Hằng năm, những ngày này, tôi được quây quần bên gia đình, bên vợ con, bên bạn bè, đồng nghiệp và được đón một sinh nhật ấm áp. Năm nay, tôi nhận lời chúc mừng sinh nhật qua Facebook, Zalo, qua màn kính của bộ đồ bảo hộ cấp 4, "khuyến mại" thêm cặp kính 5 diop. Tôi đón sinh nhật tại Bệnh viện hồi sức Covid-19 TP Hồ Chí Minh, đây là bệnh viện điều trị Covid-19 ở tầng cao, mức độ nặng và nguy kịch, ngang cấp với Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương và Bệnh viện Chợ Rẫy.
 |
Phút thư giãn của TS Nguyễn Bá Tĩnh (ở giữa) cùng các đồng nghiệp tại Bệnh viện Hồi sức Covid-19 TP Hồ Chí Minh. Ảnh: HÀ TRẦN |
Từ đầu tháng 7, tôi được giao nhiệm vụ làm trưởng đoàn công tác của Bệnh viện K tham gia hỗ trợ TP Hồ Chí Minh chống dịch Covid-19. Trước đó ít lâu, khi Bệnh viện K ở trong tâm dịch, cả nước đã hướng về chúng tôi, hỗ trợ, chia sẻ với chúng tôi. Lúc đó, chúng tôi thấu hiểu hơn ý nghĩa của sự chung tay, chia sẻ, động viên dù là một chút thôi cũng rất đáng quý. Khi miền Nam ruột thịt đang ở trong giai đoạn khó khăn, hơn lúc nào hết, những đồng nghiệp của chúng tôi, người bệnh ở đó cần sự chia sẻ. Chúng tôi đã có sự chuẩn bị kỹ càng với các đợt tập huấn từ công tác cấp cứu, điều trị, chăm sóc người bệnh; công tác lấy mẫu, kiểm soát nhiễm khuẩn... Là cán bộ y tế tuyến đầu chống dịch, chúng tôi sẵn sàng “chia lửa”, đó không chỉ là nhiệm vụ mà là mệnh lệnh từ trái tim.
Điều khiến tôi ám ảnh nhất không phải là sự vất vả trong chăm sóc người bệnh mà là phải chứng kiến cảnh bệnh nhân ra đi dù chúng tôi đã cố gắng hết sức để cứu chữa. Từng trải qua những giây phút khắc nghiệt tại khoa cấp cứu, nhưng chưa khi nào tôi chứng kiến sự tàn khốc như dịch Covid-19 thời gian qua. Nhiều người bệnh bị cướp đi mạng sống quá nhanh khiến các y, bác sĩ không kịp trở tay. Mỗi khi phải chứng kiến bệnh nhân tử vong, tôi và các bác sĩ trải qua cảm giác trống rỗng, bất lực đến tột độ, thậm chí những người mới vào còn có sự hoảng hốt. Nhưng chúng tôi phải nhanh chóng vượt qua ngay các cảm xúc đó, vì xung quanh còn rất nhiều người bệnh đang cần chúng tôi, hàng trăm cái máy thở vẫn đang báo “tít tít” liên hồi. Mồ hôi túa ra trong những bộ đồ bảo hộ đóng kín suốt 10-12 giờ đồng hồ và cả những giọt nước mắt tràn ra, rồi lại tự khô. Nhiều tua trực thiếu người mà chưa bổ sung kịp vì rất nhiều lý do, như: Có bác sĩ phải nghỉ do kiệt sức; có bác sĩ, nhân viên y tế trở thành F0 phải điều trị, hoặc phải đi cấp cứu các F0 đang điều trị tại nhà... Lúc đó, cường độ làm việc dồn lên vai những người còn lại sẽ vất vả hơn rất nhiều.
Trong môi trường khắc nghiệt này, những món quà ý nghĩa nhất với chúng tôi là khi cấp cứu, hồi sức thành công một ca bệnh. Rồi khi bệnh nhân đó khỏi bệnh và được xuất viện. Có lần như thế, tôi đã vui mừng và khóc như đứa trẻ. Thật xúc động khi được ăn một suất cơm hộp với dòng chữ: “Cảm ơn các y, bác sĩ tuyến đầu chống dịch”. Đó là một trong những bữa ăn ngon nhất trong đời tôi, mặc dù đã quá bữa ăn vài giờ đồng hồ.
Chúc mừng sinh nhật tôi! Một sinh nhật đặc biệt, ở một nơi rất đặc biệt. Nhưng dù đặc biệt đến đâu, thực lòng, tôi không mong muốn một lần nữa được nhận lời chúc của mọi người qua Facebook, Zalo, qua tấm kính chắn của bộ đồ bảo hộ cấp 4, giữa tiếng “tít tít” của hàng trăm chiếc máy thở, ở nơi đủ tận cùng những cung bậc cảm xúc mừng vui hay đau khổ diễn ra trong ngày, ở nơi ranh giới sinh-tử chỉ như sợi chỉ mong manh.
Các bài viết cộng tác với Chuyên mục "Covid-19 - Nhật ký đối mặt" xin gửi về địa chỉ email: kinhte@qdnd.vn và dientu@qdnd.vn. |
TS NGUYỄN BÁ TĨNH (Trưởng phòng Công tác xã hội, Phụ trách phòng Quản lý chất lượng, Bệnh viện K)