỚC, Giám đốc Bệnh viện Vũng Tàu