Mẹ kính yêu!
Thế là đã 455 ngày, con cùng anh em chiến đấu trên tuyến đầu mặt trận Covid-19 rồi, vui có, buồn có, con nhớ nhà, thương mẹ rất nhiều mẹ ạ. Tốt nghiệp Học viện Biên phòng năm 2019, may mắn được tổ chức phân công về công tác tại Bình Phước, con cứ nghĩ sẽ có điều kiện được gần nhà, chăm sóc cha mẹ nhiều hơn. Thế nhưng đại dịch Covid-19 đã làm nhiều thứ bị đảo lộn.
 |
Trung úy Trần Tấn Lực trên chốt chống dịch. |
Con vẫn còn nhớ như in những ngày đầu tiên lên “mặt trận” – chốt phòng chống dịch của Đồn BPCK Hoàng Diệu trên biên giới, hành trang con mang theo chỉ vỏn vẹn chiếc balo với một cái võng, vài bộ quần áo, mì tôm, lương khô và một ít đồ dùng cá nhân khác… cùng lời dặn của mẹ: “Con trai à! Bố mẹ tự hào về con, hãy cố gắng lên con nhé”.
Con cứ nghĩ lên chốt dăm bữa nửa tháng rồi con sẽ thi thoảng về thăm cha mẹ nhưng không ngờ công việc dồn dập cuốn chúng con từ sáng đến đêm khuya, ngày này qua ngày khác.
Năm anh em chúng con bám chốt mang màu áo khác nhau, biên phòng có, bộ binh có, dân quân có nhưng cùng chung một nhiệm vụ, một mục tiêu, một lý tưởng, cùng gắn bó với nhau như keo sơn, ruột thịt, ăn cùng ăn, ở cùng ở, khó khăn cùng vượt qua.
Có lần, mấy anh em ngồi chơi với nhau trên võng, đứa em trẻ nhất là dân quân thường trực của xã tăng cường cho chốt hỏi con: “Anh ơi, “thằng Covid nó như thế nào mà sợ vậy anh nhỉ?”. Con đáp lại: “Anh mà biết, chú nghĩ anh còn ngồi đây nói chuyện với chú không?”.
Cả hội lăn ra cười khúc khích. Nói xong, mấy anh em lại đâu vào đấy, về vị trí cũ căng mình cả ngày đêm dọc đoạn biên giới được phân công tiếp tục thực hiện nhiệm vụ. Ở đây, ai cũng nêu cao tinh thần trách nhiệm, không ai bảo ai, mỗi người một nhiệm vụ, bố trí thành hai vòng chiến đấu, mỗi vòng 2 - 4 người, người này về ăn cơm, tắm giặt xong lại ra thay cho người còn lại, đảm bảo khép kín toàn bộ biên giới 24/24. Vào những ngày anh em chúng con phải đi tuần tra đêm, phải tắt hết đèn xe, đèn pin, lợi dụng trăng sáng để di chuyển nhằm đảm bảo bí mật, công việc đạt hiệu quả cao nhất.
Trên này, mùa nào cũng cực mẹ ạ. Mùa khô thì nắng nóng như thiêu, như đốt, có hôm nhiệt độ lên đến 39 - 40 độ C, thiếu nước sinh hoạt. Mùa mưa thì gió to, sấm chớp, có lần cây đổ làm sập lán, anh em phải bỏ chạy thoát thân…
Một thứ “đặc sản” quen thuộc là muỗi mẹ ạ! Muỗi từng đàn - nườm nượp kéo đến không kể ngày hay đêm và các loài rắn cực độc: Rắn cạp nong, cạp kia, hổ mang, chàm quạp… luôn rình rập. Có lần rắn chui vào tận balo của anh em chúng con để làm ổ, rắn cuộn tròn dưới giày, có con dài 1m2 - 1m5.
Khó khăn là thế, vất vả là thế… nhưng mọi người vẫn không ngừng cố gắng, cố gắng vì những người mình yêu thương, cố gắng vì phía trước là Tổ quốc, phía sau là hàng triệu đồng bào thân thương.
Để bám chốt, chúng con lập lán, lập trại ngoài rừng để ở, nhường chỗ cho các khu cách ly. Đó là tình trạng chung của nhiều đơn vị bộ đội trên cả nước lúc này, trong đó có đơn vị chúng con.
Tết rồi mẹ bị tai nạn, mấy tháng trời không đi lại được mà con không về giúp gì cho mẹ được, con lo lắng và thương mẹ vô cùng. Nhưng vì nhiệm vụ, như mẹ dặn con phải đặt nhiệm vụ lên trên hết, con vẫn nỗ lực hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ mỗi ngày với một niềm tin dịch giã sẽ qua, con sẽ sớm được về chăm sóc mẹ.
Xung quanh con, đồng đội cũng nhiều anh em gặp khó khăn. Cuối năm ngoái, ở đơn vị con có em Tân, chiến sĩ, quê ở tận Cao Bằng. Đang trên chốt chống dịch thì Tân nghe tin bố mất. Nhà nghèo lắm, đơn vị cho nghỉ phép về chịu tang cha nhưng hai hôm sau Tân đã tự giác trả phép về đơn vị cùng anh em tham gia chống dịch. Một em nữa người dân tộc thiểu số cũng quê ở Bình Phước tên là Điểu Gia Rô, gần đây được đơn vị giải quyết nghỉ phép năm 2021. Nhà rất nghèo nên Rô về nhà liền đi phụ hồ kiếm tiền giúp gia đình. Đầu tháng 5 vừa qua, khi làn sóng dịch lần 4 bùng phát, có lệnh triệu tập, Rô cũng nhanh chóng có mặt tại đơn vị đúng giờ. Sự tự giác của những người chiến sĩ đó càng khiến những sĩ quan như chúng con phải nêu cao trách nhiệm hơn.
Anh em sĩ quan ở đồn của con cũng vậy. Chú Bùi Văn Tám, Phó đội trưởng Trinh sát, tích góp mấy chục năm công tác xây được cái nhà thì dịch tới, công trình lại dở dang, nhà chỉ còn vợ và con nhỏ vẫn phải lên đơn vị tăng cường ngay lên điểm chốt chống dịch. Đặc biệt, có anh Võ Thái Đức, hơn con vài tuổi, công tác trên Trạm kiểm soát cửa khẩu đã phải hoãn cưới 2 lần để tham gia chống dịch và sau do nhiệm vụ kéo dài, cuối cùng, đám cưới thay bằng lễ báo hỷ gọn nhẹ để giúp anh Đức kịp tiếp tục tham gia chống dịch cùng đơn vị.
 |
Trung úy Trần Tấn Lực cùng đồng đội khắc phục khó khăn, tích cực tăng gia sản xuất. |
Mẹ ơi!
Bây giờ cuộc sống của anh em chúng con trên chốt tuy vẫn còn khó khăn nhưng đã đỡ vất vả hơn nhiều rồi. Đó là nhờ vào sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, của chỉ huy các cấp và sự yêu thương đùm bọc của nhân dân… Chúng con đã chuyển nơi ăn, chốn ở từ lều bạt tạm bợ sang nhà bán kiên cố, đủ để ngủ nghỉ, che mưa, che nắng. Ở chốt, chúng con tự trồng rau, nuôi gà, chặt măng, hái nấm… để cải thiện bữa ăn. Chốt của con sắp trở thành vựa rau lớn nhất vùng, đủ để cung cấp cho cả các chốt khác rồi đấy! Chúng con sẽ luôn giữ biên giới bình yên và tin rằng dịch bệnh sẽ sớm bị đẩy lùi, con sẽ sớm được về chăm sóc mẹ!
Trung úy TRẦN TẤN LỰC
(Đội trưởng vũ trang, Đồn Biên phòng Cửa khẩu Hoàng Diệu, Bộ đội Biên phòng tỉnh Bình Phước)